Xây dựng Đảng

Nghệ An tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Mai Hoa 28/12/2024 07:17

Chất lượng cán bộ đóng vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào, nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, ngành. Bởi vậy, đây là khâu được các cấp, ngành trong tỉnh chăm lo, nhất là cấp cơ sở - cấp trực tiếp triển khai, đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.

 Lãnh đạo xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp) khảo sát triển khai làm đường giao thông nông thôn.
Lãnh đạo xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp) khảo sát triển khai làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Mai Hoa

Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở

Cách đây 10 năm, tại xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp), năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ, công chức có những hạn chế, mà nguyên nhân chính là cấp ủy, chính quyền chưa quy tụ được sức mạnh đoàn kết, phát huy năng lực, sở trường cũng như đóng góp của cán bộ, công chức vào phong trào chung của địa phương.

Trước thực tế đó, huyện Quỳ Hợp đã điều động, luân chuyển cán bộ huyện về đảm nhận các vị trí chủ chốt ở địa phương, gắn với thay đổi phương pháp, cách thức lãnh đạo, vận hành của tổ chức bộ máy ở cơ sở, đề cao tính trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trên cơ sở phân công và đánh giá công việc theo tuần.

Đồng chí Lưu Xuân Điểm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Châu Cường cho biết: “Cán bộ, công chức biết được khối lượng công việc trong tuần cần phải làm và yếu, kém ở chỗ nào để khắc phục hàng tuần”. Cùng với đó, thực hiện đánh giá, phân tích điểm mạnh, yếu của từng cán bộ, công chức nhằm phát huy điểm mạnh, nâng cao tính cộng sự, hỗ trợ, người giỏi hỗ trợ người yếu về công nghệ thông tin, về kiến thức tài chính, về chỉ đạo thực tiễn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương…

 Lãnh đạo xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp) trực tiếp giám sát việc làm cầu tràn
Lãnh đạo xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp) kiểm tra thi công công trình giao thông trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa

Trong công tác thi đua và khen thưởng, xã Châu Cường lấy kết quả công việc làm thước đo, đảm bảo công tâm, khách quan, tạo động lực khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức cống hiến; gắn với chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đi học, chuẩn hóa bằng cấp. Giai đoạn 2015 – 2025, địa phương đã có 4 cán bộ, công chức đi học và hoàn thiện trình độ thạc sĩ, đại học chuyên môn và 12 cán bộ, công chức hoàn thành trung cấp chính trị. Hiện, trong tổng 22 cán bộ, công chức xã Châu Cường, có 19 người có trình độ chuyên môn đại học và thạc sĩ; 20 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị và 2 người có trình độ sơ cấp lý luận chính trị.

Từ việc chăm lo đào tạo, chuẩn hóa bằng cấp và gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát và làm tốt công tác thi đua, xã Châu Cường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm cao và công tác tốt. Từ một xã khó khăn với hơn 91% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, vài năm gần đây, xã Châu Cường đã có bước phát triển mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Từ không nằm trong “bản đồ” quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy đường, nay địa phương đã có hơn 76 ha mía trồng tập trung; sản xuất ngô nếp và ngô sinh khối vụ đông với hơn 160 ha; đưa cây dược liệu húng quế vào trồng trên 10 ha ở khu vực đất bỏ hoang trước đây. Địa phương xây dựng thành công 4 sản phẩm OCOP trong tổng 23 sản phẩm của toàn huyện Quỳ Hợp… Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới có nhiều nỗ lực, với 4/9 xóm đạt chuẩn nông thôn mới và xã đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới.

 giai-phong-mat-bang-lam-duong-giao-thong-nong-thon-tai-xa-chau-cuong-huyen-quy-hop
Giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mai Hoa

Cũng quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, giải pháp được cấp ủy, chính quyền xã Nghi Trường (huyện Nghi Lộc) chú trọng là cử cán bộ, công chức đi học đại học, trung cấp lý luận chính trị, gắn với tăng cường tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn quản lý tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và các nghiệp vụ về công tác văn hóa, y tế, giáo dục, tư pháp, công tác xây dựng Đảng. Nếu như đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức đạt 90% đại học và 85% có trình độ trung cấp lý luận chính trị; thì nay, 100% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị.

 anh-dao-xa-nghi-truong-huyen-nghi-loc-trao-ho-tro-mo-hinh-sinh-ke-cho-nguoi-ngheo.-
Lãnh đạo xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc trao hỗ trợ mô hình sinh kế cho người nghèo. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh đó, đồng chí Hoàng Văn Việt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Trường cho biết: Để khắc phục tình trạng, cán bộ, công chức được chuẩn hóa bằng cấp, nhưng năng lực chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ hạn chế; cấp ủy, chính quyền xã Nghi Trường chú trọng khâu giao việc theo hướng chi tiết hóa đến từng tổ chức, cá nhân. Ví dụ, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, ngoài trách nhiệm được phân công cho từng thành viên ban chỉ đạo cấp xã, UBND xã cũng thành lập ban thực hiện xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức phụ trách từng nhóm tiêu chí và từng địa bàn xóm cụ thể để chỉ đạo.

Trong quá trình chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hàng tuần đối với cán bộ, công chức và hàng tháng đối với ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ cấp ủy chặt chẽ. Muốn đánh giá sát, cán bộ, công chức “tâm phục, khẩu phục” thì lãnh đạo phải bám việc, sâu sát cơ sở; từ đó khích lệ, nâng cao ý thức trách nhiệm, sự lăn xả vào cuộc của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Năm 2023, Đảng bộ xã Nghi Trường được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào giữa năm 2024.

 nha-van-hoa-o-cac-xom-xa-nghi-truong-huyen-nghi-loc-deu-duoc-dau-tu-xay-dung-khang-trang.
Nhà văn hoá ở các xóm, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc đều được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Mai Hoa

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, các cấp ủy ở huyện Nam Đàn chú trọng khâu đánh giá cán bộ chặt chẽ, nhiều chiều về phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, uy tín, kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, thực hiện các nghị quyết, quy định, chỉ thị của Đảng các cấp. Việc rà soát, bổ sung, đưa ra khỏi quy hoạch cũng dựa trên cơ sở đánh giá cán bộ; quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.

Tính từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, toàn huyện Nam Đàn có 22 cán bộ được đào tạo đại học và thạc sĩ chuyên môn; 772 cán bộ được đào tạo lý luận chính trị và mở 11 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, quản lý nhà nước, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, quốc phòng - an ninh… Huyện quan tâm đào tạo cán bộ thông qua luân chuyển, điều động, với 9 cán bộ huyện luân chuyển về làm chủ trì ở cơ sở và điều động 8 cán bộ từ cơ sở về huyện; luân chuyển ngang giữa các phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện 23 cán bộ.

bna_-7-0447046bb04c42c98b08e231eb894713.jpg
Lãnh đạo UBND huyện Nam Đàn kiểm tra việc thực hiện công việc chuyên môn của công chức Phòng Nội vụ. Ảnh: Mai Hoa

Ở phạm vi toàn tỉnh, trên cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 26, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; các khâu trong công tác cán bộ được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, chặt chẽ từ khâu đánh giá cán bộ đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và tuyển dụng, bố trí, phân cấp quản lý, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ. Việc bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương được các cấp ủy tập trung chỉ đạo. Tính đến tháng 7/2024, có 18/21 bí thư cấp ủy cấp huyện và 12/21 chủ tịch UBND cấp huyện không là người địa phương. Ở cấp cơ sở, nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo quyết liệt nội dung này, như Tương Dương, Nghĩa Đàn...

Trên cơ sở đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); bên cạnh những ưu điểm như cơ bản chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị, năng lực và ý thức trách nhiệm đối với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp ngày càng nâng cao; các cấp ủy trong tỉnh cũng đã nhìn nhận rõ hạn chế về năng lực của một số cán bộ, công chức, nhất là năng lực tư duy, quản lý và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vẫn còn tư tưởng bảo thủ, trì trệ, làm việc theo kinh nghiệm, ngại học hỏi, tiếp thu kiến thức mới; lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, ngại va chạm. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, vi phạm kỷ cương, kỷ luật, pháp luật và quy định của Đảng.

Từ nhìn rõ những mặt yếu kém của đội ngũ cán bộ, cấp ủy các cấp trong tỉnh tiếp tục đặt ra quyết tâm đổi mới công tác cán bộ trên các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ; gắn với tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gọn và tinh, đáp ứng về phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Nghệ An tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO