Nghệ An tham gia hội nghị về phát triển thị trường lao động
(Baonghean.vn) - Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nhân lực nhằm phục hồi nhanh kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quang cảnh điểm cầu chính tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Bắc/VGP |
Ngày 20/8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước bàn giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động, việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc/VGP |
Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Hiện nay, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh, góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%.
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung - cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả.
Tại Nghệ An, bình quân hàng năm số người đến tuổi bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh xấp xỉ 45.000 - 50.000 người; Lao động đang làm việc trong ngành kinh tế là 1.600.000 người; Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm lao động trong khu vực nông, lâm, ngư, tăng lao động trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại...
Thời gian qua, mỗi năm, trích lập quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm địa phương từ ngân sách tỉnh bổ sung vào nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng. Mỗi năm có khoảng gần 50.000 lao động được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, do cung lao động của tỉnh đang ở mức cao, nội lực phát triển kinh tế của Nghệ An mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu việc làm của người lao động. Hàng năm, có hàng chục nghìn lao động địa phương vẫn phải di chuyển sang các tỉnh, thành khác; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị vẫn ở mức 2,8%...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng thị trường lao động Việt Nam hiện nay, nhận diện những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức hiện nay để đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: PV |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị phải nâng cao nhận thức về thị trường lao động có tính quy luật cung - cầu và cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao; tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.
Mặt khác, cần tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch; đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư; chú trọng đầu tư cả về cơ chế, chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực, có các cấp trình độ khác nhau.
Tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực, đa trình độ. Ảnh: Thanh Phúc |
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung - cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước. Tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân có thể làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định, để người lao động hạn chế phải xa quê hương. Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Song song với đó là đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nhân lực nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.