Nghệ An: Thêm những hiệu trưởng bị vạ lây vì người nhà của giáo viên vay tiền online

Tiến Hùng 13/08/2022 10:23

(Baonghean.vn) -Chỉ vì người nhà của giáo viên vay tiền, thầy hiệu trưởng bị vu khống, xúc phạm danh dự trên mạng xã hội.

Cuộc sống đảo lộn vì bị đòi nợ vô cớ

Thầy Đặng Văn Bằng - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông), vừa có đơn trình báo tới cơ quan công an về việc bản thân bị vu khống trên mạng xã hội Facebook. "Những thông tin trên là bịa đặt nhằm làm mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo đối với bản thân tôi và cô Lô Thị Anh. Gây mất đoàn kết nội bộ, làm mất uy tín của nhà trường đối với nhân dân, phụ huynh, học sinh, làm ảnh hưởng uy tín của ngành giáo dục", thầy Bằng nêu trong đơn trình báo gửi công an.

Thầy Bằng kể, những ngày gần đây, tài khoản Facebook có tên "Anh Khang" đã đăng tải và phát tán hình ảnh và thông tin (ghép hình ảnh cô Lô Thị Anh, cô Nguyễn Thị Thu Sen là giáo viên Trường THPT Mường Quạ và hình ảnh của thầy Bằng) phát tán đến nhiều người nhằm mục đích khủng bố tinh thần, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm danh dự nhà giáo. Nội dung bài đăng là "đơn tố cáo hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ".

"Tên tôi: Lô Thị Anh, hiện tại đang làm giáo viên tại trường. Tôi lấy danh dự mình ra để lên án hành vi hiệu trưởng Đặng Văn Bằng, chèn ép trong công việc, cấu kết cố tình chậm trễ trong quá trình trả lương, ăn chặn tiền lương giáo viên trong suốt thời gian qua. Sau nhiều lần liên hệ để mong giải quyết vấn đề không được nay tôi làm đơn này mong muốn mọi người cùng tố cáo hành vi thiếu đạo đức nghề nghiệp, ăn chặn này để đòi lại quyền lợi cho công nhân viên đang làm việc tại đây. Liên hệ: 0933.065.018 (gặp Dương đòi lại công bằng cho giáo viên) , nội dung bài đăng viết.

Thầy Bằng bị ghép ảnh, vu khống trên mạng xã hội. Ảnh: T.H

Sau khi biết thông tin trên, nhà trường đã tiến hành cuộc họp gồm đại diện Ban giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, Ban thanh tra nhân dân, cô Lô Thị Anh, thầy Đặng Văn Bằng để làm rõ nội dung trên. Cuộc họp kết luận, nhà trường luôn chi trả tiền lương cho giáo viên đầy đủ, kịp thời, không có tình trạng "chèn ép trong công việc". Đồng thời, bản thân cô Lô Thị Anh không làm đơn tố cáo với nội dung như trên.

"Tôi thật sự rất áy náy, vì chuyện của gia đình mà làm ảnh hưởng tới nhà trường", cô Lô Thị Anh chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An. Theo cô Anh, nguyên nhân của việc này là do em gái của cô hiện sống ở tỉnh Thanh Hóa có vay nợ của FE Credit (công ty con của Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng).

"Năm 2020, em gái tôi có vay của FE Credit 53 triệu, trả góp mỗi tháng 2,7 triệu đồng trong vòng 4 năm. Tính ra cả lãi lẫn gốc phải trả là gần 130 triệu đồng. Khi làm thủ tục vay, em gái có đăng ký số điện thoại người thân là tôi. Tuy nhiên, gần đây gia đình gặp chuyện không hay, nên nhiều tháng rồi không trả được. Vì vậy mà họ bắt đầu tấn công người thân quen. Họ gọi điện chửi bới tôi rất nhiều, tấn công tôi xong thì đến lãnh đạo nhà trường", cô Anh kể.

Do là hiệu trưởng nơi cô Anh đang công tác, thầy Bằng cũng phải chịu vạ lây.

Không chỉ ở Con Cuông, tại huyện Tân Kỳ, nhiều trường học cũng gặp cảnh tương tự. Nhiều ngày nay, cuộc sống của gia đình cô N.T.H – Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn huyện cũng bị đảo lộn vì bị những kẻ đòi nợ tấn công. Cả gia đình cô H. phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, phiền phức bởi những cuộc điện thoại chửi bới bất kể giờ giấc của những kẻ đòi nợ. Dù cho gia đình cô H. không có một ai đang vay nợ.

Phản ánh với phóng viên Báo Nghệ An, cô H. cho biết, cách đây không lâu, cô lần đầu nhận được cuộc điện thoại từ số lạ. Người này lớn giọng thông báo có một giáo viên trong trường đang nợ tiền của ngân hàng chưa trả hết, phía ngân hàng sau đó chuyển cho công ty đòi nợ để thu hồi nợ. Người này yêu cầu cô H. phải gây áp lực để giáo viên đó lập tức trả nợ.

“Tuy nhiên khi tôi xác minh thì vị giáo viên đó cam kết không hề vay nợ. Tôi đã trả lời với những kẻ đòi nợ như vậy, đồng thời nói rằng việc nợ nần của giáo viên bên ngoài không liên quan nhà trường. Nhưng họ vẫn cứ chửi bới, bảo tôi bao che”, cô H. kể.

Con gái cô H. bị đe dọa. Ảnh: T.H

Sau cuộc điện thoại đó, lập tức tài khoản Facebook của cô H. bị tấn công. Chúng lấy hình ảnh của gia đình cô để gán ghép, vu khống cô bao che giáo viên bùng nợ. Không chỉ tấn công cô H, các con gái của cô đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội cũng bị chúng lần ra được số điện thoại và tài khoản Facebook để đe dọa. Trong đó, có một tài khoản Zalo với hình đại diện là một nhóm thanh niên xăm trổ nhắn tin tới con gái cô H. thông tin chúng biết cô đang làm việc tại đâu, đồng thời đe dọa “đi đứng nhìn trước ngó sau vào. Đang đi mà bị té có sứt mù đui mẻ thì không phải lính anh làm đâu”… “Chúng tôi thật sự rất hoang mang. Rất lo cho 2 đứa con gái đang làm việc ở Hà Nội. Nhiều ngày nay phải sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm”, cô H. nói.

Cùng cảnh ngộ với cô H., một vị hiệu trưởng khác trên địa bàn TP Vinh cũng cho biết, hơn một tuần nay, cả gia đình cô cũng lâm vào cảnh tương tự. “Chúng suốt ngày nhắn tin, gọi điện, rồi tấn công trên mạng xã hội. Không chỉ tấn công tôi mà chúng còn khủng bố cả đại gia đình nhà tôi. Thậm chí bố mẹ tôi ở quê đã lớn tuổi vẫn bị chúng gọi điện đe dọa, vu khống tôi vay tiền. Trong khi thực tế toàn bộ giáo viên và tôi không mắc nợ”, vị hiệu trưởng bức xúc.

Tương tự những nạn nhân khác, ngoài khủng bố bằng những cuộc gọi bất kể giờ giấc để chửi rồi nhắn tin đe dọa, vị hiệu trưởng này và gia đình cô cũng bị lấy hình ảnh để gán ghép, bôi nhọ, vu khống trên mạng xã hội Facebook. “Không hiểu sao chúng có rất nhiều thông tin cá nhân của gia đình tôi. Không chỉ số điện thoại mà còn rất nhiều thông tin khác, chúng biết rất rõ. Con tôi học trường nào, lớp nào nó cũng biết. Chúng tôi thật sự hoang mang”, vị hiệu trưởng nói thêm.

Cần sớm ngăn chặn

Liên quan đến vấn nạn này, trung tuần tháng 5, Báo Nghệ An cũng đã loạt bài phản ánh. Ngay sau đó, nhiều cơ quan báo chí cũng đã vào cuộc. Ngày 25/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây tín dụng đen với 300 nghi phạm ở khắp nước bị triệu tập, trong đó có nhiều người nước ngoài. Theo điều tra, người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân sau đó dùng danh bạ điện thoại làm tài sản thế chấp, gửi qua app. Chỉ với thủ tục như vậy khách hàng có thể vay 2-30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ vay nợ.

Ngay sau khi giải ngân, nhóm cho vay sẽ thu ngay tiền lãi, còn tiền gốc người vay sẽ phải trả trong 3-5 ngày. Trường hợp không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên để tính với mức lãi suất "cắt cổ", hơn 2.000%/năm. Khi nhận thấy người nào mất khả năng thanh toán, nhóm cho vay sẽ chỉ đạo bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần họ và người thân cùng các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại. Nhiều trường hợp, chúng cắt ghép hình ảnh của người vay rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, ép nhanh trả nợ.

Ngày 12/7, Bộ Công an và Công an tỉnh Lào Cai tiếp tục triệt phá đường dây tương tự, 41 người bị triệu tập làm việc. Đây là đường dây phạm tội xuyên quốc gia, do các nghi phạm người nước ngoài cầm đầu. Chúng lập Công ty TNHH công nghệ Funmobi sau đó sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động như Vndong, Hitien, Zdong, Hvay... Các app này liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cung cấp gói sản phẩm cho vay trị giá 2-7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất hơn 2.000%/năm.

Một ổ nhóm cho vay qua App đòi nợ kiểu khủng bố vừa bị triệt phá. Ảnh: CACC

Đến hạn thanh toán mà khách không trả, nhóm nhân viên sẽ gọi điện đe doạ, khủng bố tinh thần đến người thân, bạn bè và phải chịu 6% phí phạt quá hạn. Cảnh sát xác định, khoảng 159.000 khách hàng đã vay qua các ứng dụng Vndong, Hitien, Zdong, Hvay với tổng số tiền hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, tiền đã giải ngân là gần 660 tỷ đồng; số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830 tỷ, phí phạt là gần 10 tỷ. Lượng tiền mà nhóm nghi phạm chiếm hưởng là hơn 320 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau những vụ bắt bớ này, tình trạng đòi nợ kiểu khủng bố vẫn tiếp tục lộng hành, chí ít là trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Bởi trên thực tế, có một số công ty tài chính trực thuộc ngân hàng, trên lý thuyết không phải “tín dụng đen” nhưng vẫn đòi nợ kiểu này, khiến người dân bức xúc. Đặc biệt có công ty có đến hơn 20.000 nhân viên, chuyên đi cho vay và đòi nợ kiểu khủng bố này… Dù nhận rất nhiều phản ánh từ người dân, nhưng đến nay công ty này vẫn công khai quảng cáo, hoạt động rầm rộ.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, một đại biểu cũng đã nêu tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng vay online mà không trả nợ đúng hạn. Vị này đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai biện pháp nào để từng bước hạn chế các hành vi nêu trên?.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật. Hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h...

Mới nhất
x
Nghệ An: Thêm những hiệu trưởng bị vạ lây vì người nhà của giáo viên vay tiền online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO