Nghệ An trao trả gần 2.000 hồ sơ cho cán bộ 'đi B'

Thanh Lê 24/07/2019 11:13

(Baonghean.vn) - Việc trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ “đi B” có ý nghĩa to lớn, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của tỉnh đối với các cán bộ “đi B”. Đây còn là một nguồn tài liệu độc đáo, đa dạng, vô giá minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với số phận của hàng vạn con người.

Nhân Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2019), sáng 24/7, Sở Nội vụ tổ chức Lễ trao trả hồ sơ cán bộ "đi B" cho các huyện, thành, thị quản lý và tiếp tục trao trả hồ sơ cán bộ và thân nhân cán bộ "đi B".. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước; Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ.


Nhiệm vụ cách mạng bí mật, cao cả

Trong những kháng chiến chống Mỹ, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, bên cạnh chi viện về vật chất, quân trang, quân dụng, thuốc men, lương thực, thực phẩm thì việc chi viện lực lượng quân đội cũng trở nên cấp bách.

Nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc hăng say lao động, sản xuất trên các công trường, xưởng máy ở miền Bắc và cả những cán bộ miền Bắc đã tình nguyện, lặng lẽ, âm thầm vượt Trường Sơn, chi viện sức người cho cuộc chiến và phục vụ chiến đấu ở miền Nam. Đó là một nhiệm vụ cách mạng bí mật, cao cả, vinh quang, được gọi với mật mã “đi B”.

Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Văn ThanhVăn phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Thanh Lê
Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Văn Thanh phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Thanh Lê

Hàng vạn người con ưu tú cả miền Nam và miền Bắc gửi đơn tình nguyện "đi B", đóng góp công sức cho nền độc lập và thống nhất đất nước. Khi đi tất cả những tư trang, hành lý, tài liệu kỷ vật cá nhân như: lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ, huân huy chương và tư trang như ảnh, nhật ký, thư từ, sổ tiết kiệm,… đều được gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ lưu giữ, đợi ngày họ trở về.

Trong hàng vạn cán bộ “đi B”, rất nhiều người còn sống nhưng cũng không ít người đã anh dũng hy sinh trên chiến trường.

Phó Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước Nguyễn Thị Nga phát biểu bày tỏ tri ân các cán bộ
Phó Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước Nguyễn Thị Nga phát biểu bày tỏ tri ân các cán bộ "đi B". Ảnh: Thanh Lê


Tri ân sâu sắc

Đáp ứng nguyện vọng đông đảo của thân nhân gia đình cán bộ “đi B” trong cả nước, Bộ Nội vụ đã chủ trương chứng thực, bàn giao toàn bộ gần 56.000 hồ sơ, kỷ vật cán bộ “đi B” thuộc 89 tỉnh, thành (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945 - 1975) về cho các tỉnh, thành phố để tiếp tục trao trả cho cán bộ và thân nhân gia đình cán bộ “đi B”. Tỉnh Nghệ An đón nhận 1.967 hồ sơ cán bộ “đi B”.

Phó Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước Nguyễn Thị Nga trao trả hồ sơ cho các cán bộ
Phó Cục trưởng Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước Nguyễn Thị Nga trao trả hồ sơ cho các cán bộ "đi B". Ảnh: Thanh Lê

Ngay sau khi tiếp nhận, Chi cục Văn thư - Lưu trữ Nghệ An đã tiến hành phân loại, lập danh sách hồ sơ cán bộ “đi B” theo các huyện, thành, thị xã.

Trong đó, huyện Hưng Nguyên có 149 hồ sơ, Nam Đàn 236 hồ sơ, Thanh Chương 270 hồ sơ; Đô Lương 239 hồ sơ, Anh Sơn 81 hồ sơ, Yên Thành 178 hồ sơ, Con Cuông 2 hồ sơ, Tương Dương 4 hồ sơ, Nghi Lộc 175 hồ sơ, Diễn Châu 257 hồ sơ, Quỳnh Lưu 157 hồ sơ, Nghĩa Đàn 10 hồ sơ, Quỳ Hợp 8 hồ sơ, Quỳ Châu 1 hồ sơ, Quế Phong 2 hồ sơ, thành phố Vinh 82 hồ sơ, thị xã Cửa Lò 30 hồ sơ, thị xã Thái Hòa 17 hồ sơ và thị xã Hoàng Mai 28 hồ sơ.

Niềm vui của các cán bộ
Niềm vui của các cán bộ "đi B" khi nhận được hồ sơ cá nhân. Ảnh: Thanh Lê

Đây tuy chỉ là bản sao hồ sơ của cán bộ “đi B” theo con đường dân sự và chỉ chiếm tỷ lệ không lớn so với số lượng chiến sỹ đồng bào đã tham gia vào cuộc kháng chiến, song có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh nhà.

Việc trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ “đi B” có ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn không chỉ lưu lại những thông tin cá nhân và quá trình phấn đấu của các cán bộ “đi B”, mà còn là một nguồn tài liệu độc đáo, đa dạng, nguồn sử liệu vô giá minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với số phận của hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt.

Bàn giao hồ sơ đi B cho các huyện, thành, thị quản lý. Ảnh: Thanh Lê
Bàn giao hồ sơ đi B cho các huyện, thành, thị quản lý. Ảnh: Thanh Lê

Việc trao trả hồ sơ thể hiện trách nhiệm, tình cảm của tỉnh và mong muốn góp phần giúp những cán bộ “đi B” hoặc thân nhân gia đình tìm được giấy tờ để giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.

Đồng thời thông qua hồ sơ, kỷ vật sẽ góp phần giáo dục truyền thống, giúp các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn, tự hào hơn về một giai đoạn cách mạng hào hùng mà cha ông đã sống, chiến đấu cho độc lập, hòa bình dân tộc./.

Nghệ An trao trả gần 2.000 hồ sơ cho cán bộ 'đi B'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO