Nghệ An triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống bệnh dại
(Baonghean.vn) - Hiện nay, bệnh dại đang có sự gia tăng đột biến với số ca tử vong cao. Ở Nghệ An đã có trường hợp tử vong do bị bệnh dại.
Số ca tử vong do bệnh dại tăng đột biến
Trước tình hình phức tạp của bệnh dại, ngày 15/3/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 1208/BYT-DP về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dại gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung triển khai cấp bách, đầy đủ các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030; chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời; tăng cường công tác phối hợp liên ngành Y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.
Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.
Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Các địa phương bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Nghệ An đã có 1 trường hợp tử vong vì bệnh dại
Trong tháng 2/2024, ở tỉnh đã xảy ra 2 ổ dịch dại tại huyện Quỳ Châu và thị xã Thái Hòa. Nguyên nhân chính dịch xảy ra do đàn chó chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vi rút dại lưu hành trên đàn chó. Nhiều địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo; chó thả rông còn phổ biến, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi.
Trong tháng 3/2024, ở Nghệ An đã có 1 người tử vong do bệnh dại. Nạn nhân là cháu L.T.T (9 tuổi, ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông). Theo người nhà, cháu L.T.T bị chó cắn vào khoảng tháng 2/2024; cắn vào vùng bàn chân và vùng bàn tay; vết thương có chảy máu. Gia đình tự xử lý vết thương, không đưa đến cơ sở y tế, không đi tiêm phòng huyết thanh và vắc-xin phòng bệnh dại.
Đến ngày 2/3/2024, cháu L.T.T xuất hiện các triệu chứng đau đầu, liệt cơ, sốt. Trưa ngày 5/3, cháu được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam Nghệ An. Cháu có các triệu chứng tăng tiết nước bọt, co giật, liệt, sợ gió, sợ ánh sáng và tử vong vào 18 giờ cùng ngày.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, ngày 14/3/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật và bệnh cúm gia cầm. Ngày 18/3, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục có Công văn số 2010/UBND-VX về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại.
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại; đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện. Các địa phương chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh dại, kịp thời cảnh báo, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch khi mới phát sinh. Những trường hợp nghi ngờ bệnh dại động vật phải được lấy mẫu xét nghiệm.
Các địa phương thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, quản lý đàn vật nuôi, tiêm phòng vắc-xin. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, trường học, người chăn nuôi, người làm nghề giết mổ động vật về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại, nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi, đặc biệt là nuôi chó, mèo với cộng đồng.
Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường quản lý, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, không gây ô nhiễm môi trường. Lực lượng chức năng phải tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo đạt trên 70% tổng đàn; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng, nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Những địa phương nào chủ quan, lơ là, không quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, để dịch bệnh xảy ra và có người tử vong do chó mắc bệnh dại cắn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bị phê bình trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh dại
Hiện nay, các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống bệnh dại. Giải pháp trọng tâm là tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về bệnh. Ngày 20/3, Sở Thông tin và Truyền thông đã có công văn đề nghị các cơ quan báo chí; các phòng văn hóa thông tin; Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố, thị xã tăng thời lượng tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại; các quy định pháp luật về hoạt động chăn nuôi nói chung, khi nuôi chó, mèo nói riêng.
Trước đó, ngày 19/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố Vinh với nội dung tăng cường tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh dại ở người năm 2024. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các đơn vị y tế đẩy mạnh truyền thông qua các kênh phát thanh, truyền hình, của địa phương, mạng xã hội, bảng tin công cộng tại nơi đông người, trường học, các điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Tổ chức thông tin tuyên truyền lưu động tại cơ sở, tuyên truyền vận động thông qua loa truyền thanh khu phố, xã, phường, thôn, bản, các cộng tác viên, cán bộ y tế; xây dựng in ấn, phát miễn phí các tài liệu truyền thông (tờ rơi, pano, sách, số tay...); truyền thông học đường; tổ chức các buổi toạ đàm, nói chuyện về phòng chống bệnh dại.
Công bố rộng rãi thông tin liên hệ các phòng tiêm có triển khai điều trị dự phòng bệnh dại đảm bảo tất cả mọi người dân biết và chủ động đi điều trị dự phòng bệnh dại khi bị phơi nhiễm, nghi phơi nhiễm.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết thương, vết liếm ở da bị tổn thương của động vật mắc bệnh (thường là chó, mèo). Bệnh dại khi đã lên cơn thì tỉ lệ tử vong là gần 100%. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc-xin phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, mọi người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Người nuôi chó, mèo tuyệt đối không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Mọi người không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Người bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa lại bằng cồn 70%, cồn Iod hoặc Povidone, Iodine. Lưu ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm vắc-xin phòng dại kịp thời. Đặc biệt, nạn nhân bị chó, mèo cắn tuyệt đối không dùng thuốc Nam, Đông y, không tự chữa và không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.