Nghệ An vận dụng hiệu quả các hình thức tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông
(Baonghean.vn) - Trong năm 2023, Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An đã triển khai hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, mở rộng nhiều đối tượng… Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Đa dạng hình thức, đối tượng
Việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như xây dựng các tiểu phẩm sân khấu hóa, tổ chức thi đi sa hình, thi tìm hiểu trực tuyến về an toàn giao thông của Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An đã nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến rõ nét về hành vi trong quá trình tham gia giao thông của thanh, thiếu niên tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Ban An toàn giao thông tỉnh đã quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ số để tuyên truyền pháp luật; mở rộng thêm nhiều đối tượng tuyên truyền như công nhân, nông dân…
Gần đây nhất, tại Công ty TNHH Viet Glory ở xã Diễn Trường (Diễn Châu) đứng chân ở vị trí gần Quốc lộ 1A, với gần 7.000 công nhân, người lao động hầu hết tham gia giao thông bằng xe gắn máy, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình tuyên truyền “Công nhân xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Tại buổi tuyên truyền, công nhân, người lao động được phân tích, cảnh báo các lỗi vi phạm chủ yếu thường gặp và những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra tai nạn giao thông đường bộ đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy; mối nguy hiểm của việc lạm dụng rượu, bia trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông; việc vi phạm về tốc độ cũng như nhắn tin, gọi điện thoại trong khi lái xe, chở quá số người quy định; tác hại của việc không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển, ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không đi đúng phần đường, làn đường quy định...
Tại lễ phát động “Nông dân với an toàn giao thông” và ra mắt mô hình “Đoạn đường nông dân tự quản an toàn giao thông” do Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức trước đó tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc), thông qua các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, các hội viên hội nông dân đã truyền tải nhiều thông điệp nhắc nhở mọi người tham gia giao thông an toàn từ việc đi đúng làn, bật đèn xi-nhan khi sang đường…
Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyên truyền
Ông Phan Huy Chương - Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh và ban an toàn giao thông các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ở tuyến đường, địa bàn phụ trách.
Nổi bật có nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo, xây dựng các chương trình tuyên truyền phù hợp đến nhiều đối tượng khác nhau, cụ thể: Lần đầu tiên tổ chức tuyên truyền dành cho đối tượng công nhân qua Chương trình “Công nhân xây dựng văn hóa giao thông” thu hút được sự quan tâm của đông đảo công nhân.
Tăng cường sự phối hợp, huy động được sức mạnh của các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; cụ thể: Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Lễ phát động “Nông dân với an toàn giao thông” và ra mắt mô hình “Đoạn đường nông dân tự quản về an toàn giao thông”; phối hợp Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức tổng kết 5 năm (2018 – 2023) và ký kết chương trình phối hợp “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia gìn giữ trật tự, an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông”, xây dựng, nhân rộng mô hình “Hội Cựu chiến binh tham gia bảo đảm an toàn giao thông đường sắt"; phối hợp Tỉnh đoàn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền “Học sinh với an toàn giao thông”, “Sinh viên tham gia xây dựng văn hóa giao thông”...
Tích cực, chủ động triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên như: Xây dựng 5 mô hình cổng trường “An toàn giao thông” tiêu biểu. Phát hành hơn 3.200 cuốn sách “Vui học an toàn giao thông” cho học sinh; phát hành hơn 12.000 đề can "Đã uống rượu, bia - Không lái xe"; hơn 700 phướn dọc; 1.200 áp phích "Không sử dụng điện thoại khi lái xe"; 6.300 áp phích "Đã uống rượu, bia - Không lái xe"; hơn 7.000 móc chìa khóa gắn nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; hơn 7.000 bút gắn tờ rơi tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
Lắp đặt biển led tuyên truyền tại Bến xe Vinh. Xây dựng các clip ngắn, video tuyên truyền về kỹ năng điều khiển phương tiện; triển khai lắp đặt, thay thế, bổ sung các biển báo tuyên truyền dọc các tuyến giao thông; phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh duy trì mô hình “Khu dân cư an toàn giao thông”, “Tổ tự quản an toàn giao thông”;…
Về kế hoạch tuyên truyền trong thời gian tới, theo ông Phan Huy Chương - Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh: Sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi; trong đó, chú trọng đến lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... góp phần làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, với mục tiêu tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông.