Nghệ An xác định 'phòng là chính' nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, Nghệ An luôn xác định phương châm: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”.
Chiều 20/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Ảnh: Nongnghiep.vn |
THIỆT HẠI 175 NGƯỜI, 19.500 TỶ ĐỒNG DO THIÊN TAI TRONG NĂM 2022
Năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm tại nhiều vùng trên cả nước, với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê. Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).
Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại... Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt Trung ương, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng |
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời. Công tác hỗ trợ người dân ổn định đời sống, sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời, nhất là hỗ trợ sửa chữa nhà ở, thông tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt,... Các lực lượng đã cứu được 5.542 người và 349 phương tiện; di dời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 4.473 nhà dân và 198 km đường...
Tuy nhiên, vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn. Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ tại cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp. Công tác vận hành hồ chứa còn bị động, quy trình vận hành còn nhiều bất cập. Công tác dự báo, cảnh báo sớm vẫn còn hạn chế. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 tại Hội nghị. Ảnh: Nongnghiep.vn |
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tình hình thiên tai trên địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan. Dự báo sẽ có 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền trong khoảng thời gian từ tháng 8-10/2023.
NGHỆ AN XÁC ĐỊNH PHƯƠNG CHÂM "PHÒNG LÀ CHÍNH"
Trình bày tham luận về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh thiên tai diễn biến rất phức tạp, cực đoan, làm chết 12 người, bị thương 1 người, 100 nhà bị sập, 990 nhà bị hư hỏng, tốc mái…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, Nghệ An luôn xác định phương châm: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Ngay trước mùa mưa bão, các địa phương đã chủ động rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt chú ý tới công tác di dời dân tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở. Công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được thực hiện theo 3 bước: An toàn về người, tài sản; ổn định cuộc sống và phát triển lâu dài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện nay tại Nghệ An vẫn đang còn khó khăn, hạn chế. Trong đó, do đặc điểm địa hình đa dạng, dễ bị chia cắt dẫn đến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, các thiết bị cứu hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu cấp bách trong và ngay sau thiên tai.
Lũ quét gây thiệt hại nặng nề tại huyện Kỳ Sơn đêm mùng 1, rạng sáng ngày 2/10/2022. Ảnh: Tiến Đông |
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng chống thiên tai, thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng công trình Đập sông Lam (công trình điều tiết và nâng cao mực nước sông Lam) kết hợp cầu giao thông để phục vụ điều tiết lũ, chống xâm mặn, chống hạn và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò.
TĂNG CƯỜNG NGUỒN LỰC CHO CÔNG TÁC CẢNH BÁO, DỰ BÁO
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, với sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của các lực lượng vũ trang, các địa phương và cộng đồng, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng |
Nhấn mạnh thiên tai ngày càng khó lường, phức tạp, trong khi khả năng chống chịu ngày càng giảm đi, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, công cuộc phòng chống thiên tai của chúng ta sẽ ngày càng khó khăn hơn, trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các cấp, ngành, người dân cần chấp hành các quy định về phòng chống thiên tai, nhưng cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực để tăng cường công tác cảnh báo, dự báo; tăng cường công tác truyền thông; xây dựng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân trong công tác phòng chống thiên tai và khắc phục, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục lồng ghép các chương trình; tăng cường công tác phối hợp, ngay cả trong công tác chuẩn bị.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các địa phương trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần lưu ý đến nhiệm vụ phòng chống thiên tai; chăm sóc, đầu tư tốt hơn sau khi thiên tai đi qua đối với những vùng bị ảnh hưởng.
Tại hội nghị, 4 tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 11 tập thể và 16 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2022 được nhận Bằng khen của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.