Nghệ An: Xây dựng 3 làng du lịch cộng đồng thành sản phẩm OCOP

Trân Châu 29/02/2020 10:48

(Baonghean.vn) - Theo Quyết định số 490/2019 của Ban Điều hành chương trình OCOP Nghệ An về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 729/QĐ- UBND tỉnh Nghệ An năm 2019 về phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020, thì Nghệ An sẽ xây dựng 2-3 làng du lịch sinh thái cộng đồng.

Theo đề xuất của Ban điều hành chương trình, sẽ chọn 3 làng, bản để xây dựng sản phẩm OCOP gồm: Bản Hoa Tiến, Châu Tiến (Quỳ Châu), bản Xiềng, Môn Sơn (Con Cuông) và bản Thái Minh xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) để 3 bản này đạt tiêu chí sản phẩm nông thôn tiêu biểu.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Qua khảo sát của ngành chức năng, du lịch cộng đồng ở Nghệ An khá phát triển tại các huyện miền Tây. Một số làng đã được biết đến như bản Nưa, bản Khe Rạn, bản Xiềng ( Con Cuông), Hoa Tiến (Quỳ Châu)… thu hút khá đông du khách.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 làng đang hoạt động du lịch cộng đồng kết hợp các giá trị văn hóa gồm: Bản Xiềng xã Môn Sơn, Khe Rạn Bồng Khê, Yên Thành xã Lục Dạ, bản Nưa xã Yên Khê (Con Cuông), bản Na Xai, Hủa Mương xã Hạnh Dịch, bản Hữu Văn xã Châu Kim (Quế Phong), Thái Minh (Tiên Kỳ, Tân Kỳ)…, 9 làng này đủ điều kiện để xây dựng thành công làng du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đòng ở bản Khe Rạn - Bồng Khê - Con Cuông . Ảnh: B. H

"Sở dĩ chọn 3 bản nói trên vì 3 bản đó có các làng nghề dệt nổi tiếng, điều kiện ở đó còn khó khăn, 3 bản cũng đại diện cho 3 huyện nhằm lan tỏa, kết nối mô hình này, phát triển thêm các sản phẩm du lịch ở các địa phương nói trên. Sau khi thành công sẽ tiếp tục đầu tư cho các làng, bản khác" - ông Nguyễn Mạnh Lợi cho biết thêm.

Lâu nay, hầu hết các bản, các địa phương đang tự bỏ kinh phí ra tuyên truyền, quảng bá, đầu tư, chưa có quy hoạch, chưa có sự hỗ trợ của nhà nước trong khi đây là “kho báu” tiềm năng của ngành du lịch Nghệ An. Các hoạt động du lịch chưa thể hiện sự bài bản, chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ… làm hạn chế sự hấp dẫn và chưa lôi kéo được du khách lưu trú lâu hơn.

Thành công từ các phong trào tự phát trên các địa phương cho thấy được xu hướng du lịch cũng như nhu cầu rất lớn từ thực tế đồng thời sự cần thiết được tiếp sức từ chính sách, sự lãnh đạo chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh, các ban ngành tới cơ sở.

Trước thực trạng đó, các ngành chức năng đề nghị có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các làng, bản du lịch cộng đồng.

Làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh - xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ). Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với khu vực miền núi, sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh cho hộ gia đình, kinh phí không quá 60 triệu đồng/nhà vệ sinh; việc hỗ trợ này sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng, đảm bảo vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp tại các bản làng miền núi. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị ban đầu (chăn, ga, gối, đệm, máy lọc nước..), mức đề xuất hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm các thiết bị cần thiết, lý do hỗ trợ là theo Luật Du lịch quy định: Nhà ở có phòng cho thuê phải được bố trí có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà”.

Đối với các khu vực còn lại: Hỗ trợ 50% kinh phí tối đa không quá 100 triệu đồng để chỉnh trang nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị cần thiết. Đối tượng được thụ hưởng chính sách là các hộ gia đình khu vực nông thôn, có nhu cầu và điều kiện kinh doanh các loại hình du lịch cộng đồng, được Sở Du lịch và địa phương lựa chọn. Chính sách này sẽ chỉ hỗ trợ năm đầu tiên khi triển khai thực hiện.

Về hỗ trợ thôn xóm, bản: Dự kiến hỗ trợ mua sắm bộ dụng cụ, trang phục cho đội tập văn nghệ, mức hỗ trợ 50% mức kinh phí mua sắm.

Trang bị cho đội văn nghệ của các bản, xóm, mỗi bản, xóm 1 đội; mỗi đội từ 10-20 người (tùy quy mô chọn lựa) giúp cho các đội văn nghệ trang bị đầy đủ các nhạc cụ và trang phục truyền thống phù hợp với đặc trưng của địa phương để thu hút khách du lịch trải nghiệm nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách quay lại.

Hỗ trợ lắp đặt hệ thống biển báo, chỉ dẫn ở các bản, xóm DLCĐ, mục tiêu nhằm các bản, xóm DLCĐ được lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn ở 02 bên đường sẽ giúp cho du khách có thể dễ dàng tìm đường đến các điểm du lịch để tham quan, khám phá.

Ngoài ra các biển báo về nội quy quy định khi vào bản hay các điều khách du lịch nên hay không nên làm... sẽ giúp cho du khách dễ dàng nhận biết, thực hiện trong quá trình tham quan tìm hiểu, do các bản làng DLCĐ chủ yếu là các bản dân tộc thiếu số sinh sống nên có tập tục và tác phong sinh hoạt riêng biệt.

Biểu đồ về doanh thu và lượng khách đến du lịch cộng đồng từ 2016-2019 . Đồ họa: Lâm Tùng

Ngoài ra chính sách còn hỗ trợ cho UBND huyện về tập huấn nghiệp vụ du lịch cho những người dân trong bản, xóm DLCĐ để tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho đối tượng là những người dân tại các bản làng DLCĐ, trước hết là những người trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ DLCĐ tại các bản làng đó để họ có thể có những kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếp đón khách, chế biến món ăn;

Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh cho những người dân trong bản, xóm DLCĐ; Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, quảng bá DLCĐ cho UBND các huyện có điểm DLCĐ để huyện hàng năm chủ động kế hoạch xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch địa phương nói chung và sản phẩm DLCĐ nói riêng.

Dự kiến tổng ngân sách cả giai đoạn 5 năm từ 2021-2025 là 10.300 triệu đồng.



Mới nhất

x
Nghệ An: Xây dựng 3 làng du lịch cộng đồng thành sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO