Nghệ An xây dựng hơn 10.000 mô hình xử lý rác thải
Sau 3 năm thực hiện dự án, đến nay, Nghệ An đã nhân rộng được hơn 10.000 mô hình kỹ thuật xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Ngày 31/3, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế".
Tham gia hội nghị có lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh; thành viên Ban quản lý Dự án tỉnh; lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã và các hộ nông dân tiêu biểu trong thực hiện dự án tại các địa phương.
Tại Hội thảo, đại diện Ban Quản lý Dự án Hội Nông dân tỉnh đã đánh giá kết quả hoạt động của dự án giai đoạn từ 2022-2024.
Cụ thể, Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" được triển khai tại 15 xã thuộc 03 huyện, thị xã gồm: xã Hòa Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn, Thịnh Sơn, Lạc Sơn, Đặng Sơn (huyện Đô Lương), xã Kim Liên, thị trấn, Thượng Tân Lộc, Xuân Lâm, Nam Thanh (huyện Nam Đàn), xã Nghĩa Tiến, Tây Hiếu, Đông Hiếu, Nghĩa Mỹ (TX Thái Hòa).
.jpg)
Mục tiêu của dự án nhằm biến rác thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý; tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên rác hữu cơ; Bảo vệ môi trường; Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; Cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; Nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Dự án tập trung vào 5 giải pháp kỹ thuật gồm: Kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, kỹ thuật ủ phân hữu cơ tại ruộng, kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật nuôi sâu canxi.
.jpg)
Sau 3 năm triển khai, dự án đã tổ chức 42 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ theo hướng thân thiện môi trường cho 1.320 hội viên nông dân trên địa bàn 15 xã tham gia dự án; đã xây dựng được 670 mô hình xử lý rác thải tại địa bàn các xã tham gia dự án (gồm: 110 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; 150 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; 110 mô hình ủ phân tại ruộng; 150 mô hình nuôi sâu canxi và 110 mô hình nuôi giun trùn quế).
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân 3 huyện, thị xã tham gia dự án thực hiện triển khai dự án trên 100% các xã, thị trấn trên địa bàn nhằm lan toả, nhân rộng những mô hình điểm.

Đến nay, tại các đơn vị tham gia dự án đã thực hiện nhân rộng được hơn 10.000 mô hình kỹ thuật TOT1 (bao gồm kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày) và TOT2 (bao gồm kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật nuôi sâu canxi).
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 11 nhóm “Gìn giữ tương lai xanh” trên địa bàn các xã tham gia dự án.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban quản lý dự án nhấn mạnh: “Việc áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường đã giúp cho các hộ dân giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bền vững. Đồng thời, thông qua các hoạt động của dự án, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận về những kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn, đề xuất giải pháp nhằm nhân rộng dự án trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Ban Quản lý dự án đã tổ chức đánh giá, khen thưởng cho các nhóm có thành tích tốt trong tham gia các hoạt động của dự án giai đoạn 2022-2024.