Nghệ An xây dựng mới 4.494 mô hình 'Dân vận khéo' trên các lĩnh vực
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An xây dựng mới 4.494 mô hình, trong đó có 3.729 mô hình tập thể, 765 mô hình cá nhân, với 1.212 mô hình kinh tế, 2.298 mô hình văn hóa - xã hội, 486 mô hình quốc phòng - an ninh, 507 mô hình xây dựng hệ thống chính trị.
Sáng 23/7, Ban Chỉ đạo thi đua "Dân vận khéo" tỉnh họp đánh giá phong trào thi "Dân vận khéo" 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngọc Kim Nam - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cùng các thành viên ban chỉ đạo, tổ giúp việc phong trào thi đua "Dân vận khéo".
Xây dựng mới 4.494 mô hình
6 tháng đầu năm, cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong hệ thống chính trị gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.
Các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động nắm bắt, chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo”, rà soát việc xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, tích cực phối hợp triển khai công tác tuyên truyền gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các thành viên Ban Chỉ đạo bằng nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả.
Ban hành chương trình công tác của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024; Kế hoạch tổ chức cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2024. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tác phẩm "Dân vận" của Bác Hồ được các đơn vị triển khai nghiêm túc bằng những việc làm thiết thực, ngày càng đi vào chiều sâu.
Các cấp chính quyền từng bước triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng các điểm sáng về thực hiện công tác dân vận của chính quyền và quy chế dân chủ cơ sở ở các cơ quan, đơn vị. Công tác dân vận chính quyền ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 61 điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và 58 điểm sáng dân vận chính quyền.
6 tháng đầu năm 2024, xây dựng mới 4.494 mô hình, trong đó, có 3.729 mô hình tập thể, 765 mô hình cá nhân, với 1.212 mô hình kinh tế, 2.298 mô hình văn hóa - xã hội, 486 mô hình quốc phòng - an ninh, 507 mô hình xây dựng hệ thống chính trị.
Thảo luận tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao vai trò của công tác phong trào "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ý kiến các đại biểu đề xuất các giải pháp, cách tiếp cận mô hình "Dân vận khéo" hiệu quả hơn; cần bố trí nguồn kinh phí, nguồn lực để xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả,... vai trò của Ban Chỉ đạo, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước để tạo sự đồng thuận cao.
Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá: Việc triển khai xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, nhiều địa phương có cách làm mới, sáng tạo, thiết thực và đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và tạo đồng thuận cao trong nhân dân.
Tuy nhiên, việc triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" vẫn còn một số hạn chế như: Một số đơn vị hướng dẫn đăng ký, xây dựng mô hình chưa bài bản, kịp thời. Lựa chọn nội dung đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn còn hạn chế; việc đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở một số đơn vị nội dung còn chung chung; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình "Dân vận khéo" chưa thường xuyên,...
Theo đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, công tác dân vận cần hài hòa theo hai chiều, trong đó, cần lắng nghe ý kiến phản hồi, đối thoại từ người dân; tiếp thu sáng kiến từ cơ sở, đặc biệt là những sáng kiến trong triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" để người dân thấy được quyền lợi gắn với trách nhiệm của mình trong thực hiện phong trào.
Đồng thời, phong trào "Dân vận khéo"phải sẻ chia những bức xúc, phản ánh của người dân, tập trung lực lượng toàn dân để tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc với mục tiêu thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, đơn vị. Công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ của Ban Dân vận hay Ban Chỉ đạo mà là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị cấp ủy, các cấp cần tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, định hướng kịp thời cho các cơ quan báo chí; tập trung triển khai cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2024, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, phóng viên viết bài tuyên truyền trên các loại hình báo chí, lựa chọn, trao thưởng cho các tác phẩm xứng đáng.
Tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" các cấp trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng, thúc đẩy phong trào thi đua "Dân vận khéo" và công tác dân vận chính quyền. Chỉ đạo cơ sở tiếp tục xây dựng, duy trì, lồng ghép và nhân rộng hiệu quả các mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực. Triển khai tốt công tác kiểm tra, công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Tổng kết đánh giá kết quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" năm 2024, biểu dương điển hình "Dân vận khéo" theo quy định.