Nghệ An xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đa dạng tiêu chí nổi trội
Theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất. Trên cơ sở đó, các địa phương trên địa bàn Nghệ An chọn tiêu chí nổi trội phù hợp nhất để phấn đấu thực hiện, tạo nên bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu đa sắc màu.
Mỗi xã chọn một tiêu chí nổi trội
Với phương châm “xây dựng nông thôn mới có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc”, nhiều địa phương sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã bắt tay triển khai ngay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi địa phương lựa chọn một tiêu chí nổi trội.

Xã Nam Giang (Nam Đàn) là một trong những địa phương cơ sở của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, theo tiêu chí "khai thác các giá trị văn hóa tâm linh, cảnh quan sinh thái gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng trải nghiệm".
Ông Phan Trọng Hải - Chủ tịch UBND xã Nam Giang cho biết: “Điểm nhấn của Nam Giang là trên địa bàn xã có điểm du lịch sinh thái trải nghiệm Eo Gió - địa điểm dã ngoại cuối tuần với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Bộ mặt nông thôn mới của xã ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Các giá trị truyền thống được giữ gìn và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Mô hình vườn sinh thái trải nghiệm Eo Gió đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp, tỉ lệ sự hài lòng của người dân đạt 100%. Nam Giang đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh”.
Huyện Yên Thành đến thời điểm này đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Sơn Thành, Long Thành, Tăng Thành và Xuân Thành. Theo đó, xã Sơn Thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về an ninh trật tự; xã Long Thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số; xã Tăng Thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa và xã Xuân Thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch.

Về xã Tăng Thành hôm nay, nhiều người không khỏi trầm trồ trước những khu nhà văn hóa các xóm được đầu tư xây dựng khang trang, với các công trình phụ trợ đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi, giải trí cho người dân.
Ông Đào Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành cho biết: Điểm mạnh của Tăng Thành là thực hiện tiêu chí thiết chế văn hóa cơ sở, tuy nhiên trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương mở rộng thêm nội dung về bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa phi vật thể. Do đó, địa phương thành lập thêm 3 câu lạc bộ về tuồng, chèo, trống tế.

Những năm qua, Tăng Thành chú trọng đầu tư xây dựng các nhà văn hóa xóm đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, các xóm quy hoạch xây dựng nhà văn hóa gồm có sân vận động và nhà văn hóa theo một mẫu thiết kế chung: khuôn viên rộng từ 3.500 đến 6.500m2, trong đó nhà văn hóa có diện tích 180m2, cùng sân cỏ nhân tạo và các công trình phụ trợ khác... Đến thời điểm này, 4/7 xóm có sân cỏ nhân tạo, dự kiến trong năm 2025 có thêm 1 xóm có sân cỏ nhân tạo.
Để có được nhà văn hóa xóm đạt chuẩn đồng bộ, mỗi xóm đầu tư bình quân 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 700 - 800 triệu đồng, còn lại là người dân đóng góp và xã hội hóa. Đây được xem là tiêu chí nổi trội của địa phương. Sự đồng thuận cao trong Đảng bộ và nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân tự giác tham gia và hưởng thụ”, đã góp phần quan trọng trong việc cổ vũ, động viên người dân hăng hái tham gia, tạo nên thành công trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Đào Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành, huyện Yên Thành
Xã Nghi Văn (Nghi Lộc) đã tự hào cán đích nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục đầu tiên của huyện Nghi Lộc, bởi những năm qua, xã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhờ đó duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tốt. Nghi Văn đã hoàn thiện hệ thống trường học cả 3 cấp có đủ phòng học, phòng chức năng kiên cố với trang thiết bị đạt chuẩn, khu vui chơi, đảm bảo việc phục vụ cho các hoạt động giáo dục.

Bên cạnh đó, xã đã duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Trong những năm học gần đây, chất lượng giáo dục ở các cấp học của xã đều đứng trong tốp đầu của huyện.
Ông Trần Văn Sao - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Văn cho rằng: Để địa phương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục, ngoài sự quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, còn tạo được sự đồng thuận của cán bộ chủ chốt và nhân dân. Trong quá trình thực hiện, địa phương phân rõ việc cho từng cán bộ ngành, cho từng trường học và cho từng xóm. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Nghi Văn đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, Nghi Văn đang tiếp tục xây dựng xã thông minh chuyển đổi số.
Toàn tỉnh có 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu
Quan điểm xuyên suốt xây dựng nông thôn mới là ổn định sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 07/6/2022 về việc ban hành quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, đến đầu năm 2025, Nghệ An đã có 275/362 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 102 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (số liệu sau khi sáp nhập xã); 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục thẩm định một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, do đó số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ tiếp tục được nâng lên trong thời gian tới.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã giúp các địa phương có kinh nghiệm trong lựa chọn tiêu chí nổi trội, đánh giá đúng các lợi thế, tiềm năng và tập trung thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; tạo nên bức tranh nông thôn mới đa sắc màu, dấy lên khí thế, động lực. Các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực hỗ trợ các xã tiếp tục lựa chọn tiêu chí nổi trội gắn với đặc thù điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội để có bước bứt phá hơn nữa, từ đó góp phần xây dựng nông thôn văn minh, giàu bản sắc, hiện đại./.