“Nghề cá” trên dòng Nậm Nơn

21/10/2012 15:48

Ông Ngân Văn Thuyết, một người dân bản Xốp Lằm (Hữu Dương-Tương Dương) nhẫn nại buông đến mẻ chài lần thứ mười mấy. Trong chiếc giỏ đeo bên hông, quẩn quanh vẫn chỉ mấy chú cá lòng tong, quẫy đạp cùng lũ tôm tép ngổ ngáo. “Ầy dà! Chiều anh, tôi ra chài cho vui vậy thôi! Mùa ni, nước xuống, lại tầm chiều, khó chài cá lớn lắm. Phải về đêm, hay mùa nước lên, anh quay lại...”. Hóa ra, chuyện cá trên dòng Nậm Nơn, khi hồ thủy điện đã mênh mông trời nước, không chỉ có vậy...

(Baonghean) Ông Ngân Văn Thuyết, một người dân bản Xốp Lằm (Hữu Dương-Tương Dương) nhẫn nại buông đến mẻ chài lần thứ mười mấy. Trong chiếc giỏ đeo bên hông, quẩn quanh vẫn chỉ mấy chú cá lòng tong, quẫy đạp cùng lũ tôm tép ngổ ngáo. “Ầy dà! Chiều anh, tôi ra chài cho vui vậy thôi! Mùa ni, nước xuống, lại tầm chiều, khó chài cá lớn lắm. Phải về đêm, hay mùa nước lên, anh quay lại...”. Hóa ra, chuyện cá trên dòng Nậm Nơn, khi hồ thủy điện đã mênh mông trời nước, không chỉ có vậy...



Những nếp nhà tạm của cư dân lòng hồ cheo leo bên mép núi.

Bắt nguồn từ bên kia đất bạn, chảy qua xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), dòng Nậm Nơn làm một mạch qua suốt 6 xã trên đất Tương Dương trước khi bình thản hợp lưu với Nậm Mộ tại ngã ba sông Cửa Rào. Lòng sông chảy qua nhiều địa hình phức tạp, độ dốc cao nên nhiều chỗ nước đo được sâu trên 30 mét. Dường như hấp thụ màu mỡ của đất đai ven bờ, tinh túy của văn hóa bản làng miền Tây xứ Nghệ nên Nậm Nơn còn ẩn chứa nhiều sản vật, chắc gì nơi khác đã có. Cá trên dòng Nậm Nơn được bà con phân thành 2 nhóm chính: cá vảy và cá trơn.

Cá vảy như cá mát, cá râm, cá gáy...là loài cá có vảy, thích sinh sống ở những vũng nước lặng, sâu, sinh sản chủ yếu vào mùa Đông, mùa khô. Nghĩa là, nhóm ưa yên tĩnh, bằng lòng với đời sông nước của chúng.

Còn nhóm cá trơn thì là nhóm “hoạt náo viên” thực sự, có loài đen, loài trắng. Đều giống nhau ở chỗ có rất ít vảy hoặc trơn tuột. Chúng là ghé, lăng, ních, lệch. Chúng làm lòng sông sôi động hẳn lên và cũng là những đặc sản thứ thiệt khi trở về miền xuôi. Bởi tập tính như vậy, nên hầu hết mùa cá trơn đều bắt đầu cùng những đợt mưa rừng ào ạt ập xuống. Lưu lượng nước từ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) dâng cao khiến dòng chảy phía hạ du cũng cuộn réo, chảy ầm ào như ngàn con ngựa bất kham. Đây là lúc lũ cá trên nguồn đổ về, tìm chốn sinh nở trong gầm gào của trời đất. Cuộc vật lộn sinh tồn này được đồng bào gọi là mùa cá “lên”. Mùa này diễn ra vô cùng sinh động mà nổi nhất là hoạt cảnh người người, nhà nhà đổ ra dòng sông, chen vai thích cánh chài lưới, đánh bắt cá. Suốt dọc từ Mai Sơn, xuôi về Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Đa cho tới Lượng Minh, chài lưới và câu vương, đèn đóm rậm rịch cả đêm. Sau một đêm mất ngủ, bên cạnh tấm chài, bộ lưới còn tanh nồng, mỗi tay ngư phủ kiếm được vài ba yến cá là chuyện thường. Có lúc nhiều cá, dùng chưa hết, bán không kịp-theo lời ông Thuyết-phải xỏ mũi những con lớn, thả xuống sông “nhốt” lại.



Người dân lòng hồ với công việc mưu sinh thường nhật.

Dụng cụ đánh bắt mùa cá lên vô cùng đa dạng. Người lão luyện dùng câu vương, mỗi bộ dài đến cả trăm mét, mắc 2-3 trăm lưỡi, rải dọc mép nước, chỗ nào có vũng xoáy là cá lớn hay tụ lại. Thông dụng hơn thì quăng “mong” (lưới), “hẻ” (chài), te...hoặc câu ống, loại không dùng cần. Để câu cá lăng, ghé, người bản dọc sông dùng cần tre bình thường, mồi là các loại lá cây có mùi thơm hoặc con “chít” (một loại sâu đá). Ven bờ, chỗ nước lặng, các “mế” (mẹ), các “ợi” (chị) mải mê cùng những chiếc xúc đan bằng tre cũng kiếm được nhiều cá nhỏ cho bữa chiều.



Những thực phẩm quen thuộc của cư dân lòng hồ.

Lũ cá còn tươi rói từ đây được tỏa vào tận bữa ăn từng nhà. Những con được giá nghễu nghện lên thuyền máy, theo các tay buôn xuôi về Thị trấn Hòa Bình, về các huyện bạn, đàng hoàng có tên trong các thực đơn đặc sản tại Thành phố Vinh. Giá cả tăng dần ngược với độ dốc của lòng sông. Loài cá ghé, đuôi nhỏ đầu to (giống cá thu) thịt vàng thơm, da xám. Con lớn đến 40-50kg, bình thường cũng xấp xỉ 3-4kg. Mua tại chỗ chỉ 30-40 nghìn đồng/kg, xuống Thị trấn Cuông đã thoắt lên cả trăm ngàn/kg. Cá lăng cũng vậy, ban đầu chỉ có giá mấy chục ngàn, sau một thời gian lênh đênh sông nước, tàu xe, cũng lên tới hàng trăm ngàn/kg. Cá lăng nướng vỉ, chả cá lăng, lòng cá lăng xào, cá lăng rán sốt, cá lăng rán tỏi, đầu cá lăng hấp, cá lăng trộn chanh, trứng cá lăng, cháo đầu cá… Xôm hơn thì có thể đặt hẳn một nồi lẩu cá lăng…đều là thú ẩm thực cho người biết thưởng thức. Còn như cá lệch thì từ lâu đã là một đặc sản không chỉ của núi rừng miền Tây. Hàng năm, mùa cá trơn chỉ rộ lên trong quãng thời gian 3-4 tháng, nhưng cũng đã giúp đỡ rất nhiều cho cuộc sống đồng bào dọc sông, khi nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp. Hơn thế nữa, trở thành một thứ hàng hóa khi cá được lên bến, xuống thuyền để đổi về những thứ nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.

Sang đến cá vảy, lũ cá này có vẻ an phận, lặng lẽ hơn. Nhưng chúng lại tạo thế cân bằng trong mùa khô, khi cái ào ạt của cá trơn qua đi, cái ăn hiếm dần. Xuất hiện sau những đợt mưa thưa, những con gáy mẹ, bụng đầy trứng, lẳng lặng tìm vũng nước nông có bùn, lưng nhô lên làn nước, âm thầm làm một cuộc vượt cạn cô đơn. Cũng dịp này, cữ tiết Đông hanh khô, rêu bắt đầu lún phún mọc xanh các gộp đá ven sông, suối. Những chú cá râm (giống cá chép) mò xuống đáy sông ăn đất dính vào kẽ đá. Mùa rêu, người bản ven sông ít dùng lưới, bởi thả lưới xuống lưới in lên màu rêu làm những chú cá râm khôn ngoan dễ biết. Lúc này chỉ dùng câu, mỗi đêm có thể kiếm vài chú gáy, chú râm hàng mấy kg.



Em Lương Thị Bạch Tuyết, 17 tuổi, ở bản Xốp Lằm, ngoài thêu thổ cẩm, cũng rất thành thạo trong việc đánh cá .

Trên hồ Thủy điện Bản Vẽ, bây giờ vẫn còn không ít cư dân sinh sống với nghề đánh bắt cá đầy nguy hiểm, trong khi đó, phương tiện duy nhất nối với bên ngoài là những chiếc xuồng gắn máy đuôi dài”.

Cuộc mưu sinh trên lòng hồ đầy những nhọc nhằn, bất trắc, nhưng cũng không ít nét lãng mạn giữa khung cảnh trên trời dưới nước và vô vàn hòn “đảo” nhỏ đẹp như tranh. Dòng Nậm Nơn xưa nổi tiếng với biết bao loài cá như cá lăng, cá ghé, cá chạch, cá ních…, nay khi nước đã đổi dòng chảy, lòng hồ còn lại cá rô phi, cá tràu, cá chép…Lúa rẫy cũng được người dân vất vả trồng trên những mảnh nương xa tít. Lại chạnh nhớ một thời, mùa cá trơn, cá vảy ở Nậm Nơn xanh!


Trần Hải

Mới nhất
x
“Nghề cá” trên dòng Nậm Nơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO