Sức khỏe

Nghệ có gây hại thận không?

Hà An 24/12/2024 11:03

Nghệ chứa curcumin là chất chống oxy hóa mạnh mẽ với đặc tính chống viêm. Tuy nhiên, một trong những rủi ro là liều lượng quá lớn có thể gây hại cho thận. Vậy tiêu thụ bao nhiêu nghệ là an toàn?

Theo eMedicinehealth, củ nghệ từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông vì lợi ích sức khỏe của nó. Curcumin, thành phần hoạt tính sinh học chính trong củ nghệ, là chất chống oxy hóa mạnh mẽ với đặc tính chống viêm.

Tuy nhiên, nghệ và chất curcumin nói chung là an toàn để tiêu thụ, tuy nhiên khi quá nhiều thì dù là chất tốt cũng có thể gây nguy hiểm. Một trong những rủi ro là liều lượng lớn có thể có gây hại cho thận của bạn. Đó là vì quá nhiều chất curcumin có thể làm tăng đáng kể nồng độ oxalate trong nước tiểu trong cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Nghệ có gây hại thận của bạn không? - 1

Nhìn chung củ nghệ an toàn khi tiêu thụ với lượng vừa phải (Ảnh: Gettyimages).

Tác dụng bất lợi của củ nghệ là gì?

Có những rủi ro tiềm ẩn khác khi dùng quá nhiều chất curcumin. Chẳng hạn, tác dụng phụ nhẹ bao gồm khó chịu ở dạ dày, trào ngược axit, tiêu chảy, chóng mặt và đau đầu.

Vì nghệ có tác dụng làm loãng máu nên bạn nên tránh dùng nghệ nếu đang bị rối loạn chảy máu.

Củ nghệ có thể tương tác tiêu cực với các loại thuốc bao gồm thuốc làm loãng máu, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamine, thuốc trợ tim và phương pháp điều trị hóa trị. Nó cũng có thể can thiệp vào thuốc trị tiểu đường và dẫn đến lượng đường trong máu thấp đến mức nguy hiểm.

Nghệ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như trào ngược axit và sỏi mật.

Vì nghệ hạn chế sự hấp thụ sắt nên bạn không nên dùng nó nếu đang dùng chất bổ sung sắt.

Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú có thể ăn thực phẩm có chứa nghệ như một loại gia vị nhưng nên tránh dùng thực phẩm bổ sung nghệ. Những chất bổ sung này có thể kích thích co bóp tử cung và gây ra các biến chứng.

Tùy thuộc vào sức khỏe tổng thể của bạn và liệu bạn có mắc các bệnh như rối loạn tiêu hóa hay sỏi thận hay không, bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung bột nghệ.

Tương tự, theo Livestrong, củ nghệ nói chung an toàn ở người khỏe mạnh khi sử dụng với liều lượng nhỏ. Tuy nhiên, nó có thể gây phản ứng bất lợi ở một số người.

Trung tâm Y học Tổng hợp và Bổ sung Quốc gia Mỹ cảnh báo không nên sử dụng nghệ với liều lượng cao hoặc trong thời gian dài vì nó có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, trào ngược axit và đau bụng là những tác dụng phụ thường gặp.

Loại gia vị này cũng có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống ung thư và thuốc ức chế miễn dịch.

Một báo cáo được công bố trên Nefrologia trong số tháng 11-12 năm 2018 chỉ ra rằng nghệ có thể không an toàn cho bệnh nhân chạy thận khi sử dụng với số lượng lớn.

Một phụ nữ 63 tuổi đang chạy thận đã phát triển khối máu tụ và xuất huyết tự phát sau khi uống 3 đến 5 gram bột nghệ trong vài ngày. Theo lưu ý của các nhà nghiên cứu, loại gia vị này có thể có tác dụng chống đông máu và làm tăng nguy cơ chảy máu.

Ngoài những tác dụng phụ tiềm ẩn này, nghệ có thể góp phần gây ra bệnh viêm gan nhiễm độc cấp tính, nổi mề đay tiếp xúc và viêm da dị ứng. Hơn nữa, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering cảnh báo, nó có thể không an toàn cho những người bị rối loạn tiêu hóa hoặc có nguy cơ bị sỏi thận.

Tiêu thụ bao nhiêu nghệ là an toàn?

Các nghiên cứu cho thấy lợi ích sức khỏe của chiết xuất nghệ chủ yếu là chất curcumin khi sử dụng với liều lượng hơn 1gr mỗi ngày. Vì khó có thể tiêu thụ nhiều như vậy một cách tự nhiên trong chế độ ăn uống thông thường nên nghệ thường được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung, trong đó hàm lượng chất curcumin cao hơn nhiều.

Nói chung, lượng bổ sung curcumin có thể chấp nhận được hàng ngày là khoảng 1,4 miligam mỗi 0,5kg trọng lượng cơ thể, tối đa 12gr. Bất cứ điều gì nhiều hơn thế có thể khiến bạn có phản ứng bất lợi.

Những lợi ích sức khỏe tiềm năng của củ nghệ

Nhiều thử nghiệm tiền lâm sàng đã cho thấy tác dụng đầy hứa hẹn của chất curcumin trong điều trị bệnh tim, viêm khớp, bệnh Alzheimer, rối loạn tiêu hóa và hội chứng chuyển hóa.

Khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải, nghệ có thể mang lại những lợi ích sức khỏe đáng kể:

- Đặc tính chống viêm

Curcumin có đặc tính chống viêm mạnh và có thể hiệu quả như thuốc chống viêm nhưng không có tác dụng phụ. Nó có thể giúp giảm viêm mãn tính ở khớp và vết thương, giảm sưng, đau và khó chịu. Vì chứng viêm thường là căn nguyên của một số bệnh mãn tính nên nghệ có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng như viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột và viêm tụy.

- Giảm đau

Curcumin có thể làm giảm cơn đau viêm khớp dạng thấp, cũng như đau đường tiêu hóa liên quan đến bệnh viêm ruột.

- Đặc tính chống oxy hóa

Củ nghệ có đặc tính chống oxy hóa mạnh và bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây tổn hại cho các tế bào khỏe mạnh. Nó có thể chống lão hóa và tăng cường trao đổi chất, cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng (thay đổi mắt liên quan đến tuổi tác).

- Tăng cường miễn dịch

Đặc tính sát trùng, kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm tự nhiên của nghệ giúp kích thích hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng.

- Giảm nguy cơ ung thư

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghệ có thể tiêu diệt các tế bào ung thư, cản trở sự tăng trưởng, phát triển và lây lan của ung thư ở cấp độ phân tử. Củ nghệ đặc biệt có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa ung thư hệ tiêu hóa, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng. Nó cũng có thể giúp chống lại tác động của các chất phụ gia gây ung thư trong thực phẩm chế biến.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của chất curcumin có thể ngăn ngừa bệnh tim và các biến chứng tim mạch. Curcumin còn làm giảm lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay cholesterol xấu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

- Phòng ngừa bệnh tiểu đường

Curcumin làm chậm sự khởi phát của bệnh tiểu đường túyp 2. Bổ sung nghệ dùng cùng với metformin có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường túyp 2 ổn định lượng đường trong máu.

- Phòng ngừa bệnh Alzheimer

Curcumin làm sạch sự tích tụ các đám rối protein trong não gọi là mảng amyloid, có liên quan đến bệnh Alzheimer.

- Giảm trầm cảm

Curcumin làm tăng mức độ các yếu tố thần kinh trong não, cũng như các chất dẫn truyền thần kinh, serotonin và dopamine, tất cả đều có thể giúp những người có triệu chứng trầm cảm.

- Hỗ trợ tiêu hóa

Nghệ kích thích túi mật sản xuất mật, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Nghệ cũng hỗ trợ các phản ứng enzym, sản xuất axit và hoạt động hấp thu kịp thời các chất dinh dưỡng trong ruột và có thể làm giảm đầy hơi.

- Giải độc gan

Nghệ có thể làm tăng sản xuất các enzyme quan trọng giúp phá vỡ và loại bỏ độc tố trong gan. Củ nghệ cũng thúc đẩy sức khỏe gan tốt bằng cách cải thiện lưu thông máu.

- Cải thiện sức khỏe của xương

Bổ sung Curcumin có thể giúp cải thiện chức năng khớp, ngăn ngừa mất xương và bảo tồn mô xương.

- Thúc đẩy làn da khỏe

Do đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa, nghệ có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá, làm sáng quầng thâm, giảm sẹo…

Củ nghệ không hấp thụ vào cơ thể dễ dàng khi dùng riêng lẻ. Vì vậy, để đạt được lợi ích sức khỏe tối đa, nghệ nên được tiêu thụ cùng với hạt tiêu đen, vì tiêu đen có chứa hợp chất gọi là piperine giúp tăng cường hấp thu nghệ trong cơ thể. Nấu nghệ với dầu còn giúp cơ thể hấp thụ nhiều chất curcumin hơn.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nghe-co-gay-hai-than-cua-ban-khong-20240517172648281.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nghe-co-gay-hai-than-cua-ban-khong-20240517172648281.htm
Mới nhất
x
Nghệ có gây hại thận không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO