Nghề hàn nồi dạo

(Baonghean) - Trên những con đường làng ngoằn ngoèo ở Thanh Chương, dưới cái nắng như đổ lửa, dáng người cao, gầy, chân rệu rã theo những vòng xe cùng câu rao “Ai sửa chữa, hàn xoong nồi, dán đáy chậu thau đơi” như kéo dài hun hút...

Tiếng rao của ông Lê Quốc Kỳ (65 tuổi) ở xóm 8, xã Ngọc Sơn - người hơn 30 năm gắn bó với nghề hàn dạo đã trở nên quen thuộc với người dân quê nhút.

Ông Kỳ hành nghề hàn dạo từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, khi cả gia đình chuyển từ Thái Nguyên về quê sinh sống. Trong ký ức của ông, những năm đầu trở lại quê hương thật vất vả, gian truân. Ngày đó, vợ chồng ông phải làm đủ thứ việc, đi rừng chặt củi, hái sim, cắt chổi rành rành, vác chuối thuê... vẫn không kiếm đủ gạo để nuôi 7 miệng ăn. 

Ông Lê Quốc Kỳ đang đi hành nghề hàn dạo.
Ông Lê Quốc Kỳ đang đi hành nghề hàn dạo.

Sau hơn 4 năm vật lộn với đủ thứ việc, gặp gì làm nấy, ông nảy ra ý tưởng sẽ làm nghề hàn dạo để kiếm tiền. Một thời từng làm công nhân đường sắt, thích mày mò lại khéo tay, nên ông đã mạnh dạn đổi nghề. Với đôi quang gánh, một cái thớt lim, một oi đựng vài ba thứ đồ nghề, thế là rong ruổi khắp các đường làng, ngõ xóm hành nghề hàn chậu...

Đêm khuya, vẫn thấy ông cởi trần cặm cụi bên ánh đèn điện cùng ngổn ngang những dụng cụ, vật liệu và xoong, nồi. Bà Nguyễn Thị Toán - vợ ông cho biết: “Đi cả ngày thì thôi, chứ về nhà là không khi nào ngơi tay, quai xoong, quai vung, tai ấm, lồng đèn, giấy dán chậu... đủ thứ”.

Trong ngôi nhà 2 gian sạch sẽ, mọi thứ đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Chiếc xe đạp hiệu Phượng Hoàng cũ là người bạn tri kỷ, gắn bó lâu năm với nghề hàn dạo. Có xe đạp, ông đi làm được xa hơn, từ Thanh Chương mở rộng địa bàn ra các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP.Vinh, có khi lên tận Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Hà Tĩnh...

Trung bình mỗi ngày ông đạp xe khoảng 60 - 70 km, nếu đi xa ông thường trú lại nhà người quen, làm quanh vùng mấy ngày rồi mới dời địa điểm. Sau mỗi chuyến đi hay mỗi chiều trở về, ông lại dành thời gian để vệ sinh dụng cụ hành nghề và chăm sóc “người bạn đường” cẩn thận. Trên chiếc xe đạp cũ này, ông lắp hẳn một bộ loa nhạc để vừa đi vừa mở nhạc hoặc rao.

Ngoài ra, trên và dưới giỏ xe ông còn lắp 2 cụm đèn pin, đề phòng đi làm về muộn. Người dân những nơi ông đi qua đã quá quen với nhạc ông Kỳ, nghe tiếng nhạc từ xa đã biết ông Kỳ hàn dạo đang đến. 

Mỗi lần ông ra khỏi nhà, trên xe mang theo đủ thứ: dụng cụ (dao, kéo, đe, búa, khoan tay, bệ gỗ), túi nguyên vật liệu (keo, miếng dán, nhôm tấm, đinh tán, lồng đèn...), túi phương tiện (áo mưa, ghế ngồi...). Tính ông cẩn thận, trong hành trang ngoài một số giấy tờ tùy thân còn có thêm bảng biển ghi chú cấm trẻ em ngồi gần khi ông làm việc, hay tấm giấy viết tay ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, lời nhắn... mà như ông nói là để “chẳng may gặp chuyện bất trắc, thì người đi đường có cái mà liên hệ”.

l Ông Lê Quốc Kỳ gò nồi.
Ông Lê Quốc Kỳ gò nồi.

Khó khăn của nghề hàn dạo, theo ông Kỳ là phải đi xa, có định hướng vùng, chứ không có đích, lúc gặp mưa to, gió lớn thì ghé nhà dân hay bụi bờ để nghỉ. Tuy bản thân khá dày dặn kinh nghiệm trong ứng xử và “tiếp thị” khách hàng, nhưng đã có lần ông bị người lạ đến xin đểu, hành hung, đánh ngất giữa đường. Ấy nhưng, ông vẫn không nản.

Kỹ thuật hàn xoong nồi, theo ông Kỳ có 2 loại: hàn tán, dùng đinh tán các vết nối với nhau và hàn chân quỳ, dùng miếng hàn cắt tua rua rồi bẻ quắp vào xoong nồi theo kiểu chân quỳ. Ông thường dùng kiểu hàn tán vì thao tác đơn giản (cắt miếng hàn, tán đinh, mài trơn), nhanh gọn mà vững chắc.

Tùy vào diện tích chỗ hỏng mà cắt miếng hàn to hay nhỏ, nhìn chung đều cắt hình tròn, giữa 2 mặt tiếp xúc được bôi 1 lớp bột mì dẻo để làm chất kết dính. Hàn đạt yêu cầu là miếng hàn tròn, tán đinh đều, vững chắc, trơn tru, không thoát nước (với vật dụng đựng nước). Không chỉ hàn, ông còn tự chế ra các loại quai nồi, quai vung, tai ấm để sửa chữa nồi, ấm hư hỏng và kiêm luôn việc dán tấm nhựa dưới đáy thau, chậu, xô, thùng.

Việc nào ông cũng làm cẩn thận, chu đáo, còn chuyện tiền nong thì đã có giá ghi sẵn trên từng đồ vật như quai xoong (10.000 - 20.000 đồng/đôi), tấm nhựa (5.000 - 30.000 đồng/tấm), riêng miếng hàn thì tùy vào diện tích, chất liệu, độ khó để tính tiền. Mỗi ngày, ông kiếm được từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, có hôm chỉ đủ tiền sửa xe hỏng dọc đường. 

Ông Kỳ chia sẻ, ngày trước đi làm nghề mong kiếm đủ cơm gạo nuôi con, nay con cái đã dựng vợ gả chồng, ông vẫn tiếp tục công việc của mấy chục năm về trước vì đã quen chân, quen tay, đi để khuây khỏa tuổi già, lại có thêm thu nhập.

Dường như chỉ khi nào không đạp xe được nữa, thì ông mới dừng nghề. Nói về người láng giềng khéo tay, hay làm của mình, ông Nguyễn Hữu Tư (68 tuổi) cho biết: “Hàn dạo là một nghề độc đáo, nay cả huyện hình như chỉ có một người. Nhờ bàn tay khéo léo của ông Kỳ mà nhiều nồi, niêu, xoong, chảo của người dân tưởng chừng phải vứt bỏ hay đem ra hàng đồng nát, lại sử dụng tốt!”.

Huy Thư

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.