Nghề khoan giếng 'đắt khách' mùa hạn
(Baonghean.vn) - Nắng gay gắt, hạn hán kéo dài, nhu cầu nước sinh hoạt, tưới tiêu tăng cao, nhờ đó, nghề đào, khoan giếng “đắt khách”, thợ đào giếng làm không hết việc.
Mùa hạn, rất nhiều người dân thuê thợ khoan giếng tìm nước. Clip: Hùng Cường |
Thợ đào giếng khơi ở Quỳnh Diễn làm việc không ngơi tay trong những ngày nắng hạn. Ảnh: Thanh Phúc |
“Nghề đào giếng bắt đầu xuất hiện ở làng vào những năm 1990, 1991. Ban đầu chỉ có 3 hộ gồm ông Nguyễn Văn Mạn, Hoàng Văn Viên và Hoàng Uyên làm nghề. Sau thấy nghề “ăn nên làm ra”, cha truyền con nối, thành lập các tổ, nhóm thợ rồi lan dần ra cả làng. "Mùa hạn nỏ khi mô thợ đào giếng “ngồi không”. Nhờ có nghề nên người dân 2 làng này có cuộc sống khấm khá hơn…”, ông Lê Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Diễn cho biết.
Phụ nữ làng Nhân Huống (Quỳnh Diễn) có thêm thu nhập từ việc đúc cống. Ảnh: Khánh Ly |
Đào giếng là nghề vất vả, khó nhọc nhưng đổi lại, thợ đào giếng được trả công khá cao, từ 300-400 ngàn đồng/người/ngày. Như mùa hạn năm nay, nhu cầu nước sinh hoạt, tưới tiêu nhiều nên thợ đào giếng làm không hết việc.
“Có nhiều hôm đành chối khách, làm không xuể. Hoặc nhận lúc 3-4 giếng nhưng chỉ động thổ lấy ngày rồi đào dần. Mùa hạn ni, những vùng như Quỳnh Lưu, Diễn Châu rất cần nước, vừa sử dụng sinh hoạt, vừa tưới cho hoa màu. Đặc biệt, đây cũng là mùa mà người ta xây dựng nhiều, nhu cầu nước tăng nên ngày nào cũng có việc để làm, trung bình mỗi tháng mùa cao điểm, mỗi thợ đào giếng có thu nhập từ 10-20 triệu đồng…”, anh Thảo - một thợ khoan giếng cho biết.
Cùng đó, nghề đúc cống giếng phát triển, tạo thêm việc làm cho lao động trong vùng, nhất là cho chị em phụ nữ. Bắt đầu từ 4h sáng, người dân dậy cơm nước xong là trộn hồ (đá dăm, xi măng và cát), sau đó dựng khuôn và đổ cống. Trung bình mỗi ngày, 1 người đổ được khoảng 10 cống, trừ chi phí còn được vài trăm ngàn tiền công.
Trung bình mỗi tháng mùa cao điểm, thợ khoan giếng có thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Ảnh: Hùng Cường |
Sau nhiều năm sống trong cảnh chật vật vì giếng nhà cạn nước, phải đi xin nước nấu ăn, năm nay, ông Nguyễn Đình Hòa (xã Mường Nọc, Quế Phong) quyết định tìm thợ khoan thêm giếng. “Nhưng nhóm thợ này hẹn phải nửa tháng nữa mới đến khoan được bởi họ kín lịch đến cuối tháng ni”, ông Hòa cho biết.
Hiện ở Quế Phong có 4 tổ thợ khoan giếng. Thời điểm đỉnh hạn, nước khe suối khan hiếm, ngoài ra, do nguồn nước sông suối ngày càng bị ô nhiễm nên người dân chuyển sang khoan giếng để được dùng mạch nước ngầm. Do đó, nhu cầu khoan giếng cao, là cơ hội cho các tổ thợ khoan giếng tăng thu nhập.
Anh Lương Văn Thanh, ở bản Ná Chạng, xã Tiền Phong (Quế Phong), thợ khoan giếng cho biết: “Tôi đi làm công nhân khoan giếng ở các tỉnh phía bắc cũng đã lâu, nay gom tiền và vay mượn thêm sắm bộ máy về quê làm. Công việc của chúng tôi vào mùa cao điểm là tháng 2 đến tháng 8 hàng năm, còn 4 tháng mùa mưa thì chuyển sang làm việc khác. Thời gian khoan giếng thường từ 1 tuần đến nửa tháng/giếng, được trả công từ 10-15 triệu đồng/giếng. Trừ chi phí vật tư, dầu, hao mòn máy khoảng 4-5 triệu đồng còn lại trả công lao động”.