Nghề làm đó ở Bút Lĩnh
(Baonghean) - Người làng Bút Lĩnh (An Hòa - Quỳnh Lưu) không bao giờ quên được ngày xưa, ngày giáp hạt tháng Ba, ngày mùa thất bát, những cái “đó” đã giúp họ vượt qua được cơn đói khát. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử nghề làm đó truyền thống vẫn được những người con tâm huyết của làng gìn giữ và lưu truyền cho tới tận ngày nay...
Làng Bút Lĩnh có 4 thôn nhưng đó được làm tập trung nhiều nhất ở thôn Bút Thanh. Ngày xưa gần như nhà nào ở đây cũng đan đó”, ông Đậu Cao An – Trưởng thôn Bút Thanh, một người đan đó lâu năm cho biết. Theo lời chỉ dẫn của ông An, tôi tìm đến nhà cụ Đậu Cao Na – người có thâm niên 60 năm làm đó. Cụ Na vóc người nhỏ thó, đôi mắt kèm nhèm nhưng đôi tay chẻ nứa rất nhanh và đều.
Thấy có người hỏi về nghề, cụ tỏ ra hào hứng lắm. Theo cụ Na thì đó cơ bản có ba loại. Đó “con” là loại nhỏ nhất, cao 40 phân, dùng đơm tép, cá cấn ven bờ ruộng. Loại đó “vừa”, cao 60 phân, cũng be dọc bờ ruộng, đơm diếc, thia, tôm gọng, nhiều khi cũng mắc cả cua đồng, lươn, chạch, tràu... Còn đó “gió” là loại đó lớn, cao thường 1 mét trở lên, dùng đơm tôm đất dưới sông. Hiện nay đa số các loại đó được đan theo kiểu hai cửa có thể bắt cá, tép hai đầu.
Sửa soạn đó lần cuối trước khi giao nhập. |
Cầm con rựa sắc ngọt đều đều ra nan, cụ Na say sưa: “Mua nứa về cưa thành từng đốt rồi chẻ, chẻ xong rồi phơi. Nứa khô thì không cần phơi, còn nứa tươi thì phải phơi dưới nắng to một ngày. Nứa sau khi được phơi khô, dùng chân đạp chòa cho tróc hết lông, hết xơ. Rồi mới bắt đầu kết mê, đan trỉ, vô vành dưới, vành trên, vô vành trong, vành ngoài, sau cùng kết đầu thì xong một cái đó”.
Theo tính toán của cụ Na, nhà cụ có 3 người (hai ông bà với cô con gái) mỗi phiên chợ làm được 30 đến 40 cái đó nhỏ, khoảng 20 cái đó vừa. Thời điểm hiện tại, nhập sỉ cho mối mỗi cái đó nhỏ giá 7 ngàn đồng, đó vừa là 20 ngàn đồng. Trừ chi phí rồi mỗi phiên thu được khoảng 500 ngàn đồng. Một tháng 6 phiên, thu nhập của cả 3 người được 3 triệu đồng. “Lấy công làm lãi thôi, ông bà già không mần chi được nữa”, cụ Na cho biết. Nhưng “Nói chi thì nói chứ ngày xưa nhờ có cây đó mà nhà mình mới có tiền đong gạo, tậu trâu, làm nhà... Dừ đây đỡ khổ rồi cũng may nhờ làm đó mới có đồng ra đồng vào”.
Trong ký ức của mình cụ Na không bao giờ quên được những ngày cả làng mưu sinh cùng cái đó: “Cứ chập tối, vừa ăn cơm xong là sân nhà ai nhà nấy chật kín. Người lớn, trẻ nhỏ ngồi quanh cái đèn Hoa Kỳ, người thì đan trỉ, người thì đan mê, vừa đan đó vừa nói chuyện rôm rả. Mà ngày trước giang, nứa làm chi sẵn như dừ, tui cùng với mấy người nữa trong làng ngược đường Tuần lên bến Thái Hòa (Nghĩa Đàn) mới mua được nứa. Cả đi cả về ngót trăm cây số mà mỗi người phải thồ ít nhất bốn chục cây nứa”.
Cụ Đậu Cao Gio 72 tuổi, em trai cụ Na là một người khiếm thị nhưng cả cuộc đời mưu sinh bằng nghề kết đó. Cụ Gio còn nhớ, mình theo các anh tập tễnh làm đó từ lúc 12 tuổi, đến năm 18 thì biết làm thành thạo. Năm 1992 đôi mắt cụ kém rồi mù hẳn nhưng cụ vẫn làm đó tới tận bây giờ, dẫu rằng những thao tác làm đó không còn nhanh như trước. Nhìn cụ mò mẫm chẻ những thanh nứa sắc lẻm tôi không khỏi ái ngại. Cụ Gio cho biết, nan làm đó gần như phải đều tăm tắp. Đôi mắt không thể thấy nên cụ phải dùng đến cảm giác ở đôi bàn tay để cảm nhận độ dày mỏng của nan.
Ở làng Bút Lĩnh có những con người mà gần như cả cuộc đời họ gắn liền với cây đó. Hai anh em ông Nguyễn Ngọc Thanh và ông Nguyễn Ngọc Nho (thôn Bút Thanh) lại chỉ chuyên làm đó gió – loại đó lớn đơm tôm sông.
Hơn 30 năm nay, ông Thanh làm nghề kết đó gió. Đó của ông được nhiều người trong và ngoài huyện đặt mua. Nhưng có điều, loại đó này không làm được quanh năm như đó nhỏ mà chỉ làm theo mùa vụ, một mùa vào tầm tháng 3 đến hết tháng 5, mùa nữa vào tháng 9, tháng 10. Và phải có người đặt hàng ông mới tiến hành cưa nứa. “Làm đó cũng như may quần, may áo rứa, khách người ta yêu cầu kích cỡ mấy mình mới dám làm không thì hỏng hết”, ông chia sẻ. Dẫu rằng thu nhập từ nghề đan đó khá khiêm tốn, nhưng nhờ có nó ông Thanh cũng đã nuôi được 4 đứa con ăn học trưởng thành và cất được ngôi nhà ngói đàng hoàng, cái ăn, cái mặc không phải lo lắng nữa.
Trưởng thôn Đậu Cao An trăn trở: “Ngày trước làng Bút Lĩnh có đến hàng trăm hộ làm đó, thì nay con số này chỉ còn 23. Đại bộ phận người trẻ đang trong độ tuổi lao động ở đây không còn mặn mà với nghề làm đó nữa. Vì rằng so với những ngành nghề khác thu nhập từ nghề làm đó chẳng đáng là bao”. Nhưng, chừng nào làng Bút vẫn còn những con người muốn giữ nghề truyền thống của cha ông họ, thì những chiếc đó mộc mạc vẫn còn hiện hữu như chứng tích của một thời gian khó!
Nguyễn Thị Hòe