Nghệ nhân bản nhỏ nâng tầm sản phẩm mây, tre đan xứ Nghệ

Hoài Thu - 26/01/2023 07:09
(Baonghean) - Bộ bàn ghế mây, tre đan đạt giải Đặc biệt Cuộc thi “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022” được làm ra bởi một người nông dân ở bản nhỏ nơi miền Tây xứ Nghệ. Ông là Kha Văn Thương. 

Ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương) có một căn nhà nhỏ, nơi đã ra đời bộ bàn ghế mây, tre đan đạt giải Đặc biệt Cuộc thi “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022”. Bộ bàn ghế độc nhất, vô nhị được làm ra từ đôi bàn tay của một người nông dân giữ niềm đam mê bền bỉ với nghề mây, tre đan. Ông cho biết, đằng sau giải thưởng, còn rất nhiều những trăn trở, dự định hướng tới nâng tầm sản phẩm mây, tre đan quê nhà…

Ông Thương hoàn thiện sản phẩm bàn ăn mây tre. Ảnh: HT

Căn nhà nhỏ của ông Kha Văn Thương nằm ven Quốc lộ 7 ngập tràn mây, tre. Bàn tay của ông khô sần, nứt nẻ nhiều hơn, khi phải thường xuyên ngâm nước, rồi chuốt từng sợi mây, sợi song để tranh thủ phơi hong sản phẩm.

Ông Kha Văn Thương gắn bó với nghề đan lát mây, tre tự nhiên như hơi thở cuộc sống của mình. Từ tấm bé ông đã quen thuộc với những vật dụng mây, tre đan, từ chiếc ghế mây nhỏ nhắn, chiếc bàn mây tròn vành vạnh, đến chiếc ép các bà, các mẹ đựng xôi mỗi lúc lên nương rẫy…

Từ chỗ tự làm đồ dùng cho gia đình, dần dà ông làm thêm nhiều, dùng không hết thì bắt đầu bán. Được nhiều người ưa chuộng, ông lại mày mò nghiên cứu làm thêm nhiều mẫu mã khác… Và bộ bàn ghế mây, tre cũng ra đời từ những trăn trở, sáng tạo và bằng đôi bàn tay được tôi luyện qua hàng chục năm đan từng sợi mây, uốn từng sợi song lấy từ rừng núi quê hương.

Hầu hết các sản phẩm ở cơ sở của ông Kha Văn Thương làm ra đều bằng phương pháp thủ công với bàn tay khéo léo của những người thợ. Ảnh: HT

Ngày 2/11/2022, tại Thủ đô Hà Nội, ông Kha Văn Thương được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trao giải Đặc biệt Cuộc thi “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2022”, sản phẩm đạt giải là bộ bàn ăn mây, tre đan. Bộ sản phẩm này của ông Thương đã xuất sắc vượt qua gần 400 sản phẩm thủ công mỹ nghệ của 190 tác giả, nhóm tác giả trên cả nước để giành giải Đặc biệt. Đây là hội thi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động từ tháng 6/2022, với thành phần tham gia là các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân, các hiệp hội và các cơ quan quản lý ở các địa phương đến từ mọi miền Tổ quốc.

Ngay sau ngày nhận giải thưởng, ông Kha Văn Thương bắt chuyến xe sớm nhất trở về với bản nhỏ Tam Bông, nơi còn rất nhiều đơn hàng đang chờ người nông dân có đôi bàn tay khéo léo hoàn thiện những sản phẩm từ mây, tre đã được đặt hàng, chờ được nhận sản phẩm.

Ông Kha Văn Thương cho hay, sản phẩm mây, tre đan của ông cũng vậy, dịp này nếu một mình ông làm sẽ không kịp để giao cho khách, không dám nhận thêm nhiều đơn hàng, mặc dù giá bán của mỗi bộ bàn ghế dao động từ 4-6 triệu đồng, mỗi chiếc ghế tựa tròn từ 1,5-2 triệu đồng.

Mỗi bộ bàn ghế mây tre đan phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành. Các khâu xử lý nguyên vật liệu đến tạo hình, đan lát chủ yếu bằng tay. Ảnh: HT

Những năm trước, cứ dịp áp Tết Nguyên đán là ông Kha Văn Thương lại thuê thêm 2-3 lao động thời vụ để hoàn thiện các sản phẩm. Năm 2022 này, sau giải thưởng Đặc biệt, ông trăn trở nhiều hơn về việc thực hiện ước muốn đưa nghề đan thủ công mây, tre phát triển hơn nữa ở quê nhà, giúp nhiều người có thêm một hướng phát triển kinh tế bền vững.

Song, để ước muốn ấy trở thành hiện thực, người nông dân có đôi bàn tay “vàng” ấy có những băn khoăn, trăn trở khi nguồn nguyên liệu còn khá khó khăn.

Ông Kha Văn Thương bộc bạch, những năm 1990, ở huyện Tương Dương cũng như vùng miền Tây Nghệ An các vùng rừng núi cây mây, cây song nhiều vô kể. Hai loại cây nguyên liệu chính của nghề mây, tre đan lúc bấy giờ người làm nghề không phải lo lắng bị thiếu hụt. Song khoảng chục năm trở lại nay, cây mây, cây song tự nhiên ngày càng “rút” về rừng sâu, ngày một khan hiếm. Người dân phải vào những vùng núi cao, vùng rừng xa mới có thể lấy được.

Nhiều sản phẩm mây tre đan của ông Thương được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: HT

Hiện nay, giá nguyên liệu cây song tươi đã lên đến hơn 20.000 đồng/1m và thường xuyên trong tình trạng khan hiếm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, ông Kha Văn Thương mở rộng phạm vi thu mua ở các huyện lân cận, thậm chí từ các tiểu thương thu gom ở các tỉnh khác. “Thời gian tới, tôi dự định thành lập hợp tác xã mây, tre đan thủ công, mở rộng hơn quy mô sản xuất, mời thêm nhiều bà con ở bản làng cùng tham gia” - ông Kha Văn Thương cho biết.

Năm nay, ông Kha Văn Thương thuê 9 lao động thường xuyên cùng hợp tác hoàn thiện các “đơn hàng”. Những người tham gia chủ yếu là các bà, chị em tranh thủ thời gian nhàn rỗi, sau khi “thợ chính” Kha Văn Thương hoàn thành công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình, đóng khung bàn, ghế, đan những chi tiết phức tạp tỉ mỉ, đến công đoạn hoàn thiện đơn giản hơn sẽ do các “thợ phụ” đảm nhận.

Cơ sở sản xuất mây tre đan tại nhà của ông Kha Văn Thương tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động. Clip: HT

Cũng theo chia sẻ của ông Kha Văn Thương, có sự tham gia của các “thợ phụ” sẽ giúp tăng tốc độ hoàn thiện sản phẩm, bước đầu hình thành “dây chuyền” mây, tre đan nơi bản nhỏ, từng bước thực hiện ước muốn chia sẻ, mở rộng quy mô nghề thủ công mây, tre đan ở bản Tam Bông và nhiều bản, làng miền Tây xứ Nghệ.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO