Xã hội

Nghệ nhân Nghệ An băn khoăn tiêu chí chọn nghệ nhân ưu tú

Thanh Nga 11/06/2024 16:08

Nghệ nhân ưu tú là danh hiệu được Nhà nước phong tặng cho những người nắm giữ và thực hành di sản, với họ đó là danh hiệu cần phấn đấu cả đời, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển dân ca. Tuy nhiên, xung quanh những vấn đề về phong tặng chức danh này vẫn còn nhiều băn khoăn.

Băn khoăn từ cơ sở

Anh Nguyễn Trọng Tâm xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) được nhân dân và những người làm công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở địa phương ghi nhận với nhiều cống hiến. Từ nhỏ Nguyễn Trọng Tâm đã yêu làn điệu dân ca xứ Nghệ qua những lời ru tiếng hát của bà, của mẹ, và theo anh trong sinh hoạt vui chơi, lao động, sản xuất, trên sân khấu trường làng cho đến những không gian diễn xướng đời thường. Anh là đội trưởng đội văn nghệ của xóm, của xã. Sau này khi thành lập Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Hưng Tân, anh là người dẫn dắt nhiều chương trình tập luyện, sinh hoạt; từ dàn dựng cho đến viết lời, từ thị phạm cho đến đảm trách các vai chính trong các chương trình. Thế nhưng, sau gần hai mươi năm tâm huyết như thế, anh Tâm vẫn chỉ là nghệ nhân trong lòng bà con nhân dân. Bởi lẽ theo quy định về việc xét tặng nghệ nhân ưu tú, anh là cán bộ MTTQ huyện nên không được làm hồ sơ, dù đối chiếu các tiêu chuẩn thì anh có đầy đủ.

Câu lạc bộ dân ca ví, giặm huyện Hưng Nguyên trong một tiết mục diễn xướng. Ảnh: TTVH huyện cung cấp
Câu lạc bộ dân ca ví, giặm huyện Hưng Nguyên trong một tiết mục diễn xướng. Ảnh: TTVH huyện cung cấp

Ngoài cán bộ văn hoá cấp xã đang được hưởng lương công chức không trong diện xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, thì nhóm cán bộ văn hoá được đào tạo trong các trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật hoặc đang giữ nhiệm vụ là công chức văn hoá xã cũng không được làm hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Câu lạc bộ dân ca xứ nghệ Sông Lam do anh Nguyễn Thành Ngân làm chủ nhiệm phong phú nhiều hoạt động. Ảnh: NVCC
Câu lạc bộ dân ca xứ nghệ Sông Lam do anh Nguyễn Thành Ngân làm chủ nhiệm trong không gian diễn xướng tại Đảo chè. Ảnh: NVCC

Điển hình trong đó có anh Nguyễn Thành Ngân, cán bộ văn hoá huyện Hưng Nguyên. Anh Nguyễn Thành Ngân là người khá nổi trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản dân ca xứ Nghệ; từng dìu dắt các nghệ nhân cấp xã ở Hưng nguyên hoàn thiện hồ sơ xét tặng nghệ nhân ưu tú. “Anh Ngân là người cầm tay chỉ việc cho các nghệ nhân cấp xã để họ hoàn thiện được hồ sơ. Anh đã truyền đạt chuyên môn và sự lan tỏa trong kỹ năng thực hành và nắm giữ di sản...”, đại diện Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên, cho biết. Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên, những cán bộ văn hóa như anh Ngân rất hiếm. Họ chính là những người nắm giữ di sản phi vật thể và là người có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Tiết mục tham gia Liên hoan dân ca xứ Nghệ của huyện Hưng Nguyên . Ảnh: TTVH huyện Hưng Nguyên cung cấp
Tiết mục tham gia Liên hoan dân ca xứ Nghệ của huyện Hưng Nguyên. Ảnh: TTVH huyện Hưng Nguyên cung cấp

Hay như chị Lê Thị Nguyệt ở xã Kim Liên (Nam Đàn) - cán bộ văn hóa huyện, từng được đào tạo trong trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật và về lại cơ sở hoạt động phong trào trên địa bàn huyện Nam Đàn, với nhiệm vụ chính là dìu dắt các phòng trào văn hóa - văn nghệ và lan tỏa di sản dân ca xứ Nghệ.

Trong hơn 15 năm qua, chị là người tìm kiếm, bồi dưỡng các hạt nhân dân ca, đốc thúc cổ vũ các phong trào hát dân ca trong các thôn xóm, làng xã. Chị còn là người dàn dựng và viết lời mới cho các chương trình dân ca để họ tham gia liên hoan dân ca cấp tỉnh và cấp liên tỉnh. Mới đây nhất, chị Nguyệt còn giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hương Sen với trọng trách vừa dàn dựng vừa biểu diễn. CLB của chị đã đạt giải Ba cấp tỉnh và giải Nhì cấp cụm.

“Nếu những nghệ nhân trong lòng nhân dân là cán bộ văn hóa không được nhận thành tích hay chức danh gì như nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc nghệ nhân ưu tú thì rất thiệt thòi cho họ”, ông Phan Văn Tính - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Nam Đàn, cho biết.

Có nên mở rộng đối tượng?

Theo quy định tại Nghị định 93/2023/NĐ-CP, ngày 25/12/2023 quy định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thì cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống...

Một hoạt cảnh dân ca ví giặm do các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh trình diễn. Ảnh: Trung tâm văn hoá huyện Nam Đàn cung cấp
Một hoạt cảnh dân ca ví, giặm do các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh trình diễn. Ảnh: Trung tâm văn hóa huyện Nam Đàn cung cấp

Cũng tại Điều 4 ở Nghị định này nêu rõ: Không xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho cá nhân đã được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp về loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ để có thêm các kỹ năng, bí quyết. Thời gian cá nhân công tác và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; thời gian cá nhân thoát ly hoạt động thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng thì không được tính là thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Anh Nguyễn Thành Ngân, cán bộ văn hóa Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên, cho biết: “Trước đây việc hoàn thiện hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú được thực hiện theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tại Nghị định này không có quy định về giới hạn đối tượng; do đó trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều người được phong tặng danh hiệu này sau thời điểm Nghị định 62 được ban hành.

Trả lời về những băn khoăn của các cấp cơ sở bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao, bày tỏ: Theo quan điểm của tôi, việc một người nắm giữ và thực hành di sản được nhân dân và các cấp ghi nhận mà đã được hưởng lương có nghĩa là họ đã làm nhiệm vụ đó và đã được nhà nước trả lương. Hơn nữa khi vào vai với nhiệm vụ chức năng thực hành và trao truyền di sản thì họ đã có điều kiện môi trường để được làm nhiệm vụ của mình, vừa là đam mê vừa là trách nhiệm.

Một tiết mục đối đáp ví, giặm tại Festival dân ca ví, giặm. Ảnh: tư liệu của Công Kiên
Một tiết mục đối đáp ví, giặm tại Festival dân ca ví, giặm. Ảnh: tư liệu của Công Kiên

Bà Phan Thị Anh cũng cho biết thêm: Trước thời điểm Nghị định 93/2023/NĐ-CP được ban hành để thay thế cho Nghị định 62/2014/NĐ-CP một số người nắm giữ và thực hành di sản có uy tín mà vẫn đang được hưởng lương cũng được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Nhưng theo tôi, điều này vẫn có những bất cập, đó là những người nghệ nhân trong cộng đồng họ hoạt động bằng năng khiếu tự thân chưa qua đào tạo bất kỳ trường lớp nào nhưng bằng niềm đam mê, bằng sứ mệnh của mình, nhiều người đúng chất “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ tự bỏ tiền túi, truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ, nhưng không được nhận bất cứ một khoản kinh phí nào. Vì vậy những nghệ nhân trong cộng đồng đó mới xứng đáng được nhận phụ cấp từ chế độ của một nghệ nhân ưu tú.

“Nhà nước cũng không phải không trao cơ hội cho những người đang nắm giữ và thực hành di sản có nhiều thành tích và sự cống hiến nhưng lại đang hưởng lương được xét tặng nghệ nhân ưu tú, mà tại Nghị định 93/2023/NĐ-CP đã nêu rõ rồi: “được cộng dồn thời gian trước và sau thời gian hưởng lương, nếu đủ 15 năm sẽ được công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Bà Phan Thị Anh

Trưởng phòng Di sản - Sở Văn hóa và Thể thao

Mới nhất

x
Nghệ nhân Nghệ An băn khoăn tiêu chí chọn nghệ nhân ưu tú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO