Nghệ nhân ở Mường Qụa

13/08/2016 08:52

(Baonghean.vn) - Mê đắm những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ của dân tộc mình từ thuở ấu thơ, nghệ nhân ấy đã góp phần gìn giữ một trong những giá trị bản sắc của đồng bào Thái trên miền Tây xứ Nghệ.

Ngôi nhà của nghệ nhân Lương Văn Nghiệp (SN 1957) nằm lặng lẽ giữa bản Cằng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ông chia sẻ với khách: “Từ khi mới lọt lòng, tôi đã được đắm mình trong những bài hát ru, những giai điệu êm đềm của tiếng khèn, tiếng pí. Lớn thêm một tý, theo bố, theo mẹ đến vui hội bản, những âm thanh, giai điệu của ngày hội thấm dần vào máu thịt rồi trở thành niềm đam mê lúc nào không hay...”.

1.Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp và chiếc khèn bè trong ngày hội Xuân
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp và chiếc khèn bè- nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Thái.

Mê đắm những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ của dân tộc mình, cậu thiếu niên người Thái ấy đã để tâm học hỏi cách hát, cách múa và cách đánh chiêng, thổi khèn và khắc luống, sớm thể hiện năng khiếu âm nhạc. Tuy còn nhỏ nhưng Lương Văn Nghiệp đã trở thành một “cây” văn nghệ của bản, được dân bản tin yêu và không tiếc công sức truyền dạy vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Thái.

Tròn 18 tuổi, Lương Văn Nghiệp vào quân ngũ, mấy năm bộ đội, người chiến sỹ trẻ ấy được đồng đội yêu mến bởi cách sống chân tình, cởi mở, có năng khiếu văn nghệ, đem đến cho mọi người những giây phút vui tươi, phấn khởi. Đồng đội khâm phục, vì trên những chặng đường hành quân dã ngoại, mỗi khi dừng chân bên cánh rừng, Lương Văn Nghiệp dùng dao chặt khúc nứa, chế tác thành chiếc khèn, chiếc pí xinh xắn, cất lên những âm điệu vui tai, những vất vả, mệt nhọc dường như tan biến.

3.Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp (giữa) và điệu múa sạp nhịp nhàng
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp (giữa) cùng bà con bản Cằng say điệu múa sạp nhịp nhàng, uyển chuyển.

Xuất ngũ trở về quê hương, Lương Văn Nghiệp làm Bí thư Chi đoàn bản, tích cực hoạt động trong phong trào thanh niên, đặc biệt là phong trào văn hóa- văn nghệ. Đó là lý do để lãnh đạo xã chọn ông làm cán bộ phụ trách văn hóa. Ông đã cống hiến hết mình cho công việc, phong trào văn hóa- văn nghệ xã Môn Sơn phát triển mạnh, trở thành một “điểm sáng” của huyện, của tỉnh nhờ một phần công sức, trí tuệ và bầu nhiệt huyết của ông.

Trong nhiều năm, đội văn nghệ của xã là nòng cốt của Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Con Cuông tham dự các đợt Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, Hội diễn Văn hóa- Văn nghệ các dân tộc thiểu số và giành được giải cao. Người ta gọi ông là người “vác tù và hàng tổng”, bởi làm cán bộ văn hóa, quanh năm suốt tháng chạy theo phong trào, việc nhà, việc nương rẫy dồn lên vai vợ và các con.

Trở về với ruộng đồng và nương rẫy, với công việc mưu sinh của một người nông dân miền rẻo cao nhưng với ông niềm say mê âm nhạc dân tộc không bao giờ vơi cạn. Nó đã thấm sâu vào huyết quản, là máu thịt và trở thành một phần của sự sống.

Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp say sưa trong điệu múa lăm-vông.
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp say sưa trong điệu múa lăm-vông.

Rỗi rãi, ông lại tranh thủ vào rừng lấy cây nứa, cây gỗ về chế tác các loại nhạc cụ, rồi hướng dẫn các cháu nhỏ tập hát, tập múa và thổi khèn. Ngày hè, căn nhà của ông ngập tràn tiếng trẻ thơ, các cháu nhỏ trong bản tìm đến để được ông dạy những kiến thức và kỹ năng về âm nhạc cổ truyền của dân. Hàng năm, huyện Con Cuông đều tổ chức các lớp truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc Thái, người được mời không ai khác là nghệ nhân Lương Văn Nghiệp.

Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp hiện đảm nhận vai trò Chủ nhiệm CLB Dân ca Thái bản Cằng. CLB của ông luôn là nòng cốt của Đoàn NTQC xã và huyện, mang về nhiều giải cao tại các đợt liên hoan, giao lưu và hội diễn ở cấp huyện và cấp tỉnh.

Ông Lương Văn Nghiệp chơi  xi xờ lò, cũng là loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Thái.
Ông Lương Văn Nghiệp chơi xi xờ lò, cũng là loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Thái.

Những chương trình, tiết mục đạt giải đều do ông sưu tầm và dàn dựng, thể hiện được nét riêng và mang đậm bản sắc dân tộc. Năm 2015, ông Lương Văn Nghiệp được đón nhận khá nhiều niềm vui, trước tiên là CLB Dân ca Thái bản Cằng được ngành chọn là mô hình cấp tỉnh. Tiếp đến là bản thân ông Nghiệp được nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, là sự ghi nhận xứng đáng với công sức, trí tuệ mà ông đã đóng góp trong hàng chục năm qua.

“Tôi còn có thêm một niềm vui, là cháu nội Lương Thị Thu Hoài (SN 2005), cũng rất say mê ca hát, nhất là những làn điệu dân ca Thái, cháu còn sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Năm 2014, Hoài có mặt trong Đoàn NTQC huyện Con Cuông tham dự Liên hoan văn hóa- văn nghệ các dân tộc thiểu số toàn tỉnh và được trao tặng danh hiệu giọng ca nhỏ tuổi hát dân ca có triển vọng” - nghệ nhân Lương Văn Nghiệp chia sẻ.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ nhân ở Mường Qụa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO