Nghệ sĩ nhân dân An Ninh: Nguyện một đời làm 'con tằm nhả tơ'
(Baonghean.vn) - Nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh, người ta nghĩ ngay đến tác giả chuyển thể kịch bản tài hoa, người viết ca khúc trên những điệu ví, giặm xuất sắc.
Nhắc đến ông, người ta cũng nhắc đến sự cống hiến thầm lặng của một nghệ sĩ hơn nửa đời người tận hiến với ví, giặm. Mới đây, ông vinh dự được Nhà nước vinh danh Nghệ sĩ nhân dân - sự tôn vinh, ghi nhận xứng đáng với những cống hiến thầm lặng đó.
Thầm lặng tình yêu ví, giặm
An Ninh nói rằng: “Không hiểu sao tôi yêu ví, giặm từ thuở thiếu thời. Ngay từ tấm bé đã trỗi lên khao khát theo nghiệp này đến hơi thở cuối cùng!”. Ông kể, ông vào Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh từ những năm 80 của thế kỷ XX và được cử đi học với kỳ vọng sẽ trở thành kép chính. Ông vừa học, vừa diễn và được giao những vai nặng ký. Tại thời điểm đó, ông thầm nghĩ mình sẽ theo con đường diễn viên để được hoá thân vào những phận đời, phận người thông qua câu dân ca ví, giặm quê hương.
Tuy nhiên, ở độ tuổi đôi mươi, Nghệ sĩ nhân dân An Ninh lại yêu thích vô cùng công việc chuyển thể kịch bản. Ông thường dõi theo các đạo diễn làm việc trên sân khấu và tự mình chuyển thể những trường đoạn, những lớp diễn; đôi khi để tự mình chiêm nghiệm, cũng có khi diễn cho bạn bè cùng xem. Cho đến một ngày, cơ duyên tìm đến với ông khi được tác giả chuyển thể nổi tiếng là nhạc sĩ Vi Phong lúc đó tin tưởng giao một phân đoạn dài 12 phút trong vở “Nàng Mai tế chồng”, yêu cầu ông phải làm nhanh để “trình làng”. Vậy là ông dồn hết tâm huyết và sự hiểu biết của mình để cho ra đời đoạn chuyển thể dân ca kịch được giao. Nhận sản phẩm của ông, nhạc sĩ Vi Phong trầm trồ khen ngợi và ngay lập tức phần chuyển thể của An Ninh được sử dụng trong sự sung sướng đến ngỡ ngàng của ông.
Năm 1991, khi tỉnh Nghệ Tĩnh chia tách thành hai tỉnh, An Ninh được chuyển vào Đoàn Dân ca Hà Tĩnh. Ở môi trường mới, ông thấy mình có phần lạc lõng. Cũng thời điểm này, Đoàn Chèo Nghệ An nhập với Đoàn Dân ca Nghệ An thành Nhà hát Dân ca Nghệ An, anh chị em Nhà hát mong muốn An Ninh trở về. Ông quay lại Nghệ An chỉ sau 1 năm rời xa, và từ thời điểm đó, An Ninh nhanh chóng được giao vai trò chuyển thể kịch bản thường xuyên với những vở diễn nặng ký.
Quyết định rời xa ánh đèn sân khấu, lui về hậu trường thầm lặng với sự nghiệp viết lách, Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh sẻ chia một lý do nữa bởi mình là chồng của nghệ sĩ Hồng Lựu. “Lựu vui là mình vui, và vì thế tôi không muốn mình trau dồi cho nghiệp diễn nữa, chỉ chuyên sâu vào viết lách làm hậu thuẫn vững chắc cho Lựu” - ông tâm tình.
Con đường viết lách của người đàn ông yêu ví, giặm và yêu vợ ấy được “trải thảm” chính bởi người vợ đa tài, khắt khe trong nghệ thuật. Hồng Lựu là khán giả đầu tiên, cũng là “ban giám khảo” đầu tiên cho mỗi tác phẩm, mỗi vở chuyển thể của chồng; phải qua được “cửa ải” của Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu thì tác phẩm mới đến được với đạo diễn và ban giám đốc đoàn, mới chạm được vào trái tim công chúng.
Thành quả từ sự chắt chiu
Mặc dù không qua trường lớp đào tạo nào nhưng Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh luôn khiến những người trong nghề bất ngờ, bởi có thể chuyển thể những tác phẩm lớn với ngòi bút và hơi thở đầy sáng tạo. Đó là những vở được đánh giá cao cả về nội dung và nghệ thuật như: “Một ông hai bà”, “Của gia bảo”, “Món hàng tội lỗi”, “Cổ tích giữa đời thường”… Mỗi tác phẩm đều có dấu ấn riêng với đời sống và giới mộ điệu. Điển hình như giải Nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương với vở “Món hàng tội lỗi”, hay “Cổ tích giữa đời thường” đạt Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An.
Điều quan trọng, nhiều vở diễn do ông viết kịch bản và chuyển thể kịch bản nhận được nhiều sự tin yêu, mến mộ của khán giả, điển hình như vở “Một ông hai bà” - vở diễn đậm chất Nghệ, hễ đoàn đến diễn ở đâu là khán giả ở đó phấn khích yêu cầu. An Ninh nói rằng: Mỗi vở diễn ông đều trau chuốt kỹ từng câu lập lơ, câu tứ hoa; mỗi câu thoại đều được trăn trở đặt đúng hoàn cảnh của nhân vật, đẩy được cao trào của mỗi lớp kịch. Bên cạnh đó, ông phải tìm hiểu sở trường của từng diễn viên, lựa chọn làn điệu phù hợp với từng vai diễn. Từ đó, những từ ngữ, giai điệu được ông chắt lọc cô đọng, ý nghĩa mà giàu cảm xúc, giúp diễn viên có được cảm hứng và sự thăng hoa khi nhập vai.
“Nếu kịch bản tôi chuyển thể khi đưa diễn viên diễn thử, các em không xúc động, diễn không nhập tâm thì ngay lập tức tôi vứt bỏ, làm lại ngay” – Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh nói. Sự trăn trở đó ngày càng thắp sáng đam mê với nghề trong ông, luôn tự răn mình làm cái sau phải hay hơn cái trước, vở diễn sau phải hoàn mỹ hơn vở trước.
40 vở diễn được chuyển thể từ kịch bản văn học sang kịch bản dân ca trong 40 năm làm nghề là quá trình miệt mài sáng tạo không ngừng nghỉ của Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh. Như con tằm nhả tơ, ông là người nghệ sĩ sau cánh gà thầm lặng mang đến những hào quang cho các diễn viên Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Hàng chục tác phẩm do ông chuyển thể kịch bản tham gia các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và đạt được Huy chương Vàng, như: “Soi vào quá khứ” (Huy chương Vàng Hội diễn Dân ca kịch toàn quốc năm 2005); “Một cây làm chẳng lên non”, “Người thi hành án tử” (Huy chương Vàng Hội diễn Dân ca kịch toàn quốc năm 2010); Đường đua trong bóng tối (Huy chương Vàng năm 2013); Thầy và trò (Huy chương Vàng năm 2016); Vụ án Am Bụt mọc (năm 2020); Vầng sáng (Huy chương Bạc năm 2022); “Cánh cò trong bão” (Huy chương Vàng năm 2022)…
Riêng với hai tác phẩm “Lời Người lời của nước non” và “Một cây làm chẳng lên non”, Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn và trao giải “Tác giả chuyển thể xuất sắc” tại Hội diễn Dân ca kịch toàn quốc năm 2010 và Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2008.
Với tình yêu sâu nặng với dân ca Nghệ Tĩnh, Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh ngày càng thăng hoa hơn trong nghiệp viết. Ông ghi dấu thành công với hàng trăm bài hát dựa trên những làn điệu dân ca ví, giặm, đưa những ca khúc ấy “nằm lòng” trong nhiều nghệ sĩ và khán giả xứ Nghệ. Đó là “Lời mẹ hát”, “Con thuyền ví, giặm”, “Bên dòng Lam giang”, “Duyên tình câu ví quê hương”, “Lung linh hồn quê xứ Nghệ”…
Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong dàn dựng chương trình cho các sự kiện, lễ kỷ niệm như chương trình “Khúc hát Sào Nam”, “Xô viết Nghệ Tĩnh”, “Tình yêu người cộng sản”… được đánh giá cao. Năm 2022, 2 chương trình mà ông viết kịch bản đã đạt Huy chương Vàng ở các hội diễn là “Sắc”, “Thanh âm về miền ví, giặm”.
Sáng tác là nghiệp, còn diễn viên là nghề gốc, do đó, năm 2016, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đề nghị ông nhận một vai trong vở “Thầy và trò”, và ông ngay lập tức thể hiện sự nhuần nhuyễn của mình. Vai diễn này nhận được Huy chương Vàng của hội diễn toàn quốc. Tương tự, năm 2020, vai diễn trong vở “Người thứ 13”, năm 2022, vai ông Đức trong vở “Vầng sáng” do ông đảm nhiệm cũng được trao những tấm Huy chương Vàng danh giá.
Đến nay, Nghệ sĩ Nhân dân An Ninh đã nghỉ hưu, nhưng lửa nghề và duyên nghiệp vẫn còn lấp lánh. Ông thường xuyên được mời cộng tác trong nhiều chương trình, nhiều hoạt động của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh trong vai trò tác giả kịch bản, tác giả chuyển thể. Ông nói rằng: “Viết như là sự thôi thúc từ sâu thẳm trong tôi, nếu mỗi ngày tôi không cầm bút lên để viết về ví, giặm thì buồn lắm...!”.