Nghệ thuật và bóng tối
(Baonghean.vn) - Cách đây hơn một năm, vào lúc dịch Covid-19 ở Việt Nam đang trong giai đoạn cao trào, nghệ sĩ Yến Năng đã có một thực hành nghệ thuật độc đáo. Là tác giả của một loạt dự án nghệ thuật như “Phóng sinh”, “Thông đen”, lần này Yến Năng lại cho ra mắt một triển lãm cá nhân, điều khác biệt của triển lãm này là tác giả thực hiện nó một mình, trong chính căn phòng anh sống.
Tác phẩm của anh không phải là thứ ta có thể dễ dàng nghe, nhìn, sờ thấy được. Nó vô hình, nó là một khoảng không bị xâm thực hoàn toàn bởi bóng tối. Bởi vậy mà để cảm nhận được nó, người ta không chỉ dùng mắt, và thậm chí, không dùng đến mắt. Nó ở bên ngoài ánh sáng, thứ vẫn thường dẫn dắt thị giác của chúng ta để nhìn nhận và ảo tưởng rằng có thể nhận chân hiện thực.
Trong căn phòng nhỏ của mình, nơi Yến Năng - một ca F2 Covid-19 - đang tự cách ly, anh dựng lên một cái hộp rỗng phủ vải đen để ngăn ánh sáng. Chiếc hộp là gì, bằng chất liệu gì, không quan trọng, bởi nó không phải tác phẩm của Yến Năng, như lời anh nói. Tác phẩm của anh chính là cái khối đen lơ lửng trong phòng đã được ngăn cách với ánh sáng bên ngoài kia thông qua cái hộp phủ vải đó. Việc của chúng ta là quên cái hộp, quên mảnh vải đi. Ta cùng Yến Năng để mình ngập ngụa trong bóng tối đang hiện tồn phía trong nó.
Bóng tối vốn khiến mọi người khiếp sợ, bởi những bí mật khó lường của nó. Chúng ta quên rằng bóng tối thực ra chiếm lĩnh vũ trụ, ở đó ánh sáng chỉ là những đốm lửa le lói, và rằng trong mỗi con người chúng ta, cũng có những vùng ánh sáng chưa từng đặt chân đến, còn thế giới này đang chìm đắm trong cả ánh sáng và bóng tối, nhiều khi trong màn đêm quá đen đặc ken dày phủ kín, chúng ta còn nhầm tưởng rằng đó chính là ánh sáng. Bởi không biết, bởi nhầm tưởng, chúng ta nhân danh thứ ánh sáng giả dối để chống lại ánh sáng đích thực. Chúng ta làm điều đó hoặc vì ngu muội hoặc vì độc ác.
Nghệ sĩ Yến Năng đang thực hiện triển lãm “Anti light”. |
Đối diện với bóng tối là cách tốt nhất chống lại nỗi sợ chính nó. Đó chính là thông điệp mà Yến Năng muốn gửi đến qua cuộc triển lãm nghệ thuật độc đáo này. Anh thực hiện triển lãm trong những ngày cả nhân loại đang phải gồng mình chống chọi với một thứ bóng tối ám muội mang tên Covid. Khác với mọi triển lãm từng có thường sử dụng ánh sáng, điều chỉnh ánh sáng, tận dụng ánh sáng để trình hiện tác phẩm, lần này, Yến Năng lấy chính bóng tối làm chất liệu và đối tượng nghệ thuật của mình.
Nghệ sĩ Yến Năng tâm sự rằng trong hội họa, sáng - tối, đậm - nhạt là rất quan trọng, nó không thể vắng trong mọi bức tranh. Kể cả bức tranh trừu tượng cực đoan đầu tiên là bức “Hình vuông đen” (Black Square) của Kazimir Malevich, chỉ vẽ một hình vuông thuần một màu đen, thì màu đen đó vẫn đặt trên một nền trắng - biểu tượng cho sáng và tối. Họa sĩ cố tình không cho tranh vào khung, để nó không có vẻ bị giới hạn. Nhưng với mắt người, cạnh của bức tranh hay bức tường treo nó đều ảnh hưởng đến hiệu quả cảm thụ tranh. Những ảnh hưởng này nằm ngoài ý muốn của tác giả. Ở triển lãm “Vị lai cuối cùng: 0,10” (The Last Futurist Exhibition: 0,10), Petrograt, 1915, nơi bức tranh được chính thức ra mắt, Malevich cũng cố tình treo bức tranh vào góc tường gần sát với trần. Đây là vị trí mà những người theo Chính giáo Nga đặt biểu tượng tôn giáo trong nhà mình. Với hành vi này, ông đã thao túng tâm trí người xem, ngầm “ép buộc” họ đề cao tác phẩm của mình. Nó cũng có nghĩa, ông đã thực hành nghệ thuật sắp đặt, một thể loại rất lâu sau này mới chính thức ra đời. Nhưng chính vị trí đó, nơi gần với ba diện phẳng sáng màu (tường bên trái, tường bên phải và trần), ánh sáng ba diện này chắc chắn không đồng nhất, ba sắc độ khác nhau này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bức tranh. Tất cả những chi phối bên ngoài đó làm cho người xem khó có thể cảm nhận tinh thần bức tranh đen ấy như ông mong muốn: tính vũ trụ của nó.
So sánh với điêu khắc, Yến Năng cho rằng trong điêu khắc, tác dụng của sáng tối lại càng rõ ràng và trực tiếp hơn. Thực chất, điêu khắc chính là nghệ thuật xây dựng tỷ lệ ánh sáng và bóng tối trên một hoặc nhiều vật liệu nào đó. Một tác giả xuất sắc về chất liệu rất thích bóng tối và màu đen là nghệ sĩ Anish Kapoor. Tác phẩm điêu khắc “Góc bẩn” (“Dirty Corner”) của ông như một cái hang, cao 8m và sâu tới 60m. Người xem sẽ đi vào trong lòng tác phẩm, cảm nhận sự nhạt dần của ánh sáng, cho đến khi nó biến mất, chỉ còn bóng tối, và lại sáng dần khi đi ra ngoài. Đây cũng vẫn là trải nghiệm tỉ lệ sáng tối trên một tác phẩm. Một số tác phẩm khác, ông dùng màu công nghệ nano có độ đen cao nhất để sơn tác phẩm, thì bản chất vẫn là màu đen nhìn từ ngoài sáng. Nhưng ở “Anti light”, Yến Năng tiếp cận nghệ thuật theo một cách hoàn toàn khác, loại hoàn toàn ánh sáng khỏi tác phẩm.
Không phải hội họa hay điêu khắc, ở thể loại trình diễn - tương tác, nghệ sĩ Marina Abramovic cũng cho công chúng vào tình thế mất thị giác, chỉ còn bóng tối, bằng cách bịt mắt người tham gia. Thoạt qua, tác phẩm “Máy phát” (Generator) rất giống “Anti light”, vì người “xem” cũng đều không nhìn thấy gì. Nhưng thực ra, hai tác phẩm khác nhau về bản chất. Thứ nhất, Generator lấy con người và tâm lý của họ làm chất liệu và đối tượng nghiên cứu, bóng tối chỉ là một điều kiện, một tình huống. Thứ hai, người tham gia sẽ có tâm lý mất tự do: Thứ nhất, họ biết chính mình là đối tượng khảo sát; thứ hai, thị giác bị ức chế bởi dụng cụ bịt mắt; thứ ba, người tham gia biết rằng, tuy mình không nhìn thấy gì nhưng mình đang đi trong ánh sáng và bị rất nhiều người theo dõi, quay phim, chụp ảnh trực tiếp. “Anti light” thì khác, Yến Năng lấy bóng tối làm chất liệu và cũng là đối tượng của nghệ thuật. Mắt người xem được tự do mở lớn nhìn vào bóng tối. Người xem là người chủ động cảm thụ tác phẩm, giống như đi xem tranh vậy, nhưng theo cách đặc biệt hơn.
Một tác phẩm khác, thuộc nghệ thuật ý niệm, đó là tượng không khí của Salvatore Garau. Về mặt chất liệu, nếu coi những tác phẩm vô hình này của Garau là dương bản, thì “Anti light” của Yến Năng là âm bản. Cùng là khoảng không nhưng một đằng là ngoài ánh sáng, một đằng là trong bóng tối. Loại tác phẩm không khí này của Garau sẽ dừng lại, rất khó phát triển thêm. Bởi vì, mọi thứ trong ánh sáng đã được nghiên cứu rất kỹ hàng ngàn năm rồi. Nghệ thuật tối của Yến Năng thì khác, nó mở ra một thế giới mới.
Điểm qua một vài tác phẩm thuộc một vài thể loại khác nhau như vậy để thấy rằng, nghệ thuật và thực hành nghệ thuật ngày càng trở nên phong phú, đa dạng đến gần như không có giới hạn. Yến Năng là một trong số không nhiều những nghệ sĩ có những thực hành nghệ thuật mang tính cởi mở, mới mẻ như thế ở Việt Nam. Từ những hoạt động nghệ thuật trong “Phóng sinh” hay “Thông đen”, đến “Anti light”, dù là dự án nghệ thuật nào đi nữa, cái mà Yến Năng luôn hướng đến là thúc giục cộng đồng sống hài hoà với thiên nhiên, chuộc lỗi với thiên nhiên, để từ đó khơi gợi những tia ánh sáng lương tri trong từng tâm hồn, những tia ánh sáng mà đôi khi ta chỉ có thể nhận ra, tìm thấy trong bóng tối.