Quốc phòng

Nghệ - Tĩnh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

P.V 27/04/2024 10:27

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh - Nghệ - Tĩnh là vùng tự do, một căn cứ địa lớn và đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương, góp phần quan trọng đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng bắt đầu huy động lực lượng dồn sức cho Điện Biên Phủ.

Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch. Ảnh TTXVN
Binh đoàn xe đạp thồ trên đường ra chiến dịch. Ảnh TTXVN

Đúng ngày mồng một Tết Giáp Ngọ (1954), 32.000 dân công, hàng nghìn tân binh Nghệ An nô nức xung phong ra tiền tuyến. Nhân dân Nghệ Tĩnh đã đóng góp hàng vạn ngày công để tu sửa và mở thêm các tuyến đường mới như đường 38 từ Yên Thành-cầu Bùng; đường 34 từ bảo Nham - Quán Hành, đường từ TX Hà Tĩnh đi Cẩm Xuyên -Cửa Nhượng; đường Linh Cảm - Hương Khê…

Các tuyến đường thủy nội bộ được củng cố, hệ thống kênh đào Nhà Lê từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa được nạo vét. Nhân dân Nghệ An, trong năm 1953 đã đóng góp 5 triệu ngày công phục vụ công tác giao thông vận tải phục vụ chiến trường. Hà Tĩnh, một mặt huy động dân công, lương thực, thực phẩm cho chiến dịch; mặt khác tập trung lực lượng làm mới và tu sửa đường số 8, đường 18, đường 74, đường qua Truông Mèn, Linh Cảm, Tân Ấp góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đáp ứng yêu cầu của chiến dịch.

Nhân dân Hà Tĩnh, trong chiến dịch Trung Lào (tháng 11/1953), đã huy động 56 nghìn dân công hỏa tuyến, bình quân mỗi người phục vụ 2 tháng rưỡi trên chiến trường. 28,3 nghìn dân công Hà Tĩnh phục vụ bộ đội trên đất Lào, góp công lớn làm nên chiến thắng Trung Lào, tiêu diệt và bắt sống 5.000 địch đã phối hợp đắc lực với chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến trường khác đưa cuộc tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 đến thắng lợi.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung đã làm sáng lên lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Nghệ Tĩnh. Đèo Pha Đin, địa danh đã đi vào lịch sử, trong chiến dịch Điện Biên Phủ do đại đội TNXP 293 (đội 34 Nghệ An) phụ trách.

Các cán bộ chiến sĩ của Nghệ An đã, tăng năng suất 40% (2.336 ngày công), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải và phá bom, trong điều kiện bom đạn ác liệt, trời mưa lầy lội. Chiến sĩ Đặng Đình Hồ (quê Thanh Chương), trực tiếp tham gia chiến đấu 56 ngày đêm ở Điện Biên, nổi tiếng với lối đánh nhan như sóc, mạnh như hổ và thọc sâu chia cắt khiến quân địch khiếp sợ.Trong 9 năm kháng chiến, hai tỉnh đã bổ sung 105.935 quân số cho các mặt trận (tương đương 10 sư đoàn), huy động 1,179 triệu dân công, đóng góp 31 triệu ngày công cho kháng chiến.

Trên các chiến trường, các chiến sỹ của quê hương Xô viết đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, anh dũng chiến đấu; nhiều người con xứ Nghệ đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng: Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Trần Can, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Đô Lương, Phan Tư, Đặng Đình Hồ… Trong 9 năm kháng chiến, hơn một vạn con em Nghệ Tĩnh đã ngã xuống trên các chiến trường.

Với địa bàn chiến lược và truyền thống ái quốc, trong mỗi thời điểm Tổ quốc lâm nguy, xứ Nghệ đều có những đóng góp xuất sắc, lớn lao góp phần làm nên chiến thắng chung của toàn dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà kết thúc là chiến dịch Điện Biên Phủ, sự hi sinh và đóng góp của quân dân Nghệ Tĩnh là hết sức to lớn. Dân công vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và hình ảnh chiếc xe đạp thồ đã trở thành huyền thoại: “…Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ có đóng góp không nhỏ của lực lượng dân công - sản phẩm của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta - với vai trò không chỉ là vận chuyển, tiếp tế, tải thương mà còn áp giải tù binh, làm đường giao thông và trực tiếp tham gia chiến đấu”. “… không chỉ là “chị gánh, anh thồ” để cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí và đạn dược cho chiến trường, mà còn bằng “mồ hôi, nước mắt và xương máu” của hàng nghìn chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc”.

Nhận rõ vị trí chiến lược của Liên khu 4 nói chung, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh nói riêng, tháng 6-1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ lãnh đạo của Tổng Quân ủy Trung ương đã vào kiểm tra tình hình ở hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, đồng thời giao nhiệm vụ cho Liên khu 4, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Liên khu phải tập trung mọi nỗ lực cao nhất xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường chính Bắc Bộ, đẩy mạnh tác chiến ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho các chiến dịch sắp mở ở Tây Bắc và Thượng Lào

Xuất phát từ vị trí địa quân sự, địa chính trị đặc biệt của mình, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh cùng lúc đã đảm nhiệm vai trò căn cứ địa, hậu phương của 3 hướng chiến trường, trong đó có vai trò hết sức quan trọng đối với các chiến dịch, đợt hoạt động quân sự phối hợp mở trên hướng Trung Lào và Thượng Lào.

Từ tháng 2-1953, tỉnh Nghệ An đã huy động 72.940 dân công đi tu sửa đường số 7 sang Lào. Đoạn đường từ Đô Lương lên Mường Xén dài 170km, dân công đã làm được hơn 100 cầu phao, cầu tạm, đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, sửa chữa nền đường, gia cố thêm độ an toàn của các đèo Cao, đèo Chó... Ngoài ra, tỉnh còn huy động 1.486 xe đạp thồ và 1.066 thuyền, ca nô liên tục chở hàng hóa ngược lên phía Tây sang Lào. Đến ngày 9-3-1953, dân công Nghệ An đã chuyển được 740 tấn gạo đến các địa điểm quy định thuộc vùng biên giới, chưa kể số gạo cấp cho dân công và cho thuyền tư nhân sử dụng trên đường vận tải đi và về. Ngày 20-3-1953, Nghệ An huy động tiếp một đợt dân công gánh bộ gồm 12.700 người và tiểu đoàn 195, các đại đội 121, 123 bộ đội địa phương tỉnh lên đường sang Xiêng Khoảng phục vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu trên đất Lào.

Các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh và nước bạn Lào đã có mối quan hệ mật thiết từ lâu, trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung. Theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp bạn, tức là tự giúp mình”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình. Với đóng góp liên tục, toàn diện của mình cho chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vùng tự do Liên khu IV thực sự là căn cứ địa vững chắc-hậu phương quốc tế chiến lược của quân dân Lào, là một nhân tố quan trọng tác động đến thắng lợi của cách mạng Lào, góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân 3 nước Đông Dương...

Bảy mươi năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng điển hình trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX. Trong chiến thắng vĩ đại đó, công lao to lớn của quân và dân Nghệ An - Hà Tĩnh mãi mãi được lịch sử khắc ghi.

Mới nhất

x
Nghệ - Tĩnh trong chiến dịch Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO