Nghỉ hưu nhưng chưa được nghỉ việc

(Baonghean) - Cùng với nhu cầu của xã hội, nhiều người hưu trí vẫn quyết định lựa chọn đi làm. Sự tham gia của họ góp phần tạo thêm một lực lượng lao động khá đông đảo mà theo như một số người nói vui là “người nghỉ hưu không nghỉ việc”. 

Trong 3 - 4 năm trở lại đây, ở Thành phố Vinh, không khó để bắt gặp những người hưu trí làm thêm các công việc ngoài chủ yếu để tăng thêm thu nhập bên đồng lương hưu ít ỏi. Lựa chọn làm thêm của những người hưu trí có thể chia làm 2 loại: làm tự do hoặc làm cho một công ty tư nhân. 

Làm bảo vệ cho các doanh nghiệp, cửa hàng là công việc được nhiều người lựa chọn sau khi nghỉ hưu. Ảnh: Chu Thanh
Làm bảo vệ cho các doanh nghiệp, cửa hàng là công việc được nhiều người lựa chọn sau khi nghỉ hưu. Ảnh: Chu Thanh

Trong số những lao động tự do ở chân cầu Cửa Tiền, có một số người tuy đã nghỉ hưu nhưng vì hoàn cảnh gia đình, họ vẫn quyết định tiếp tục làm thêm. Ông Trần Nguyên Thế (SN 1958) cho biết, “Lương công nhân được ba cọc, ba đồng nên bác xin nghỉ hưu non về đi làm thêm cho có đồng ra đồng vào. Nhà 6 miệng ăn nuôi mẹ già, con thì 3 đứa đi học thì tiền lương hưu mô cho đủ”.

Sau khi nghỉ hưu, có chút tiền lương dành dụm, ông Thế vay thêm tiền anh em họ hàng mua một chiếc ô tô, ai thuê chở gì chở nấy. “Dân lao động thì mần chi có nghỉ hưu, chỉ có khi mô nằm liệt một chỗ thì thôi chứ còn sức khỏe là cứ vẫn phải làm để mà còn lo cho con cái ăn học, thừa đồng nào phòng khi tuổi già ốm đau” - ông Thế chia sẻ.

Còn ông Hoàng Dung Xích, 64 tuổi lựa chọn quay về với công việc đồng áng và làm xe ôm tại ngã tư Lê Hồng Phong - Nguyễn Đức Cảnh (TP. Vinh). Ông Xích tâm sự, lương hưu công nhân được có hơn triệu bạc không đủ sống nên ông phải đi làm thêm ngoài mới nuôi được mấy miệng ăn ở nhà. “Sáng 8 giờ bác lái xe từ Nghi Vạn (Nghi Lộc) vô Vinh, chiều 17 giờ về nhà. Ngày mô đắt khách được trăm bạc, ngày ế thì 20 - 30 chục chi đó. Bựa mô bác gái chuẩn bị được kịp thì mang cơm đi ăn trưa, không thì ra tạm chợ gần đây gọi suất 15 nghìn cho xong bữa” - ông Xích cho biết. 

Ông Hoàng Dung Xích tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Chu Thanh
Ông Hoàng Dung Xích tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Chu Thanh

Khác với ông Xích lựa chọn công việc lao động tự do, sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Quang Vinh (58 tuổi) lại “đầu quân” vào một công ty bảo vệ có tiếng với 500 - 600 nhân viên trên địa bàn thành phố. Ông Vinh thật thà: “Từ khi nghỉ hưu, bác làm bảo vệ cũng phải được 4 năm có lẻ rồi đó. Về hưu ở nhà cũng buồn tay buồn chân. Với cả cũng muốn kiếm thêm tiền cho con cái ăn học, rứa là nghe mấy ông bạn rủ đi làm bảo vệ thì đi. Đi làm công ty ông thấy khá hợp, nhất là khi hơn nửa thành viên trong công ty cũng tầm tuổi như mình”.

Một kỹ sư nghỉ hưu làm công việc sửa chữa đồ diện gia dụng ở khu vực chợ Vinh. Ảnh: Chu Thanh
Một kỹ sư nghỉ hưu làm công việc sửa chữa đồ diện gia dụng ở khu vực chợ Vinh. Ảnh: Chu Thanh

Công việc thì tùy vào địa điểm, tùy vào người thuê. Ví như ở trường học thì đi tuần tra, bảo vệ cơ sở vật chất, còn như các cửa hàng ăn uống, may mặc thì chỉ cần xếp, trông xe cho khách. Trung bình mỗi tháng cũng kiếm được 3 - 4 triệu đồng không bao gồm tiền ăn uống. Việc tuy nhàn nhưng cũng phải túc trực liên tục tại nơi làm nên không khó bắt gặp cảnh những bữa cơm vội trên vỉa hè bất kể nắng, mưa.

“Nhiều khi mồm thì ăn nhưng mắt thì phải liếc trông xe, khách đến hay đi là buôn bát buông đũa mà đi dắt xe cho khách. Nhưng việc nghỉ hưu “lần nữa” chắc phải chờ vài ba năm khi nào mắt mỏi chân mờ rồi tính sau”. Với đồng lương hưu thì thấp mà giá cả leo thang hằng ngày, thì những người như ông Vinh, ông Xích đều cho rằng cố được “từng mô hay từng nớ rồi tính sau”.

Câu chuyện người hưu trí vẫn phải bươn chải lao động hiện nay không chỉ là câu hỏi của Việt Nam mà còn khiến cho nhiều nước phát triển, có tỷ lệ dân số già cao như Nhật Bản phải đau đầu. Theo một con số thống kê năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Nhật Bản có khoảng 23% người già vẫn đang đi làm, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nước phát triển G7, trên cả Mỹ là 19%. Để giữ được công việc hoặc có thêm tiền trang trải ngoài đồng lương hưu, nhiều người già ở Nhật phải chịu cảnh đối xử bất công, thậm chí là bóc lột.


Chu Thanh

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.