Nghĩ loanh quanh từ 3 triệu đô & vụ anh em truy sát nhau

NGHĨ LOANH QUANH TỪ 3 TRIỆU ĐÔ
& VỤ ANH EM TRUY SÁT NHAU

Trong mấy ngày, 2 tin đau lòng từ anh trai truy sát giết chết cả nhà em ruột đến một ông bố quan chức bị bắt tội nhận hối lộ đã tố rằng toàn bộ số tiền 3 triệu đô ấy đã đưa con gái. Và hôm sau, trên khắp các mặt báo, con gái của vị quan chức đó phủ nhận mình đã nhận tiền từ cha ruột mình. Tôi cứ buồn mãi, đau lòng mãi. Hay bởi tôi là kẻ luôn đặt gia đình lên trên tất cả nên dễ bị tổn thương khi đọc thấy những câu chuyện cạn tình ráo máng như thế?

Cuộc sống hiện đại. Người Việt ngày càng “Tây” lên trong cách nghĩ, cách sống. Những thứ thuộc về truyền thống kiểu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” đã chẳng còn phù hợp với cuộc sống chung cư đô thị. Nhà nào giờ biết nhà nấy. Hàng xóm cách nhau bức tường, chung một hành lang, một tòa nhà thậm chí lên xuống chung thang máy nhưng chẳng ai biết ai, chẳng ai quan tâm ai. Những thứ thuộc về truyền thống như “một giọt máu đào hơn ao nước lã” cũng chẳng còn khi anh chị em ruột vì đất thừa kế chia không đều mà trở mặt đánh nhau đầu rơi máu chảy.

Cuộc sống hiện đại, nhiều nhà nói tiếng Anh với nhau hàng ngày, thậm chí phạt tiền nếu như ai nói tiếng Việt. Có nhà muốn con giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt mà 100% trong nhà đều nói tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh. Các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm sau mưa trong khi các lớp học thêm Văn chỉ mở cho việc… thi đại học, thi tốt nghiệp.

Sách cũng thế. Sách cho trẻ em trên các nhà sách hầu hết đều phải có song ngữ mới bán được. Tôi có 2 cuốn sách dùng đồng dao làm nội dung, cố gắng giúp cha mẹ cùng con đọc những câu đồng dao xưa cũ, hát ru con bằng những bài đồng dao, nhưng chúng không bán chạy bằng những cuốn cổ tích song ngữ của Phương Tây. Thánh Gióng hiển nhiên không thể mạnh bằng Iron Man – Người Sắt của Marvel.

Tôi không phản đối sự “Tây hóa” cũng như tiếng Anh đang được nỗ lực dạy những đứa trẻ để chúng trở thành những “công dân toàn cầu” trong tương lai. Tôi cũng không trách những cha mẹ không dạy con đồng dao hay những đứa trẻ mê mệt Iron Man chứ không biết đến Thánh Gióng. Tôi cũng là một cư dân chung cư đô thị và tôi cũng không có nhiều hàng xóm. Tôi cũng rời khỏi cha mẹ mình năm tôi 18 tuổi để bắt đầu cuộc sống tự lập của mình. Nhưng tôi sẽ rất buồn khi những bữa cơm nhà dần mất đi trong nhiều gia đình. Thậm chí, lại “như Tây”, chỉ Tết nhất cả nhà mới ngồi lại với nhau. Thậm chí, lại “như Tây” ngày càng nhiều những cha mẹ già phải sống lủi thủi một mình khi các con đã lớn, đã có những gia đình riêng của họ. Và thật buồn khi mối quan hệ ruột thịt bị chi phối, điều khiển bởi đồng tiền. Nhiều đứa con ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ chỉ vì đợi chờ được thừa kế tài sản của cha mẹ hơn là vì yêu kính cha mẹ.

Tôi cũng không đao to búa lớn thông qua bài viết này của mình để “gióng tiếng chuông cảnh báo” về sự xuống cấp đạo đức, tình cảm, hiếu thuận hay gì gì đó. Chỉ là sao mà cứ thấy buồn ơi là buồn. Như vài người bạn lớn tuổi của tôi, 30-40 năm quần quật làm việc kiếm tiền vì tương lai của con cái, gom đủ tiền cho con đi du học và giờ thì Tết nào cũng quạnh quẽ 2 vợ chồng vì lũ con không chịu về Việt Nam. Thay vì mua vé bay về, lũ trẻ giờ chỉ FaceTime từ xa.

Tôi vẫn tự hỏi, bao nhiêu cha mẹ đã tiêu sạch những năm tháng con còn ấu thơ để lao đi kiếm tiền lo cho tương lai của con, nhưng rồi tương lai lũ con đó chỉ nhớ về cha mẹ như những… chủ đầu tư. Tình cảm của nhiều đứa trẻ dành cho bà giúp việc, cô trông trẻ có khi còn sâu đậm hơn dành cho cha mẹ ruột của chúng. Vì ấu thơ của chúng là họ chứ không phải cha mẹ ruột. Bao nhiêu đứa trẻ giờ nói tiếng Anh như gió nhưng lịch sử nước Việt thì không biết, một câu ca dao, một câu tục ngữ nếu không có trong sách giáo khoa thì cũng không biết – chưa từng nghe – chưa từng đọc. Sợi dây nguồn cội bị cắt đứt đi tự lúc nào rồi???

Là tôi cả nghĩ và sến súa hay cuộc đời nay đã khác xưa nhiều rồi?