Kinh tế

Nghi Lộc có 43 sản phẩm đạt sao OCOP

Xuân Hoàng 06/08/2024 10:41

Cùng với xây dựng nông thôn mới, huyện Nghi Lộc tập trung thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay toàn huyện đã có 43 sản phẩm đạt sao OCOP.

OCOP tạo lợi thế cho sản phẩm ra thị trường

Hiện nay xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) có sản phẩm muôi, muỗng gỗ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại Hồng Sơn là sản phẩm đầu tiên của huyện Nghi Lộc đạt 4 sao OCOP.

công nhân sản của Công ty TNHH Sả xuất thương mại Hồng Sơn, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc hàng ngày làm ra sản phẩm môi muỗng đạt 4 sao OCOP. Ảnh Xuân Hoàng
Công nhân của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hồng Sơn, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc sản xuất muôi, muỗng đạt 4 sao OCOP. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến Công ty khi hàng chục công nhân đang miệt mài đóng sản phẩm vào bao bì để chuẩn bị cho chuyến hàng xuất khẩu, được anh Nguyễn Hồng Sơn - chủ thể của sản phẩm OCOP 4 sao này cho biết, tận dụng được nguồn nguyên liệu gỗ nhãn và xà cừ sẵn có tại địa phương, từ gần 10 năm trước anh mở nhà xưởng sản xuất các mặt hàng như đũa, muôi, muỗng, các dụng cụ chế biến dùng cho nhà bếp...

Sản phẩm môi muỗng gỗ đạt 4 sao OCOP của Công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Sơn. Ảnh Xuân Hoàng
Sản phẩm muôi, muỗng gỗ đạt 4 sao OCOP. Ảnh: Xuân Hoàng

Sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại Hồng Sơn rất được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, hàng năm xuất khẩu được hàng nghìn sản phẩm. Năm 2021, sản phẩm bộ muôi, muỗng gỗ Hồng Sơn được xếp hạng 4 sao OCOP, là điều kiện tốt để công ty tiếp tục nâng cấp sản phẩm, đa dạng mẫu mã, mở rộng quy mô sản xuất, tạo niềm tin cho khách hàng, thị trường tiêu thụ tốt hơn, nhằm tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Gà ác của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Thắng xã Nghi Văn được nuôi trong hệ thống chuồng trại khép kín, nguồn trứng đảm bảo chất lượng. Ảnh: Xuân Hoàng
Gà ác của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Thắng xã Nghi Văn được nuôi trong hệ thống chuồng trại khép kín, nguồn trứng đảm bảo chất lượng. Ảnh: Xuân Hoàng

Nghi Văn là địa phương đất cằn sỏi đá, trước đây được xem là khó khăn nhất huyện. Thế nhưng hiện xã nằm trong tốp đầu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, là xã đầu tiên của huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Nghi Văn cũng đã có tới 3 sản phẩm đạt sao OCOP.

Đến trang trại gà ác được nuôi theo công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Hữu Thắng ở xóm 2-22, xã Nghi Văn, cho thấy, toàn bộ 3 khu chuồng trại được đầu tư khép kín, hệ thống cung cấp nước và thức ăn cho gà được lắp đặt hoàn toàn tự động và áp dụng hệ thống làm mát bằng hơi nước, quạt hút gió.

Sản phẩm trứng gà ác đạt 3 sao OCOP của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Thắng ở Nghi Văn, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Xuân Hoàng
Sản phẩm trứng gà ác đạt 3 sao OCOP của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Thắng ở Nghi Văn, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Thắng cho hay, tổng diện tích của 3 khu chuồng trại này hơn 1.500m2, nuôi một lúc 10.000 con gà mái đẻ. Do được chăm sóc phù hợp và công tác phòng dịch đảm bảo, nên đàn gà phát triển tốt. Giống gà ác đẻ thưa, nên mỗi ngày gà đẻ trứng chỉ đạt tỷ lệ 30%, mỗi ngày trại gà anh Thắng bán ra thị trường hơn 3.000 quả trứng. Gà được nuôi theo quy trình an toàn, chất lượng trứng đảm bảo, trên bao bì có mã quét QR, đầy đủ thông tin của sản phẩm, nên năm 2023 trứng gà ác của gia đình anh Nguyễn Hữu Thắng được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh.

“Từ khi sản phẩm trứng gà ác của gia đình đạt sao OCOP, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nên tiêu thụ mạnh, có thời điểm cháy hàng. Hiện nay, hơn 50% sản phẩm bán tại 20 cửa hàng thực phẩm sạch ở Thành phố Vinh, còn lại gần 50% tiêu thụ ngoài thị trường tự do”, anh Nguyễn Hữu Thắng cho hay.

mỗi ngày trại gà ác của anh Nguyễn Hữu Thắng ở xã Nghi Văn cung ứng ra thị trường trên 3.000 quả trứng đạt chất lượng OCOP. Ảnh Xuân Hoàng
Mỗi ngày trại gà ác của anh Nguyễn Hữu Thắng ở xã Nghi Văn cung ứng ra thị trường trên 3.000 quả trứng đạt chất lượng OCOP. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Đoàn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, cho biết: Nhận thức rõ việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP là cơ hội để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống tại địa phương, những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã luôn quan tâm, tuyên truyền vận động các đơn vị, cá nhân xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Theo đó, đến nay trên địa bàn xã đã có 3 sản phẩm đạt sao OCOP, gồm: trứng gà ác của hộ Nguyễn Hữu Thắng ở xóm 2-22; bưởi da xanh của hộ Vũ Đức Dương ở xóm 1; dưa lưới Trường Oanh của hộ Lê Văn Trường ở xóm 3.

43 sản phẩm OCOP là đặc sản của mỗi vùng miền

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, trong 6 tháng đầu năm 2024, Nghi Lộc đã xây dựng được 13 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt sao OCOP của huyện lên 43 sản phẩm, trong đó 42 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao.

Những sản phẩm đạt OCOP ở huyện Nghi Lộc là đặc sản của mỗi vùng miền, đã có thương hiệu, chất lượng tốt, đạt quy chuẩn, là sản phẩm sạch an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường tốt. Các chủ thể của 43 sản phẩm OCOP ở huyện Nghi Lộc đã tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho hàng trăm lao động và hàng ngàn lao động thời vụ.

sản phẩm OCOP của nghệ An nói chung đang được gười tiêu dùng quan tâm. Ảnh Xuân Hoàng
Sản phẩm OCOP của Nghệ An được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện nay, UBND huyện Nghi Lộc tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, thích hợp với biến đổi khí hậu. Đó là phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

Thời gian tới, Nghi Lộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các thành viên tham gia OCOP cấp huyện, xã và chủ thể. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Nghi Lộc có 100% xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (hiện còn 4 xã chưa có sản phẩm OCOP), toàn huyện tối thiểu có 42 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên và có ít nhất 1 sản phẩm được xếp hạng 5 sao. Huyện sẽ củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Bên cạnh đó phấn đấu xây dựng, phát triển 3-5 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Huyện luôn chú trọng thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Nhất là trong thời điểm huyện Nghi Lộc đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, thì xây dựng sản phẩm OCOP lại càng được huyện và các xã quan tâm hơn.

Ông Nguyễn Bá Điệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc

Có thể thấy, việc xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã giúp các sản phẩm này đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, qua các kênh thông tin, các sàn thương mại điện tử. Chương trình OCOP ở Nghi Lộc giúp từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn giàu bản sắc văn hóa, môi trường xanh và phát triển bền vững.../.

Mới nhất
x
x
Nghi Lộc có 43 sản phẩm đạt sao OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO