Nghi Lộc: Đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp
Là huyện thuần nông, đất đai bạc màu, nhiều năm qua nông dân huyện Nghi Lộc đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng với khát vọng nâng cao giá trị thu nhập để có cơ hội cải thiện cuộc sống ngay trên ruộng đồng của mình.
Ngoài các loại cây lương thực và rau màu truyền thống, mấy năm gần đây, nông dân huyện Nghi Lộc có xu hướng khám phá, khai thác giá trị của những cây trồng mới như cây cỏ ngọt, nhân trần, dưa hấu, đậu tương, lạc chất lượng cao, ớt cay xuất khẩu... Với nghị lực thoát nghèo, khát khao vươn lên ổn định cuộc sống, những người nông dân thời hội nhập đã biến ruộng đồng vốn cằn khô, nghèo kiệt thành những bờ xôi ruộng mật trù phú.
Tại xã Nghi Đồng (xóm 3 và xóm 4), vùng đất xa xấu, thiếu nước này đã bắt đầu cho cây cỏ ngọt thành công trên đất Nghệ An. Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND xã Nghi Đồng cho biết thì khoảng 40 ha đất xấu cao cưỡng của xã, trong đó có 10 ha được Công ty CP Đầu tư phát triển Stevia Á Châu thuê để trồng cây cỏ ngọt. Trước đây, trên vùng đất này bà con thường sản xuất lúa, đậu, lạc nhưng mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ đông xuân với năng suất lúa chỉ đạt 50 kg/sào. Do đó đời sống nông dân vùng này rất khó khăn. Cỏ ngọt - một loài cây họ cúc mềm mại được mang giống từ Trung Quốc về vùng đất cao cưỡng cằn khô này lại bén duyên kỳ lạ. Loài cây có nhiều giá trị này đã mở ra triển vọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho thu nhập cao đối với nông dân Nghi Đồng nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Hơn 40 ha dưa hấu được trồng tại cánh đồng thu nhập cao xã Nghi Long.
Ông Phan Thế Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Stevia Á Châu, cho biết: trong lá cây cỏ ngọt có 5% đường Reb-A loại đường có độ ngọt gấp 300 - 400 lần đường mía nhưng không sinh năng lượng, được dùng rộng rãi trong các ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống, y tế, mỹ phẩm... Ngoài ra còn phục vụ cho người ăn kiêng, béo phì và đang được kỳ vọng thay thế đường hoá học trong tương lai. Mục tiêu của Công ty là tạo vùng nguyên liệu để liên doanh với Tập đoàn PurCircle xây dựng Nhà máy chiết xuất đường Reb-A tại Nghệ An. Công ty thu mua cho dân với giá 23.000 đồng/kg lá cỏ ngọt khô. Trồng 1 ha cỏ ngọt bà con thu hoạch từ 6 - 8 tấn lá khô/năm, từ kết quả thực tiễn của người dân tham gia và từ chính kết quả khảo nghiệm của công ty khẳng định cây cỏ ngọt cho doanh thu trung bình từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Sau khi thấy cây cỏ ngọt thành công trên đất Nghi Đồng, cho thu hoạch 7 - 8 triệu đồng/sào/năm, giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với các cây trồng khác. Huyện Nghi Lộc xét thấy vùng đất 9 xã bán sơn địa gồm: Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Phương, Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc, Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều phù hợp để mở rộng trồng cây cỏ ngọt. Huyện đã mời Công ty Á Châu và Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An họp bàn giải pháp mở rộng phát triển cây cỏ ngọt và bao tiêu sản phẩm cho dân. Về phía công ty, chịu trách nhiệm cung ứng cây giống, quy trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho dân theo hợp đồng đã ký kết.
Ngoài cỏ ngọt, Nghi Lộc còn có xu hướng mở rộng diện tích trồng cây nhân trần đem lại giá trị thu nhập cao cho bà con. Từ trồng tự phát để bán cho các hiệu thuốc bắc, bà con Nghi Lâm nhận thấy trồng cây nhân trần đem lại thu nhập cao nên đã mở rộng diện tích. Cây nhân trần cho thu hoạch bình quân khoảng 2,5 - 3 tạ khô/sào, với giá nhập sỉ tại hộ là 19.000 đồng/kg khô, giá bán lẻ cho các hiệu thuốc bắc 40.000 đồng/kg khô, đem lại thu nhập cho bà con 5,7 triệu đồng/sào (114 triệu đồng/ha). Nhận thấy cây nhân trần dễ trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3- 4 lần các cây trồng khác, xã Nghi Lâm tiếp tục quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, tăng diện tích sản xuất năm 2011 lên 10 ha. Ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm, cho biết: Ưu điểm của loài cây này là dễ trồng, thích nghi với điều kiện đất đồi cao cưỡng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Trồng nhân trần không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, hầu như miễn dịch với sâu bệnh, khâu chăm sóc cũng đơn giản nên bà con rất thích trồng. Với chi phí đầu tư rẻ, hạt giống được bà con cất từ vụ trước gieo trồng cho vụ sau, quá trình trồng chỉ bón phân chuồng vào giai đoạn đầu cho đến khi cây tốt bón thêm một lần đạm, chờ thu hoạch. Hiện nay, nhiều gia đình trong xã đứng ra chuyên thu mua cây dược liệu nhân trần nhập cho tư thương ở Thành phố Vinh và một số địa phương khác trong, ngoài tỉnh. Nhân dân không phải lo đầu ra, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hộ ông Lê Quang Nam - xóm 4 năm ngoái trồng hơn 2 sào nhân trần, thu hoạch được hơn 6 tạ nhân trần khô, bán được trên 12 triệu đồng. Hiện nay gia đình ông đang chuẩn bị bắc hạt giống để trồng vụ mới.
Nghi Lộc ngoài sản xuất lúa, lạc và các loại cây rau màu hàng hoá còn có các loại rau, củ, quả như dưa hấu, dưa chuột, ngô nếp, lạc, đậu tương, đậu xanh, hành tăm, bí đao, bắp cải, xu hào, xúp lơ, rau xanh các loại... và cả hoa tươi, cây cảnh. Cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở nhiều địa phương trong huyện đã có sự chuyển đổi rõ nét. Một số diện tích trồng lúa năng suất thấp, không chủ động nguồn nước đã được bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như lạc, ngô, đỗ tương... làm cho đất vùng màu từng bước được khai thác có hiệu quả, tăng giá trị thu nhập. Năng suất các loại cây trồng chủ lực và tổng sản lượng lương thực trên địa bàn huyện tiếp tục tăng. Giá trị sản xuất của ngành trồng trọt hàng năm tăng từ 20 - 50 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm (giai đoạn từ 2005 - 2010) đạt xấp xỉ 80.000 tấn/năm, tăng gần 4.000 tấn so với năm 2005. Sản lượng ngô năm 2010 đạt 14.155 tấn, tăng 4.354 tấn so với năm 2005. Sản lượng lạc hàng năm đạt trên 11.500 tấn... Thu nhập bình quân/ha đất trồng cây hàng năm đạt 43,5 triệu đồng (đã trừ chi phí đầu tư), tăng 17 triệu đồng/ha so với năm 2005. Trong đó có 3.780 ha diện tích đất canh tác cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Riêng 1.000 ha đất màu cho thu nhập bình quân mỗi năm đạt 80 - 100 triệu đồng/ha.
Có được thành công trong sản xuất nông nghiệp ở Nghi Lộc, ngoài sự nỗ lực của bà con, phải kể đến sự tác động tích cực của các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hoá, giống cây trồng và biện pháp thâm canh mới... Các dự án đầu tư vào nông nghiệp được triển khai đồng bộ như: Dự án tiêu úng vùng màu, hệ thống đê sông, đê biển... với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng đã và đang được triển khai. Bên cạnh đó, công tác tu sửa nâng cấp hệ thống các trạm bơm, hồ đập được tiến hành thường xuyên, đảm bảo phục vụ tưới, tiêu cho đồng ruộng.
( Còn nữa)
Quỳnh Lan