Xây dựng Đảng

Nghi Lộc: Ý Đảng - lòng dân nối đường hạnh phúc

Đồng Bính Định 02/09/2024 10:31

Từ các mô hình “khéo” vận động nhân dân trong hiến đất mở đường, huy động tiền của, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc cho thấy, phong trào rất hiệu quả, thiết thực hợp với “ý Đảng, lòng dân”, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Phát triển giao thông nông thôn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo thêm nhiều cơ hội cho nhân dân giao thương, vận chuyển hàng hóa, tìm đầu ra cho sản phẩm nông lâm nghiệp… nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Với mục tiêu đó, trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã có chủ trương xây dựng nhiều tuyến đường nông thôn liên xóm, liên xã và đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Những con đường đất lầy lội ngày nào đang dần được thay thế bằng những tuyến đường nhựa, đường bê tông thênh thang… người dân rất phấn khởi không chỉ bởi việc đi lại thuận tiện hơn mà còn thể hiện ý Đảng hợp với lòng dân.

Xã Nghi Văn là địa phương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục đầu tiên của huyện Nghi Lộc. Ảnh Xuân Hoàng
Một góc nông thôn mới xã Nghi Văn. Ảnh: Xuân Hoàng

ĐUA NHAU HIẾN ĐẤT LÀM ĐƯỜNG

Xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc là một xã vùng biển nghèo, đất chật, người đông nên đất ở nơi đây được ví như đất “vàng”, thế nhưng, khi cấp ủy Đảng, chính quyền có chủ trương huy động sức dân để làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ đã sẵn sàng hiến đất, phá dỡ tường rào và các công trình khác để làm đường bê tông bằng phẳng, mặt đường mở rộng 4 - 6m thay thế con đường đất, đường bê tông nhỏ trước đây.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” từ đầu năm đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã vận động được 25 hộ dân xóm Chùa tự nguyện hiến 365 m2 đất, trị giá hơn 2 tỷ đồng, phá dỡ hơn 500 m2 tường rào và các công trình phụ trợ khác, trị giá 457 triệu đồng, huy động nhân dân đóng góp và ủng hộ được 448 triệu đồng, hàng trăm ngày công để mở rộng đường giao thông từ xóm Chùa đi xóm Đình.

Nhân dân xóm chùa, xã Nghi Thiết làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đồng Bính Định
Nhân dân xóm Chùa, xã Nghi Thiết làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đồng Bính Định

Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng trị giá 5 tỷ 819 triệu đồng. Nhờ ý Đảng hợp lòng dân, mặc dù “tấc đất, tấc vàng” nhưng bà con nơi đây ai cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, bởi họ suy nghĩ ở đâu có đường, ở đó có sự phát triển. Ông Nguyễn Trọng Vĩnh chia sẻ: Để mở rộng con đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, gia đình chúng tôi tự nguyện hiến 90 m2 đất ở, mà mình là đảng viên nên phải noi gương đi đầu thì nhân dân mới tin.

Tôi cùng Ban Công tác Mặt trận xóm đến từng nhà vận động bà con trong xóm, hiện tại có 19 hộ, sau khi vận động có hộ lui vô 2m, tổng số là hiến được 380 m2 đất mở đường, để cho đường rộng rãi, xanh, sạch, đẹp hơn.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Xóm Chùa, xã Nghi Thiết

Rời Nghi Thiết, chúng tôi về với Nghi Xá là một những xã tiêu biểu, điển hình trong huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn. Là xã thuần nông, nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, xuất phát điểm thấp; nguồn thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Cây lúa, củ khoai vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, song nhiều hộ dân đã sẵn sàng ủng hộ hàng chục triệu đồng, hiến đất, phá dỡ bờ bao, tường rào, đóng góp ngày công để xây dựng được nhiều tuyến đường rộng, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Vận động nhân dân xóm 1-10, xã Nghi Xá phá dỡ tường bao, hiến đất làm đường giao thông. Ảnh: Đồng Bính Định
Vận động nhân dân xóm 1-10, xã Nghi Xá phá dỡ tường bao, hiến đất làm đường giao thông. Ảnh: Đồng Bính Định

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Năm nói: Vai trò là đảng viên Chi bộ xóm 1-10, nhận thức được chủ trương của Đảng và Nhà nước, xóm 1-10 đã tổ chức họp xóm triển khai việc hiến đất mở đường, gia đình chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ chủ trương đã đề ra. Gia đình chúng tôi đã hiến 35m chiều dài và 0,4m chiều rộng (bao gồm tháo dỡ 35m bờ rào đã xây kiên cố). Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con nhân dân. Không những gia đình tôi mà người dân xóm 1-10 cũng như nhân dân trên địa bàn xã rất phấn khởi vì đã có tuyến đường khang trang.

Ông Võ Xuân Hồng- người dân xóm 1-10 chia sẻ thêm: Bản thân tôi cùng gia đình hoàn toàn nhất trí cao với chủ trương mở tuyến đường ngã tư Nghi Thịnh đi qua xóm 1-10 đến Bưu điện, nối đường Đức Thiết. Gia đình tôi đã hiến 41m chiều dài vào 0,6m chiều rộng, bao gồm tháo dỡ, đập phá 41m bờ rào. Đến hôm nay, tuyến đường đã được hoàn thành đã đưa vào sử dụng, tôi cũng như bà con ở đây ai cũng rất phấn khởi vì có tuyến đường khang trang, sạch, đẹp.

Tuyến đường xóm 1-10 xã Nghi Xá đã làm xong sau khi được nhân hiến đất mở đường. Ảnh: Đồng Bính Định
Tuyến đường xóm 1-10, xã Nghi Xá đã làm xong sau khi được nhân dân hiến đất mở đường. Ảnh: Đồng Bính Định

Ngược lên phía Tây huyện Nghi Lộc chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nghi Lâm chia sẻ kinh nghiệm trong việc huy động sức dân. Ông Bình cho biết: Một trong những bài học quý báu nhất được rút ra từ phong trào hiến đất mở đường ở xã Nghi Lâm là làm tốt việc “khơi sức dân”, với phương châm lấy dân làm gốc, những việc gì cán bộ chưa biết thì sẵn sàng hỏi dân, dân hướng dẫn cho mà làm; xã đã thành lập ban chỉ đạo làm đường giao thông nông thôn, các xóm bầu ra ban vận động, địa phương thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng, trong đó, thành viên của ban là đảng viên và những người có uy tín trong xóm, làng; với phương châm vận động “gia đình dễ trước, khó sau”; vận động trước hết là đi tập thể đến từng hộ gia đình và nếu các hộ dân chưa đồng thuận hoặc có một vài thành viên trong gia đình chưa ủng hộ thì tập trung vận động cá biệt từng thành viên trong từng hộ gia đình; vận dụng tốt phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, xã Nghi Lâm đã triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tối đa mọi quyền hành của nhân dân trong bàn bạc, thảo luận, công khai, dân chủ, minh bạch từ các khoản đóng góp, mức đóng góp, vận hành tiền của do nhân dân đóng góp đến thi công, kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công trình như thế nào. Một khi các tổ chức trong hệ thống chính trị đã vào cuộc, tư tưởng của nhân dân được khơi thông, sức mạnh nhân dân được phát huy thì phong trào hiến đất mở đường giao thông nông thôn đạt được kết quả cao.

Nhân dân xã Nghi Kiều làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đồng Bính Định
Nhân dân xã Nghi Kiều làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đồng Bính Định

Hiện nay, toàn xã Nghi Lâm đã phát huy tối đa nội lực cộng đồng, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, với nguồn lực hơn 192 tỷ đồng, trong đó, nhân dân hiến trên 2.300 m2 đất, tường bao, công trình khác, trị giá trên 123 tỷ đồng, đóng góp trên 11 nghìn ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng chỉnh trang nhà văn hóa và các công trình vui chơi công cộng. Đến nay, toàn xã có 11,1 km đường liên xã được nhựa hóa, bê tông đạt chuẩn, gần 45 km đường liên xóm, nội xóm được bê tông hóa, mặt đường rộng từ 3-4m, đảm bảo lưu thông thuận tiện. Các trục đường liên xã, liên xóm được lắp đặt biển báo giao thông, gờ giảm tốc tại các nút giao nhau với trục tỉnh lộ và trục đường xã. Trên 11 km đường qua khu dân cư được lắp đặt đèn chiếu sáng và đường cờ; Hệ thống công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, hệ thống điện được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, 12/12 nhà văn hóa, thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn theo quy định.

Nhờ sự quyết tâm, quyết liệt và có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác dân vận nên xã Nghi Lâm đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 này.

Từ các mô hình “khéo” vận động nhân dân trong hiến đất mở đường, huy động tiền của, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn ở các xã Nghi Lâm, Nghi Thiết, Nghi Xá và nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Nghi Lộc cho thấy, phong trào rất hiệu quả, thiết thực hợp với “ý Đảng, lòng dân”, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, từ những kết quả trên cũng cho thấy “sức dân như sức nước”, ở đâu nhân dân đồng thuận thì tất cả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được thực thi hiệu quả và đi vào cuộc sống.

HIỆN HỮU NHỮNG CON ĐƯỜNG Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong những năm qua, việc thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện luôn được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm, nhất là chỉ tiêu, mục tiêu xây dựng huyện Nghi Lộc trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Để hoàn thành được chỉ tiêu khó đó, một trong những tiêu chí mà nhân dân huyện Nghi Lộc đặc biệt quan tâm, đó là tiêu chí giao thông. Việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao là một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển nông thôn mới nâng cao. Hệ thống giao thông không chỉ đơn thuần là những con đường kết nối các thôn, xóm, làng và các khu vực với nhau, mà còn là xương sống cho sự phát triển kinh tế và đời sống của người dân địa phương. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần phải có sự đồng hành và hỗ trợ từ cộng đồng dân cư, trong đó, có 3 lĩnh vực cần quan tâm, đó là vận động nhân dân hiến đất, kêu gọi, vận động tiền của và huy động lực lượng đóng góp ngày công.

bna_xóm 5 nghi hưng Nghi lộc00000.png
Những con đường khang trang, sạch sẽ, phấp phới cờ hoa ở xóm 5, xã Nghi Hưng. Ảnh: CSCC

Ðể có được sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi người dân là nhờ Ðảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã đồng thuận, nhất trí cao từ chủ trương đến thực hiện, luôn công khai, minh bạch. Qua đó, giúp nhân dân thấy được lợi ích mang lại cho chính họ, từ đó, bà con đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của. Nếu hơn 10 năm trước, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm với những con đường “nắng bụi, mưa lầy”, thì đến hôm nay nhiều con đường liên thôn, liên xóm, liên xã ở huyện Nghi Lộc đã được nâng cấp, mở rộng, phục vụ nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán. Trong 3 năm qua, toàn huyện đã cứng hóa được trên 225,416 km đường giao thông nông thôn các loại, trong đó, giao thông nông thôn 154,117 km, giao thông nội đồng 71,299 km và thực hiện phong trào hiến đất mở đường giao thông, toàn huyện đã vận động nhân dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, với số tiền là 1,865 tỷ đồng, đóng góp 90,775 ngày công, hiến 24,705m2 đất.

Với chủ trương đúng đắn về xây dựng NTM, cùng với sự đồng lòng, chung sức của người dân, những tuyến đường giao thông nông thôn kiên cố đã và đang được các địa phương nối dài, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững.

Có thể khẳng định, phong trào hiến đất, huy động sức dân để làm đường giao thông ở huyện Nghi Lộc đã mang lại hiệu quả thiết thực, với những tuyến đường thẳng tắp, khang trang, rộng rãi, sáng - xanh - sạch - đẹp đã giúp cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân được thuận tiện, góp phần tạo đà cho huyện Nghi Lộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghi Lộc
Một góc thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Nghi Lộc: Ý Đảng - lòng dân nối đường hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO