Nghị lực của 1 gia đình có 3 người khiếm thị

12/12/2017 09:27

(Baonghean) - Một thuở, vợ chồng chị được mệnh danh là “vợ chồng chị Dậu”, còn bây giờ chị được nhiều biết đến là một chi hội trưởng nông dân năng động, một điển hình vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, làm điểm tựa và ánh sáng dẫn dắt 3 thành viên bị mù trong gia đình.

Một thời thậm khổ

Sau 5 năm yêu và chờ đợi, năm 1986, chị Võ Thị Hải (SN 1964) đã chính thức về sum họp một nhà khi anh Phạm Văn Liên được xuất ngũ trở về địa phương ở xóm 4, xã Hưng Chính (thành phố Vinh). Trước đó, thương con, sợ con vất vả vì biết gia đình anh Liên nghèo nên bố mẹ chị Hải phản đối cuộc hôn nhân. Nhưng chị khẳng định với bố mẹ rằng: “Con yêu và con tin có sức mạnh của tình yêu chúng con sẽ vượt qua tất cả”.

Chị Hải và người mẹ chồng 91 tuổi đã bị mù mắt từ 17 năm nay. Ảnh: Hà Linh
Chị Hải và người mẹ chồng 91 tuổi đã bị mù mắt từ 17 năm nay. Ảnh: Hà Linh

Về nhà chồng, gọi là “nhà” nhưng chỉ như túp lều tranh, vách đất, mọi vật dụng phục vụ cho cuộc sống đều thiếu thốn nhưng chị chẳng một lời than thở. Khi sinh con đầu lòng hai vợ chồng vẫn phải ăn sắn trừ bữa. Vất vả, thiếu thốn nên người chị ngày càng quắt queo, nhỏ thó. Vợ chồng chị khổ đến nỗi người làng gọi là “vợ chồng chị Dậu”.

Nhà chị Hải nghèo đến nỗi tận lúc đã trên 50 tuổi, khi cuộc sống đã khấm khá chị cũng không quen ăn cơm thịt, cá chứ chưa nói đến những món cao lương mĩ vị nào khác. Quanh năm chỉ cơm dưa cà, cả năm may có vài lần ghé vào chợ để mua chút thức ăn ngày lễ Tết hoặc khi có chồng hay con ốm đau. Mà có thức ăn chị cũng chỉ để dành cho chồng, cho con chứ chị thì chẳng bao giờ động đũa tới.

Con gái Phạm Thị Quỳnh Trang phải đeo kính 12 độ nhưng cũng phải đi chừng theo quán tính. Ảnh: Hà Linh
Con gái Phạm Thị Quỳnh Trang phải đeo kính 12 độ nhưng cũng phải đi chừng theo quán tính. Ảnh: Hà Linh

Khó khăn hơn khi những người con của anh chị cũng không được bình thường. Trong 3 đứa con thì chỉ có con gái đầu lòng Phạm Thị Hiền (SN 1988) lành lặn, con thứ hai là Phạm Văn Đức (SN 1990) gầy như que củi, năm lên 7 tuổi, Đức đột nhiên phát bệnh về mắt, con ngươi bỗng dưng tròn và nhô ra như cái bóng điện, đi bệnh viện khám được chỉ định phải mổ sớm nếu không sẽ nổ và mù vĩnh viễn. Không có tiền, nhà không có tài sản để thế chấp nên chị nhờ người họ hàng đứng tên vay quỹ tín dụng 12 triệu đồng.

Năm 1997, Đức được mổ mắt bên phải, sau 2 tháng điều trị, vừa về nhà, 4 ngày sau hiện tượng tương tự với con mắt bên trái, lại phải ra Bệnh viện Mắt Hà Nội để mổ. Năm 2004, số nợ vay mổ mắt cho Đức chưa trả hết thì đến lượt Phạm Thị Quỳnh Trang (con gái út) phát bệnh giống như anh trai. Đi khám thì không phải mổ mắt, nhưng một mắt đeo kính 12 độ, một mắt 12 độ rưỡi.

Lớn lên Trang cũng được đi học nhưng không nhìn được chữ để đọc cũng không viết được, học đến lớp 3 đành phải nghỉ. Năm 2010, anh Phạm Văn Liên được phát hiện bị ung thư gan, biết mình không sống được lâu, anh nhất quyết không đi bệnh viện để chữa trị, sợ vay mượn nợ nần vợ con thêm khổ cực. Không đành lòng nhìn chồng đau đớn, chị Hải âm thầm vay mượn tiền của anh em, họ hàng để đưa chồng đi bệnh viện. 3 năm ốm đau anh Phạm Văn Liên mất để lại một gánh nợ cho vợ.

Không khuất phục đói nghèo

Anh Liên ra đi, chị mất một chỗ dựa cả vật chất lẫn tinh thần rất lớn. Nợ nần chồng chất, mẹ chồng 91 tuổi bị mù lòa nằm một chỗ trên giường đã 17 năm. Con trai cả Phạm Văn Đức lập gia đình sinh được hai con trai, một cháu bị nhiễm trùng máu, một cháu bị còi xương và người vợ không có việc làm. Đức phải gia nhập hội người mù của tỉnh làm nghề tẩm quất để nuôi bản thân.

Con gái út của chị Hải là Quỳnh Trang cũng mò mẫm trong bóng tối, thêm người em gái của chồng không có gia đình về ở cùng. Nhà đông người nhưng chỉ có người ăn không có người làm, chưa kể tiền thuốc, nhiều lúc trong nhà không có lấy một bơ gạo để nấu cháo...

Cán bộ Hội Nông dân TP. Vinh và xã Hưng Chính kiểm tra đàn gà úm giống của chị Võ Thị Hải. Ảnh: Hà Linh
Cán bộ Hội Nông dân TP. Vinh và xã Hưng Chính kiểm tra đàn gà úm giống của chị Võ Thị Hải. Ảnh: Hà Linh

Nhà có một sào ruộng, nhiều người thấy gia đình chị Hải đói khổ đã cho mượn đất, chị nhận làm tới một mẫu (10 sào). Từ khi chồng mất, một mình chị bươn chải ngoài đồng. Sáng chưa rõ mặt người đã đi, tối xóm làng đã lên đèn chị mới vác cuốc về, cắm cúi làm lụng chẳng mấy khi ngước mặt lên. Hết mùa vụ chị lại đi buôn khoai, hàng xáo, đi làm bún thuê…, quanh năm suốt tháng xóm làng chẳng mấy khi gặp mặt chị.

Trước hoàn cảnh và những nỗ lực của chị Hải, năm 2013, Hội Nông dân thành phố Vinh đã bình xét, cấp cho chị 100 con gà giống J.Dabaco 11 ngày tuổi và thức ăn từ nguồn vốn quỹ “Vì người nghèo” cùng các chương trình trình tập huấn và tài liệu nuôi gà an toàn sinh học từ Chương trình hỗ trợ nông dân thoát nghèo. Việc nuôi gà không tốn nhiều vốn, chỉ cần áp dụng tốt kỹ thuật thì những thành viên bị khuyết tật trong gia đình đều có thể tham gia.

Nhờ chăm chỉ với hướng làm ăn mới, năm 2015 gia đình chị thoát nghèo. Với nguồn vốn và tiền lãi ban đầu, chị tiếp tục mở rộng chăn nuôi gà lên tới gần 250 con; ngoài ra còn mua gà giống một ngày tuổi về úm để cung cấp cho các hội viên khác.

Từ những việc làm cụ thể của mình, chị Hải không chỉ xóa nghèo cho gia đình, trả hết nợ nần mà còn được bầu làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ của Chi hội 4. Trên cương vị này, chị đã hướng dẫn cho các hội viên khác nuôi gà hướng an toàn sinh học thành công, giúp hàng chục hội viên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Quang Trung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Chính cho biết: Chị Hải đã vực dậy một chi hội nông dân nhiều năm yếu kém với nhiều hội viên có cuộc sống khó khăn nay đã thoát nghèo.

Hà Linh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghị lực của 1 gia đình có 3 người khiếm thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO