Nghị lực tuyệt vời của người đàn ông nhiễm dioxin
(Baonghean.vn) - Đó là anh Chu Công Hoan, người được bà con trong xóm gọi vui với cái tên là "Hoan xe bò". Bằng nghị lực tuyệt vời anh đã vượt qua khó khăn của bản thân để xây dựng một mái ấm vững bền, hạnh phúc.
Không may mắn khi sinh ra bị phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin từ người cha từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị (năm 1972) vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, nhưng bằng nghị lực tuyệt vời, anh Chu Công Hoan (SN 1983), trú tại xóm 2, xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) đã tự lập xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
Anh Hoan và cậu con trai kháu khỉnh Chu Đình Minh Châu. Ảnh: Thu Hiền |
Men theo con đường nhỏ thuộc xóm 2, xã Diễn Mỹ, chúng tôi tìm đến gia đình anh Chu Công Hoan - người tàn tật bẩm sinh về vận động. Chúng tôi đến đúng lúc người anh Hoan đang chơi với các con mình. Tuy không thể phát âm rõ ràng nhưng nhìn cách mà anh ôm các con vào lòng và cưng nựng chúng mới thấy niềm vui, ấm áp của người cha tàn tật này. Căn nhà nhỏ vốn ngập tràn tiếng cười nói.
Mời khách cốc nước chè ấm nóng, anh Hoan trải lòng: “Với một người tàn tật như tôi thì lấy vợ, có con là điều hết sức xa xỉ. Niềm hạnh phúc nhỏ tưởng chừng như không thể có được ấy đã đến. Tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác”.
Năm 2010, anh Hoan kết duyên cùng chị Lê Thị Tiến (SN 1989) trong sự chúc phúc của họ hàng hai bên. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi chị Tiến sinh được hai người con trai, đặt tên là Chu Đình Minh Châu (SN 2011) và Chu Đình Minh Nhật (SN 2013). Cả hai em từ khi sinh ra cho đến nay đều phát triển bình thường, khỏe mạnh. Đó là điều mà anh Hoan thấy hạnh phúc nhất.
"Ban đầu tôi rất lo các con sinh ra sẽ như bố nó. Nhưng thật may mắn…” -anh Hoan nhìn các con với ánh mắt chứa chan hy vọng.
Để có tiền nuôi vợ và 2 con ăn học, hàng ngày trên chiếc xe bò do anh mày mò tự chế, anh rong ruổi khắp các ngóc ngách của làng quê. Ai thuê kéo gì thì anh kéo nấy. Vì thế mà anh được mọi người trong làng gọi vui với cái tên “Hoan xe bò”. Dường như đó là cách người ta nhớ đến chàng trai tàn tật này.
Anh Chu Công Hoan bên chiếc xe tự chế của mình. Ảnh: Thu Hiền |
Nhận thấy công việc kéo xe bò vất vả lại cho thu nhập thấp, năm 2013, anh Hoan quyết định vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Trên diện tích gần 2.000m2 thuê lại của xã, anh Hoan đã đào 2 sào ao để nuôi cá, xây chuồng chăn nuôi gia súc gia cầm. Hiện nay, trong chuồng của gia đình có 15 con lợn, 1 con bò và hàng trăm con gia cầm như ngan, gà, chim bồ câu,... Từ mô hình chăn nuôi này, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 50 triệu đồng. Một số tiền lớn đối với một người tàn tật như anh.
Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi, anh Hoan gặp rất nhiều khó khăn như nguồn vốn, giá nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ,... Anh cho biết, cuối năm 2017, giá thịt hơi giảm mạnh dẫn đến lỗ vốn. Tuy nhiên, anh không nản chí mà vẫn tiếp tục kiên trì.
Lựa chọn mô hình chăn nuôi, đào ao thả cá để phát triển kinh tế gia đình, ban đầu anh Hoan gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên đến nay đã cho thu nhập 50 triệu đồng/năm. Ảnh: Thu Hiền |
Với một người bình thường, để xây dựng được một mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm không phải đơn giản, huống hồ anh lại là một người tàn tật. Song, vượt qua bao trắc trở, khó khăn, được anh em, bạn bè giúp đỡ, giờ đây anh Hoan đã có một công việc ổn định và một gia đình như mơ.
“Được chính quyền địa phương và bà con giúp đỡ, tôi đã chịu khó học hỏi những người đi trước để làm kinh tế, nuôi sống vợ con. Với người khác thì em không biết nhưng với tôi tàn nhưng không phế. Tôi sẽ cố gắng sống tốt để lo cho gia đình và có ích cho xã hội” - anh Hoan chia sẻ.
Được chính quyền địa phương và bà con giúp đỡ, anh Hoan đã xây dựng mô hình chăn nuôi mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Thu Hiền |
Được biết, anh Hoan là con thứ ba trong một gia đình thuần nông. Bố mẹ anh đều đã từng là những người lính anh dũng, ngoan cường trên chiến trường những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Tuy không may mắn như anh chị mình vì khi sinh ra đã bị nhiễm chất độc da cam nhưng bằng nghị lực tuyệt vời của mình giờ đây, anh Hoan đã xây dựng cho riêng mình một mái ấm vững bền và hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) cho biết: “Anh Chu Công Hoan là người giàu ý chí và nghị lực sống. Tuy tàn tật bẩm sinh nhưng anh đã vươn lên, lao động không ngưng nghỉ để nuôi sống bản thân và gia đình. Anh Hoan là tấm gương cho nhiều người trong xã học tập”.