Nghị quyết Quốc hội phần về môn Lịch sử hiểu ra sao?

01/12/2015 10:07

Nghị quyết của Quốc hội có ghi: “Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới". Vậy cần phải hiểu vấn đề này như thế nào?

Vừa rồi Quốc hội có bỏ phiếu ra nghị quyết sau cùng, trong đó có một câu: “Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới". Bỏ qua chuyện vì sao lại có câu này trong nghị quyết, chúng ta có thể phân tích hệ quả của câu này như sau:

- Nếu theo đúng từ của nghị quyết thì có thể hiểu đơn giản rằng, trong chương trình SGK mới đã bỏ đi môn Lịch sử và bây giờ nghị quyết này yêu không bỏ, giữ lại.


Thật ra môn Lịch sử không hề "bị bỏ đi" trong chương trình SGK mới mà chỉ được thể hiện trong một mô hình mới với các tên gọi mới. Do vậy nếu hiểu theo nghĩa đen đơn giản này thì câu nói trên trong nghị quyết không có giá trị gì cả.

- Có thể hiểu theo một nghĩa "rộng" hơn, câu nói trên có ý nghĩa là trong chương trình SGK mới cần giữ lại tên gọi môn "Lịch sử".

Thật ra, tên gọi "Lịch sử" không hề bị mất hay bỏ đi trong chương trình SGK mới. Với cấp THPT, môn Lịch sử còn nguyên, với cấp Tiểu học và THCS, tên môn tổng hợp được thay đổi thành "Khoa học Xã hội" hay "Tìm hiểu xã hội" thì các phân môn, chủ đề kiến thức "Lịch sử" vẫn còn nguyên, do đó, ngay cả với ý nghĩa "rộng" này, nghị quyết trên của quốc hội cũng không có ý nghĩa gì cả.

- Có thể hiểu theo một nghĩa "bóng" khác nữa là câu nói trên của nghị quyết có nghĩa là trong chương trình SGK mới cần tách phân môn Lịch sử ra khỏi môn tích hợp "Tìm hiểu xã hội" và "Khoa học xã hội" ở cấp Tiểu học, THCS. Chỗ này chắc sẽ còn tranh cãi nhiều nữa. Nếu thực sự lãnh đạo cao nhất muốn như vậy thì Bộ GD&ĐT có thể đổi tên các môn "Tìm hiểu xã hội" và "Khoa học xã hội" thành "Lịch sử - Địa lý" hoặc "Khoa học về Lịch sử - Địa lý" thì vẫn bảo đảm được ý tưởng của đổi mới chương trình giáo dục và vẫn vừa lòng các nhà nghiên cứu lịch sử.

- Cũng có thể có một phương án nữa, nửa vời hơn là trong chương trình đổi mới sắp tới, Bộ GD&ĐT chỉ đổi mới phần các môn khoa học tự nhiên, còn các môn khoa học xã hội thì giữ nguyên như cũ không cần đổi mới gì cả, thế là vừa lòng nhất tất cả mọi người trong xã hội.

nghi quyet quoc hoi phan ve mon lich su hieu ra sao? hinh 0
Ảnh minh họa

Thật ra, thời gian vừa qua có cuộc tranh cãi nảy lửa (đúng ra chỉ là một phía, từ phía các nhà khoa học lịch sử) với Bộ GD&ĐT về môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục mới. Có 2 điều:

1. Các nhà khoa học lịch sử đã hiểu sai về ý nghĩa và vai trò của môn Lịch sử trong chương trình SGK mới. Với việc tích hợp phân môn Lịch sử trong môn Khoa học Xã hội ở cấp Tiểu học và THCS, các nhà nghiên cứu lịch sử đã hiểu nhầm rằng Bộ GD&ĐT không coi trọng lịch sử, thậm chí còn phê phán nặng Bộ GD&ĐT là có ý định “khai tử môn Lịch sử”. Đã có nhiều chuyên gia vạch rõ các hiểu nhầm này từ phía các nhà nghiên cứu lịch sử.

2. Trong chương trình SGK mới, môn học Lịch sử ở cấp THPT (là cấp được thiết kế để phân hóa các môn học khoa học) được coi là môn học tự chọn tương tự như tất cả các môn khoa học khác (trừ Văn, Toán, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân). Với thiết kế này, các nhà nghiên cứu lịch sử đang đấu tranh dữ dội để cho môn Lịch sử phải được học bắt buộc như các môn Văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân. Nhưng ý kiến này lại chưa được phản ánh trong nghị quyết của Quốc hội.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghị quyết Quốc hội phần về môn Lịch sử hiểu ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO