Nghị quyết về 'ba cây chủ lực' ở Tào Sơn - Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ngay sau khi đại hội Đảng bộ xã lần thứ 18, xã Tào Sơn đã xây dựng nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 26 tháng 4 năm 2015 về phát triển kinh tế- xã hội sát với thực tế của địa phương. Trong đó tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí kế hoạch sản xuất đạt hiệu quả cao, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Chúng tôi về xã Tào Sơn khi bà con nông dân đang vào mùa thu hoạch bí. Những cánh đồng trước đây là lúa, là ngô thì nay đã ngập sắc xanh mướt của bí xanh. Gia đình ông Đào Văn Thi - Thôn 6 - Tào Sơn là một trong nhiều hộ dân ở xã thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhận thấy cây bí xanh là một loại cây lấy quả dễ trồng, tốn ít vốn, lại cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2013 gia đình ông Thi đã chuyển toàn bộ 6 sào đất trồng ruộng sang trồng bí.
Những năm qua, diện tích trồng bí xanh của xã Tào Sơn luôn duy trì từ 40- 45 ha với hơn 200 hộ dân tham gia trồng. |
Sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, đến nay, toàn bộ diện tích bí xanh của gia đình ông đã cho thu hoạch với năng suất đạt 1 tấn/sào. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được thương lái đến thu mua ngay tại ruộng, với giá hiện tại từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi sào cho thu lãi gần 10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Trong cơ cấu chuyển đổi cây trồng, những năm qua, diện tích trồng bí xanh của xã Tào Sơn luôn duy trì từ 40- 45 ha với hơn 200 hộ dân tham gia trồng. Tập trung nhiều ở xóm 5 và 9. Với năng suất 1 ha đạt 20 tấn thì cây bí đang mang lại khoản thu nhập tới 240 triệu đồng/ha.
Mướp đắng mới được người dân Tào Sơn đưa vào trồng thử nghiệm nhưng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Trong nghị quyết đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015- 2020 xã tiếp tục đưa cây bí xanh và một số cây trồng khác có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thành cây hàng hóa nâng diện tích lên từ 75 đến 80 ha.
Cây trồng được người dân Tào Sơn chuyển đổi từ những ruộng lúa, khoai, sắn kém hiệu quả sang trồng hiện nay nữa là mướp đắng.
Chị Lê Thị Báo, thôn 8 xã Tào Sơn, một trong những nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng ở Tào Sơn chia sẻ: “Nhận thấy mô hình trồng mướp đắng mang lại hiệu quả cao hơn các loại cây trồng khác mà lại phù hợp với đồng đất ở đây, nên gia đình chị đã mạnh dạn chuyển sang trồng mướp đắng.
Hiện nay, mướp đắng rất sai quả, sản lượng ước tính khoảng 1 tấn quả/sào, với giá bán hiện tại từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí với diện tích 2 sào đã mang lại cho gia đình chị thu nhập từ 15- 20 triệu đồng, cao hơn so với trồng các loại cây màu khác.
Bên cạnh chuyển đổi các cây trồng bí xanh và mướp đắng, cây trồng chuyển đổi không thể không nhắc đến ở Tào Sơn là gấc lai. Dựa vào đặc tính của cây gấc lai dễ trồng, không kén đất, đầu ra ổn định, nên những năm gần đây mô hình trồng gấc bắt đầu hình thành ở Tào Sơn và đã giúp cho nhiều bà con có thêm nguồn thu nhập.
Mô hình chuyển đổi trồng gấc lai ở xã Tào Sơn là mô hình mới do Công ty Cổ phần thực phẩm Nghệ An hợp đồng với Hội Nông dân xã thực hiện. Được triển khai trồng vào tháng 4/ 2014, hiện nay, toàn xã có 54 hộ gia đình trồng gấc với diện tích gần 6 ha.
Ông Hoàng Văn Cầm chủ tịch hội nông dân xã Tào Sơn cho biết: Qua 2 năm triển khai, mô hình đạt mỗi năm 8-9 tạ/sào, cho thu nhập từ 15- 20 triệu đồng/sào. Để tạo niềm tin cho bà con trong chuyển đổi cây trồng mới, trước khi đưa giống gấc lai vào trồng công ty đã tổ chức cho 32 hộ tham gia trồng gấc được đi tham quan mô hình tại Quỳ Châu nên bước đầu đã tạo niềm tin để bà con an tâm đầu tư vào cây gấc.
Để thay đổi cách nghĩ, cách làm nhằm có những mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả, xã Tào sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, hàng năm xã thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các cây con, giống mới vào sản xuất; xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể phù hợp với địa phương để tổ chức thực hiện. Mặt khác tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông... Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáng kể.
Trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ thực tiễn, đồng chí Hoàng Đình Sơn- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương được Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ này. Vì vậy, đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo chỉ đạo có hiệu quả. Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế được Tào Sơn chú trọng ở tất cả các xóm. Tùy thuộc vào điều kiện về địa hình, thổ nhưỡng của từng khu vực, từng xóm, Tào Sơn có những hướng chuyển đổi khác nhau để chọn cây trồng có thế mạnh để đầu tư sản xuất. Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tào Sơn thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nguồn thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 24,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,3% %. |
Huyền Trang -Thái Hiền
Đài Anh Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|