Nghĩ về chữ "khéo" trong một bài báo của Bác
(Baonghean) - Kết thúc bài báo "Dân vận", Bác viết: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Có thể nói đây là chân lý. Có điều đặt ra là tại sao Bác dùng chữ "khéo" mà không dùng các chữ khác như "tốt", "giỏi", "hay"...? Bên trong và ẩn đằng sau chữ khéo" là những gì Bác Hồ muốn nói, muốn dặn dò, muốn nhắc nhở, muốn lưu tâm đối với chúng ta.
Trong 6 lời dạy của Bác đối với Công an nhân dân, Bác dùng thêm từ "khôn" trước từ "khéo" (Đối với địch phải cương quyết khôn khéo), còn trong "Dân vận", Bác chỉ dùng một chữ khéo". Tại sao không viết dân vận khôn khéo? Không thể viết (và nói) như thế, bởi viết thêm từ "khôn" là hoàn toàn không ổn, nếu không muốn nói viết thế là không tôn trong dân.
Muốn "khéo" dẫu là khéo ăn, khéo nói, khéo làm (mọi việc) hoàn toàn không đơn giản. Trong "khéo" có văn hoá, có tri thức, có sự nhạy cảm, có sự kiên trì rèn luyện, có học hỏi tích luỹ kinh nghiệm... Cho nên, muốn dân vận khéo, mỗi chúng ta, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi tổ chức phải có đủ những điều ấy. Dân vận muốn khéo, trước hết phải có kiến thức thực tiễn, vốn sống phong phú và cái tâm trong sáng, cao đẹp khi làm việc, tiếp xúc với dân.
Có thể nêu ra rất nhiều dẫn chứng về điều này. Dân vận nói đơn giản là vận động quần chúng thực hiện theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Dân vận là trực tiếp làm việc, tiếp xúc với dân, do vậy phải thực sự hiểu dân và đồng cảm với dân. Muốn làm cho dân hiểu, dân nghe thì người làm công tác dân vận phải có kiến thức tích lũy nhất định trong thực tiễn. Điều này là hết sức cần thiết, bởi vì nhân dân nhìn chung có trình độ dân trí chưa cao, nói chuyện với họ bằng truyền đạt lý thuyết, lý luận là khó mang lại hiệu quả, khó hiểu, mà phải bằng kinh nghiệm thực tiễn, trực quan sinh động. Do vậy, vốn sống phong phú của người cán bộ dân vận có vai trò quan trọng đến hiệu quả công tác dân vận.
Vậy là, dân vận không đơn thuần chỉ là "cách", bởi cũng có cách khéo và cách vụng. Đến đây, xin so sánh một chút dân vận với việc "cho". Cho ai cái gì đó quan trọng không chỉ dừng lại ở cho bao nhiêu, cho cái gì mà quan trọng hơn là cho như thế nào? Có cách "cho" làm cho người nhận trân trọng, cảm động và ghi nhớ mãi. Có cách "cho" làm cho người nhận cảm thấy bình thường, miễn cưỡng và rất chóng quên. Nói như thế để đi đến điều sau đây là: Dân vận khéo không chỉ đơn giản là cách thức dân vận, mà còn phải là tấm lòng dân vận, là phương pháp, vốn liếng dân vận của từng người, từng cơ quan, từng tổ chức. Dân vận khéo thì trước hết phải thật, là phải thật lòng, thật bụng với dân. Muốn thật với dân, trước khi thật với dân thì phải thật với mình cái đã. Nghĩa là những điều gì, việc gì mà mình cảm thấy không tốt, không ổn, không thể được thì đừng thuyết phục dân làm. Hãy đặt mình là người dân để làm công tác dân vận. Ngoài ra, cũng có điều xin được nói thêm là uy tín, hình ảnh của người cán bộ làm công tác dân vận ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc làm dân vận...
Phải dân vận khéo thì mọi việc mới thành công. Và để làm được dân vận khéo thì phải trở lại cái gốc: Yêu nước, thương dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Cái gốc đó chính là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh!
Tô Hồng Hải