Nghị viện châu Âu thông qua luật quản lý trí tuệ nhân tạo

Phan Văn Hòa (Theo CNBC, CNN)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 13/3 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã tạo nên bước ngoặt lịch sử khi thông qua luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới.

anh-minh-hoa-630.jpg
Ảnh minh họa.

Đây được xem là một bước tiến táo bạo trong việc định hình tương lai của AI, luật này khi chính thức ban hành sẽ đặt ra khuôn khổ cho việc phát triển và sử dụng AI một cách có đạo đức và có trách nhiệm.

Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được sự đồng thuận chính trị tạm thời vào đầu tháng 12 năm ngoái, sau đó, dự luật được thông qua chính thức trong phiên họp của Nghị viện diễn ra vào ngày 13/3 vừa qua, với 523 phiếu thuận, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng.

Thierry Breton -Ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội bộ đã viết trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng: “Châu Âu bây giờ là nơi thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu về AI”.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Roberta Metsola mô tả đạo luật này là bước đi tiên phong, cho biết nó sẽ cho phép đổi mới sáng tạo, đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản. “AI đã là một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Giờ đây, nó cũng sẽ là một phần của luật pháp”, bà viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Trong khi đó, Dragos Tudorache - một nhà lập pháp đã giám sát các cuộc đàm phán của Liên minh châu Âu về thỏa thuận đã ca ngợi thỏa thuận này, nhưng lưu ý rằng, trở ngại lớn nhất vẫn là việc thực thi nó.

Ra đời vào năm 2021, dự thảo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của EU (EU AI Act) phân loại trí tuệ nhân tạo theo mức độ rủi ro, từ “không thể chấp nhận” là mức độ sẽ khiến công nghệ bị cấm, đến rủi ro cao, trung bình và thấp.

Luật đầu tiên trên thế giới về lĩnh vực AI sắp sửa định hình lại cách thức các doanh nghiệp và tổ chức ở châu Âu sử dụng công nghệ này cho mọi thứ, từ các quyết định chăm sóc sức khỏe đến hoạt động cảnh sát. Luật này áp dụng lệnh cấm toàn diện đối với một số cách sử dụng “không thể chấp nhận” của công nghệ AI, đồng thời đặt ra các quy định nghiêm ngặt đối với các ứng dụng khác được coi là “rủi ro cao”.

Luật này cũng cấm sử dụng AI để dự đoán cảm xúc của mọi người trong trường học và nơi làm việc, cũng như một số loại phân tích hồ sơ tự động nhằm dự đoán khả năng một người phạm tội trong tương lai.

Trong khi đó, luật phân ra một danh mục riêng biệt về các cách sử dụng AI “rủi ro cao”, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, tuyển dụng và tiếp cận các dịch vụ của chính phủ. Đối với các trường hợp này, luật đưa ra một bộ riêng các nghĩa vụ minh bạch và các nghĩa vụ khác.

Luật cũng áp dụng các yêu cầu tiết lộ mới đối với các công ty như OpenAI, những đơn vị phát triển các mô hình AI mạnh mẽ, phức tạp và được sử dụng rộng rãi.

Luật này dự kiến có hiệu lực vào cuối nhiệm kỳ lập pháp vào tháng 5 tới, sau khi vượt qua các kiểm tra cuối cùng và nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Châu Âu.

Trước đây, một số quốc gia EU đã ủng hộ tự điều chỉnh thay vì các biện pháp hạn chế do chính phủ dẫn đầu, giữa lo ngại rằng, các quy định hà khắc có thể tạo ra rào cản cho tiến bộ của châu Âu trong việc cạnh tranh với các công ty Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ. Những người phản đối bao gồm Đức và Pháp, nơi đặt trụ sở của một số công ty khởi nghiệp AI đầy hứa hẹn của châu Âu.

EU đang nỗ lực để theo kịp tác động của các phát triển công nghệ đối với người tiêu dùng và vị thế thống trị thị trường của các công ty chủ chốt.

Tuần trước, Liên minh đã đưa ra luật cạnh tranh mang tính bước ngoặt nhằm kiềm chế các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ. Theo Đạo luật thị trường kỹ thuật số, EU có thể trấn áp các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty công nghệ lớn và buộc họ phải mở rộng dịch vụ trong các lĩnh vực mà vị thế thống trị của họ đã kìm hãm các đối thủ nhỏ hơn và bóp nghẹt quyền tự do lựa chọn của người dùng.

Sáu công ty bao gồm những gã khổng lồ của Mỹ là Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và Bytedance của Trung Quốc đã được đưa vào danh sách các “người gác cổng”.

Những lo ngại về khả năng lạm dụng AI đang gia tăng, ngay cả khi các ông lớn như Microsoft, Amazon, Google và nhà sản xuất chip Nvidia đang hối thúc đầu tư vào AI.

Các chính phủ lo ngại về khả năng sử dụng các video hoặc ảnh giả mạo do AI tạo ra, được gọi là deepfakes, trong thời gian diễn ra hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng trên toàn cầu trong năm nay.

Một số bên ủng hộ AI đã tự điều chỉnh hoạt động để tránh thông tin sai lệch. Ngày 12/3 vừa qua, Google tuyên bố sẽ hạn chế các loại câu hỏi liên quan đến bầu cử có thể được đặt cho chatbot Gemini của mình, cho biết họ đã thực hiện các thay đổi này ở Mỹ và Ấn Độ.

“Đạo luật AI đã thúc đẩy sự phát triển của AI theo hướng con người kiểm soát công nghệ và nơi công nghệ sẽ giúp chúng ta tận dụng những khám phá mới để tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và khai mở tiềm năng của con người”, nhà lập pháp Tudorache nói trên mạng xã hội vào ngày 12/3.

Ông Tudorache cho biết thêm: “Đạo luật AI không phải là điểm kết thúc của hành trình, mà là điểm khởi đầu cho một mô hình quản trị mới được xây dựng xung quanh công nghệ này. Bây giờ chúng ta cần tập trung năng lực chính trị để biến nó từ luật trên sách vở thành hiện thực”.

Các chuyên gia pháp lý mô tả đạo luật này là một cột mốc quan trọng đối với quy định AI quốc tế, lưu ý rằng nó có thể mở đường cho các quốc gia khác noi theo.

“Một lần nữa, EU là nơi tiên phong, phát triển một bộ quy định rất toàn diện”, Steven Farmer -đối tác và chuyên gia AI tại công ty luật quốc tế Pillsbury cho biết.

Mark Ferguson -chuyên gia chính sách công tại Công ty Luật đa quốc gia Pinsent Masons (Vương quốc Anh) nói thêm rằng, việc thông qua đạo luật chỉ là sự khởi đầu, và các doanh nghiệp sẽ cần hợp tác chặt chẽ với các nhà lập pháp để hiểu cách thức thực hiện nó khi công nghệ phát triển nhanh chóng này tiếp tục biến đổi.

tin mới

Hé lộ thực tế về chế độ ẩn danh của Google và quyền riêng tư trực tuyến

Hé lộ thực tế về chế độ ẩn danh của Google và quyền riêng tư trực tuyến

(Baonghean.vn) - Chế độ ẩn danh của Google là một tính năng phổ biến trên trình duyệt Chrome. Nó được cho là giúp người dùng duyệt web riêng tư hơn bằng cách không lưu lịch sử duyệt web, cookie hoặc dữ liệu trang web. Tuy nhiên, mức độ bảo mật của chế độ ẩn danh có thể khiến nhiều người bất ngờ.

10 quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo

10 quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo

(Baonghean.vn) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với thế giới xung quanh. Các quốc gia trên toàn cầu đang đổ nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển AI, với mục tiêu trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này.

10 người phụ nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ

10 người phụ nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ

(Baonghean.vn) - Lĩnh vực công nghệ từ lâu được xem là sân chơi của nam giới, với những định kiến về sự phức tạp, khô khan và đòi hỏi tư duy logic mạnh mẽ. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng xuất hiện và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực này.

TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ

TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ

(Baonghean.vn) - Một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Mỹ đã đưa ra dự luật vào ngày 5/3 vừa qua, yêu cầu ByteDance của Trung Quốc phải bán ứng dụng video ngắn TikTok trong vòng 6 tháng nếu không muốn bị cấm tại Mỹ.

4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng

4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng

(Baonghean.vn) - Ngày nay, tội phạm mạng không ngừng dùng các thủ đoạn tinh vi để tấn công dữ liệu nhạy cảm của các doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng các chiến lược để bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.