Pháp luật

Nghĩa Đàn loay hoay với dự án nhà máy nước

Tiến Đông 20/12/2024 15:05

Được quan tâm đầu tư xây dựng để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, thế nhưng sau hơn 10 năm khởi công, nhà máy nước tại huyện Nghĩa Đàn vẫn chưa thấy đâu.

Nhu cầu bức thiết

Năm 2007, huyện Nghĩa Đàn chính thức được chia tách thành thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn. Theo đó, huyện Nghĩa Đàn mới chuyển trung tâm huyện lỵ về xã Nghĩa Bình (trước đây là nông trường 1/5). Kể từ sau khi chia tách, huyện Nghĩa Đàn đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Trong đó việc xây dựng nhà máy nước sạch là một trong những hạng mục được ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, ngày 29/5/2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2317/QĐ.UBND-CN về việc cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn. Đến ngày 18/10/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 4041/QĐ.UBND-ĐTXD, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn. Dự án này do UBND huyện Nghĩa Đàn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Dự án được triển khai tại xã Nghĩa Bình, với công suất 5.000m3/ngày đêm, hứa hẹn sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch theo nhu cầu về phát triển của trung tâm huyện lỵ mới của huyện Nghĩa Đàn và vùng phụ cận.

Hồ chứa nước thô trơ đáy. Ảnh: Tiến Đông
Nhà máy nước Nghĩa Đàn sau hơn 10 năm khởi công chỉ mới xây dựng được 2 dãy nhà, 2 hồ chứa nước thô. Ảnh: Tiến Đông

Theo thiết kế, dự án này gồm các hạng mục: trạm bơm cấp I và tuyến ống cấp nước thô từ hồ sông Sào về khu xử lý; khu xử lý công suất 5.000m3/ngày đêm trên diện tích 13.263,77m2; mạng lưới cấp nước gồm đường ống truyền tải phân phối, dịch vụ và đấu nối vào các hộ gia đình.

Vào năm 2013, công trình Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn đã chính thức được triển khai xây dựng. Người dân Nghĩa Đàn vui mừng khi chuẩn bị được sử dụng nước, thay cho nguồn nước khoan bị nhiễm phèn. Vậy nhưng, sau một thời gian khởi công và xây dựng được 2 dãy nhà và 2 bể chứa nước thô, dự án đã bị ... "đắp chiếu".

Khu vực xây dựng nhà máy nước trở thành địa điểm chăn thả trâu, bò. Ảnh: Tiến Đông
Khu vực xây dựng nhà máy nước trở thành địa điểm chăn thả trâu, bò. Ảnh: Tiến Đông

Có mặt tại khu vực thực hiện dự án, chúng tôi nhận thấy rằng, trên khu đất rộng, ngoài các hạng mục đã xây dựng và bỏ không thì xung quanh toàn là cỏ dại. Do không có tường rào bảo vệ nên khu vực này trở thành nơi lý tưởng để người dân… chăn thả trâu bò.

Hỏi chuyện một người dân sống cạnh dự án thì được biết, vào năm 2013 công trình được khởi công rầm rộ, nhưng sau khi xây dựng được mấy hạng mục thì dừng lại.

Theo người dân địa phương, dự án này khởi công từ năm 2013, nhưng sau một thời gian thì dừng lại. Ảnh: Tiến Đông
Theo người dân địa phương, dự án này khởi công từ năm 2013, nhưng sau một thời gian thì dừng lại. Ảnh: Tiến Đông

Loay hoay thực hiện

Sau thời gian "đắp chiếu" quá lâu, Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn đã được UBND tỉnh cho chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư công sang hình thức đầu tư đối tác công - tư theo hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), tại Công văn 7761/UBND-DTXD ngày 29/10/2015. Đến ngày 24/11/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1721/QĐ-UBND.CNMT phê duyệt đề xuất Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Nghĩa Đàn theo hình thức BOT.

Sau khi công bố quy hoạch xây dựng nhà máy nước mới, đồng thời được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện dự án tại Quyết định 5533/QĐ-UBND ngày 8/11/2016. Từ năm 2017, UBND huyện Nghĩa Đàn tiến hành thông báo mời thầu rộng rãi thực hiện dự án này, đến đầu năm 2018 đã chốt được nhà thầu triển khai.

bna_25.jpg
Ngày 1/2/2016, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 666/UBND- ĐTXD về việc dừng thi công dự án Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn bằng nguồn đầu tư công, để chuyển sang hình thức đầu tư BOT. Ảnh: Tiến Đông

Do trong quá trình tham gia sơ tuyển lựa chọn nhà thầu chỉ có liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ Môi trường HQ - Công ty Cổ phần xây dựng và Phát triển kinh doanh mua và nộp hồ sơ. Ngay sau đó, liên danh này chính thức trở thành nhà đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Nghĩa Đàn.

Theo tìm hiểu trên thực tế, từ năm 2016, khi có chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư công sang hình thức BOT, cũng chính Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ Môi trường HQ là đơn vị tổ chức quy hoạch, giới thiệu công nghệ xử lý và khảo sát nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn.

Quy hoạch
Quy hoạch Nhà máy nước Nghĩa Đàn theo hình thức BOT. Ảnh: Tiến Đông

Theo quy hoạch Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn mới sẽ được xây dựng tại xóm Hải Bình, xã Nghĩa Bình trên tổng diện tích hơn 2,8 ha, trong đó trạm bơm nước thô có tổng diện tích đất quy hoạch là 400m2. Nhà máy này có tổng công suất lắp đặt là 30.000m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 có công suất 15.000 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 hoàn thành công suất 30.000 m3/ngày đêm theo thiết kế.

Cũng như dự án trước, nhà máy này dự kiến phục vụ nước cho thị trấn Nghĩa Đàn, các vùng lân cận và các dự án, các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm. Ngoài việc đặt nhà máy ở địa điểm mới gần với hồ sông Sào, dự án mới này sẽ tận dụng cả hạ tầng từ dự án trước đó.

Mặc dù được kỳ vọng cao, nhưng đã gần 10 năm kể từ ngày được cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Nghĩa Đàn vẫn đang dẫm chân tại chỗ.

nhà máy
Theo thiết kế, hạ tầng của dự án cũ sẽ trở thành trạm trung chuyển nước của dự án BOT mới. Ảnh: Tiến Đông

Cần giải quyết dứt điểm

Trong khi Nhà máy nước huyện Nghĩa Đàn chưa biết bao giờ hoàn thành thì hiện tại người dân tại địa phương này vẫn đang tiếp tục phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt tại khu vực thị trấn Nghĩa Đàn, nơi tập trung rất nhiều các cơ quan, đơn vị và khu dân cư đông đúc nhưng vẫn phải sử dụng nguồn nước khoan.

Đi sâu tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết, vào ngày 7/9/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 4331/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020. Điều đáng nói là thời điểm xây dựng đề án này, có 3/21 đô thị, người dân chưa được sử dụng nước sạch từ hệ thống cung cấp nước sạch tập trung là thị trấn Nghĩa Đàn, thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) và thị xã Hoàng Mai. Trong Quyết định 4331, UBND tỉnh cũng xác định nhiệm vụ đến năm 2017 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Nghĩa Đàn theo hình thức BOT, đến năm 2020 thì hoàn thành giai đoạn 2.

Bên trong một dãy nhà của dự án nhà máy nước cũ. Ảnh: Tiến Đông
Bên trong một dãy nhà của dự án nhà máy nước cũ. Ảnh: Tiến Đông

Vậy nhưng thời điểm hiện tại, khi nhà máy nước tại thị trấn Kim Sơn và thị xã Hoàng Mai đã đi vào hoạt động, thì tại Nghĩa Đàn, đơn vị đầu tư vẫn còn "loay hoay" trong việc chọn địa điểm lấy nước thô đầu vào - yếu tố then chốt để khởi động xây dựng dự án. Và dự án này cũng chưa biết là sẽ dừng lại hay tiếp tục.

Ông Trần Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Hiện nay chưa có quyết định dừng dự án xây dựng Nhà máy nước theo hình thức BOT hay chuyển sang một hình thức khác. Theo ông Hà thì khó khăn lớn nhất là việc lấy nước thô từ hồ sông Sào, nếu lấy nước thô từ sông Hiếu đoạn tại thị xã Thái Hoà (cách hơn 25km) thì chi phí sẽ quá cao. Ngoài ra còn có phương án đấu nối nguồn nước sạch của thị xã Thái Hoà vào nhưng cho đến nay cũng chưa thực hiện được.

Việc đầu tư xây dựng nhà máy nước nhưng không thể hoàn thành là điều hết sức lãng phí. Ảnh: Tiến Đông
Việc đầu tư xây dựng nhà máy nước nhưng không thể hoàn thành là điều hết sức lãng phí. Ảnh: Tiến Đông

Chậm trễ trong việc xây dựng nhà máy nước tại Nghĩa Đàn là vấn đề cần giải quyết dứt điểm, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nước sạch ngày càng cấp thiết, và cùng với đó là việc huyện Nghĩa Đàn đang trên đà xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nếu tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe của người dân do sử dụng nguồn nước không đạt các chỉ số an toàn.

Mới nhất

x
Nghĩa Đàn loay hoay với dự án nhà máy nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO