Nghĩa vụ trả nợ tăng vì nợ công có thể tăng lên 3,1 triệu tỷ đồng
Báo cáo về nợ công của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, nợ công năm 2017 dự kiến có thể tăng lên 3,1 triệu tỷ đồng từ mức trên 2,8 triệu tỷ của năm 2016, tương đương 62,6%GDP.
Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nợ công năm 2016 là 2,8 triệu tỷ đồng (bằng 63,6%GDP), trong đó, nợ Chính phủ là 2,3 triệu tỷ đồng (bằng 52,6%GDP), nợ được Chính phủ bảo lãnh là 461 nghìn tỷ đồng (bằng 10,25%GDP), nợ Chính quyền địa phương là 34 nghìn tỷ đồng (bằng 0,76%GDP).
Về cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ chiếm 82,7%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 16,1% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,2%.
Nợ công vẫn tiếp tục tăng
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2016 tiếp tục tăng lên so với năm trước và gần ngưỡng Quốc hội cho phép.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm trên cơ sở kế hoạch vay và trả nợ công năm 2017 và tình hình thực hiện đến 30.9.2017, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 62,6%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,8%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2%GDP, trong giới hạn được Quốc hội cho phép.
Như vậy, so với năm 2016 nợ công năm 2017 có thể tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng.
“Nợ công dù tăng thêm về con số tuyệt đối nhưng lại giảm nếu so với tỷ trọng GDP (từ mức bằng 63,6% GDP năm 2016 xuống còn 62,6% GDP năm 2017). Trong đó, nợ Chính phủ khoảng 51,8%GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2%GDP, nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích.
Theo người đứng đầu ngân khố quốc gia, để kiểm soát nợ công, Chính phủ đã triển khai đồng loạt các biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ, đảm bảo nợ công trong mức an toàn, trong đó có chủ trương tạm dừng xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án mới.
Chẳng hạn, năm 2016 chỉ cấp bảo lãnh Chính phủ cho 1 dự án đường dây truyền tải với tổng trị giá 170 triệu USD, giảm mạnh so với năm 2015; thẩm định chặt chẽ các dự án đăng ký sử dụng vốn vay, đặc biệt là các dự án vay mới,...
“Việc trả nợ của Chính phủ được thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và trả nợ vay về cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần củng cố mức tín nhiệm quốc gia”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích thêm.
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, tuy nợ công dự kiến đến cuối năm 2018 vẫn trong giới hạn cho phép, song Chính phủ kiên quyết cần rà soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh vay nợ của Chính phủ.
“Cần tăng cường quản lý, giám sát vay nợ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công trong điều kiện bức tranh về ngân sách nhà nước không nhiều khả quan, thiếu vững chắc”, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội lưu ý.
Cụ thể tỷ lệ huy động GDP thông qua thuế, phí vào ngân sách nhà nước giảm, tỷ lệ thu nội địa tăng thấp, bội chi có xu hướng tăng, khả năng trả nợ gốc của ngân sách trung ương còn hạn chế.
“Đây thực sự là những khó khăn cần tập trung khắc phục trong những năm tới, bảo đảm việc hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 đã đề ra, đặc biệt không để vượt mức trần nợ công 65% GDP đã được Quốc hội quyết định”, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội lưu ý.
Nghĩa vụ trả nợ tăng
Năm 2016, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước bằng 14% tổng thu ngân sách nhà nước và nếu tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu ngân sách nhà nước (nằm trong giới hạn được duyệt là không quá 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước).
Tuy nhiên báo cáo cũng thừa nhận rằng hệ số thanh toán trả nợ nói trên “là khá cao, đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của ngân sách nhà nước”.
Đơn cử, năm 2016 tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là hơn 250 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là hơn 260 nghìn tỷ đồng.
Công tác trả nợ của Chính phủ năm 2017 được thực hiện chặt chẽ, trả nợ đúng hạn đầy đủ theo đúng các cam kết của Chính phủ với nhà tài trợ. 9 tháng đầu năm nay đã trả được hơn 213 nghìn tỷ đồng.
Để kiểm soát tốt nợ công, một loạt giải pháp cũng được Chính phủ đề ra. Cụ thể tiếp tục quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, tập trung vào việc huy động vốn bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước trong khung cân đối ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đáng chú ý, Chính phủ khẳng định quan điểm vay nợ dành cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ...
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ của doanh nghiệp (cả vay trung, dài hạn và ngắn hạn) theo hình thức tự vay tự trả trong giới hạn được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018.
Cụ thể, hạn mức vay thương mại trung và dài hạn của của doanh nghiệp hàng năm tối đa là 5,5 tỷ USD, mức độ tăng tối đa hàng năm của dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 8-10%.
Theo Báo Dân Việt
TIN LIÊN QUAN |
---|