Nghịch lý… !
(Baonghean) - Khoảng chục năm trở lại đây, giáo dục được coi là lĩnh vực kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn. Vì thế, các...
(Baonghean) - Khoảng chục năm trở lại đây, giáo dục được coi là lĩnh vực kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn. Vì thế, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề đua nhau mọc lên như nấm với nhiều hình thức liên kết, phối hợp, đào tạo nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực mà chẳng cần quan tâm đến việc xã hội thực sự có nhu cầu sử dụng họ hay không? Cùng với việc mở ra nhiều khoa ngành hấp dẫn, các trường còn có nhiều chiêu thức hút thí sinh, trong đó có chiêu "lôi kéo" những em trượt các nguyện vọng 1, 2… để tuyển làm sao đủ số lượng, mở lớp đào tạo, bởi cái mà nhiều nhà trường quan tâm nhất vẫn là lợi nhuận chứ không thực sự quan tâm đến nhu cầu thực tế đất nước. Thế mới có việc số lượng sinh viên ra trường hàng năm thì rất nhiều nhưng số tìm được việc làm thì chẳng được bao nhiêu.
Mấy ngày gần đây, báo chí lại tiếp tục đưa tin gây sốc: hàng nghìn thí sinh ở Nghệ An không đậu nguyện vọng 1, cũng như không vượt qua điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định, vẫn nhận được hàng chục giấy báo trúng tuyển, nhập học của các trường cao đẳng, trung cấp mà các em không hề dự thi.
Thậm chí, nhiều em không thi đỗ tốt nghiệp THPT vẫn nhận được giấy báo nhập học. Đó là những câu chuyện bi hài, nực cười mà có lẽ chỉ có ở nền giáo dục Việt Nam. Chúng ta chưa thể đạt được tầm cỡ như nền giáo dục của một số nước tiên tiến trên thế giới, có thể tiến tới phổ cập ĐH trong nay mai mà cơ bản vẫn phải thông qua thi tuyển để chọn những thí sinh có học lực phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo, phục vụ sự nghiệp xây dựng, đổi mới và bảo vệ Tổ quốc. Vậy những chuyện bi hài trên phải lý giải thế nào? Một anh bạn làm công tác tuyển sinh cho một trường đại học tư thục trải lòng: Các trường tư thục đa phần có mức đóng học phí cao ngất ngưởng nhưng lại tung ra nhiều chiêu maketing hấp dẫn như cam kết ra trường sẽ có việc làm, học bổng giá trị cao, tặng máy tính xách tay đầu năm học cho một số đối tượng sinh viên… Trước mỗi kỳ thi, bộ phận tuyển sinh của các trường này sẽ có cách để nắm được danh sách học sinh ở một số trường THPT, lượng thí sinh thi vào các trường khác, để nếu trường mình chưa tuyển đủ thí sinh thì sẽ tìm để chiêu sinh đủ số lượng.
Lại nói thêm về chuyện thi cử, học hành trước ngưỡng cửa ĐH. Hóa ra, cứ học hết THPT là con em chúng ta có rất nhiều cơ hội để bước vào cổng trường ĐH, CĐ, TC dù có thi hay không? Một điều đáng lo ngại là, chúng ta đang quá quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực từ “trên ngọn” mà "quên mất" việc định hướng hình thành nhân cách, hành vi, năng lực của con người ngay từ thuở bé. Trong khi các em học hết THPT là có ngay giấy báo nhập học thì ở cấp giáo dục mầm non, chúng ta từng chứng kiến, từng thấy và nghe về câu chuyện các ông bố, bà mẹ phải “chầu chực” trước cổng trường mầm non để đến lượt đăng kí cho con mình được học bởi “số lượng có hạn”. Ngày trước, để bước chân vào các trường ĐH là cả một kỳ tích, nhưng thời nay, để chen chân được vào các trường mầm non chất lượng mới thực sự là … điều kỳ diệu.
Võ Dũng