Nghịch lý sau tăng lương: Giá giảm - hàng tồn
Lương tăng, giá không tăng
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, số người được hưởng lương từ ngân sách trong cả nước hiện lên tới gần 6,1 triệu người, và sẽ có thêm khoản tiền 49.300 tỉ đồng được tung vào lưu thông mỗi năm theo hệ thống lương. Được biết, từ năm 2003 đến nay, đã có 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu với mức tăng đã nâng từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng (của năm 2011) và cứ mỗi lần tăng lương, lại có đợt giá cả biến động rất mạnh. Nhưng đợt tăng lương này, diễn biến giá cả đã không như thông lệ, các mặt hàng nhu yếu phẩm gần như không tăng, thậm chí có những mặt hàng còn giảm giá gần 50%.
Tại chợ đầu mối Phía Nam - Đền Lừ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai (Hà Nội) sáng 17.5, các tiểu thương than vãn rất nhiều về hàng hóa năm nay ế ẩm. Nhiều mặt hàng giá chỉ còn bằng 1/2 so với cùng kỳ. Ghi nhận giá bán các mặt hàng tại chợ đầu mối so với các chợ bán lẻ cũng không chênh lệch nhiều: Trứng gà từ 1.600đ - 2.000đ/quả, trứng vịt 2.000đ - 2.400đ/quả, cua đồng 70.000đ/kg về các chợ khoảng 150.000đ/kg và các loại rau như rau mồng tơi và rau cải ngọt từ 2.000đ - 4.000đ/kg, giá su su tại ruộng chỉ 500đ/kg nhưng đến chợ đầu mối là 1.500đ -2.000đ/kg.
Còn tại TPHCM, mặc dù giá đã giảm nhiều đợt và đang đứng ở mức thấp, nhưng thị trường thịt heo vẫn có sức tiêu thụ thấp. Giá heo hơi từ mức 55.000 đồng/kg vào tháng 3, hiện chỉ còn khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước đang có chiều hướng giảm giá trở lại, hiện gạo thơm Thái, thơm Ðài Loan dao động ở mức 19.000 - 20.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tính đến tháng 4.2012 tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái cũng đang là nguồn cung cần thoát hàng để thu hồi vốn, đã góp phần đẩy giá thị trường xuống. Theo bà Đặng Quỳnh Đoan - TGĐ Cty thời trang Việt Thy - sức mua quần áo may sẵn hiện yếu hơn khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều Cty may mặc, thời trang cho biết, lượng hàng tồn kho hiện chiếm khoảng 50 - 70% tổng lượng hàng bán ra.
Lương tăng, giá hạ, người hưởng lương được hưởng lợi. Do thu nhập được cải thiện trong khi nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm giá, nên “chuyện ăn” của công nhân vùng ĐBSCL được cải thiện đáng kể. Anh chị em công nhân ở KCN Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, những ai có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng mới ăn cá tra, trên mức đó thường chọn ăn các món như thịt heo, tôm, cá rô... Giá cá tra đạt chuẩn xuất khẩu hiện chưa tới 25 ngàn đồng/kg, loại “quá lứa, thịt vàng” còn rẻ hơn nhiều. Một ký cá tra đủ cho 3 - 4 CN ăn cả ngày. Tính luôn cả gạo và các thứ, mỗi ngày họ chỉ mất tiền ăn chưa tới 20 ngàn đồng, “nhẹ nhàng” so với mức lương CN trung bình 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Sức mua đã kiệt?
Diễn biến của thị trường đang làm cho các nhà quản lý và những người sản xuất lo lắng, bởi tình trạng giảm phát đang âm thầm diễn ra. 4 tháng đầu năm 2012 đã có 17.735 DN giải thể hoặc đang ngừng hoạt động (tăng 9,5% so với cùng kỳ). Hàng hóa sản xuất ra không bán được, người dân cũng không có tiền để mua. Do vậy, giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm trong lúc này là tín hiệu không bình thường.
Hiện nay, hầu hết các siêu thị đều tung ra những chương trình khuyến mãi với lượng hàng giảm giá, tặng thêm sản phẩm, quà tặng lên đến 1.000 - 2.000 loại sản phẩm/đợt. Bà Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa - cho biết: “Nhóm hàng hoá mỹ phẩm hiện khuyến mãi rất mạnh tay, nhiều nhà sản xuất, cung cấp sẵn sàng khuyến mãi mua 1 tặng 1”. Trong khi đó, giám đốc một hệ thống siêu thị khác bật mí: “Đáng lo ngại nhất hiện nay là nhóm hàng thực phẩm đông lạnh. Hạn dùng của nhóm hàng này chỉ 3 - 6 tháng, nhưng do sức tiêu thụ thời gian qua chậm nên không ít doanh nghiệp đến nay còn tồn hàng sản xuất nhằm tung ra thị trường dịp tết, chỉ đến khoảng tháng 6 - 7.2012 là hết hạn dùng”. Mặc dù, nhiều sản phẩm trên thị trường khuyến mãi, giảm giá từ 5 - 50% nhưng vẫn khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Thanh Nhân - Phó TGĐ Saigon Co.op - cho biết: “Hiện nay xu hướng của NTD là chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thật sự cần thiết, phục vụ cho đời sống hằng ngày”.
Theo đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương, sức mua hàng hóa trên thị trường đã liên tục giảm trong thời gian qua. Cũng theo cơ quan này, dự kiến tháng 5.2012 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ chỉ tăng khoảng 0,15 - 0,2% so với tháng 4.2012, mức tăng này có tác động của việc tăng lương cơ bản từ 1.5, nhưng đây vẫn tiếp tục là mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước.
TS Lê Đăng Doanh: Coi chừng giảm phát. Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - không nên quá chủ quan vì mức lạm phát thấp. Thực tế, lạm phát thấp là do sức mua giảm mạnh, hàng hóa không bán được và lượng tồn kho cao. Tồn kho hàng hóa tăng 34%. Tồn kho cao làm nền kinh tế có thể rơi vào vòng xoáy nguy hiểm vì sản xuất đình đốn, DN phá sản, người lao động mất việc làm, tăng trưởng trì trệ. Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, hiện đang có một nghịch lý là mặc dù trần lãi suất huy động đã giảm về mức 12%/năm, nhưng một số DN vẫn không vay. Hàng nghìn DN tạm ngừng hoạt động không có nhu cầu vay vốn. Vòng quay đồng tiền đã giảm từ 2,5 xuống còn 0,8 cho thấy tiền tệ có dấu hiệu bị ngừng trệ. N.M (ghi) Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền: Nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa. Việc tăng lương từ 1.5 được xem như một xúc tác kích cầu tiêu dùng, khiến sức mua tăng chậm trước đó có đà tăng cao hơn. Để khuyến khích hơn nữa sức mua, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về tăng cường xúc tiến thương mại thị trường trong nước, các DN tích cực hưởng ứng cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN, mở rộng mạng lưới tiêu thụ đưa hàng hóa về nông thôn, tăng cường khuyến mãi sản phẩm... Nhận định về diễn biến CPI tháng 5.2012, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ không có tác động đột biến về giá cả, cung tăng so với cầu nên sẽ không có yếu tố cầu kéo để đẩy giá lên. Q.T (ghi) |
Theo Lao động - H