Ngộ về hạnh Từ Bi trong giáo lý nhà Phật

Huệ Ạnh 10/04/2019 15:44

(Baonghean) - Nhiều người đặt câu hỏi, bây giờ người ta đi chùa nhiều thế tức là sẽ có nhiều người tu, học theo Phật, sống lương thiện hơn?...

Triết lý từ bi, ái ngữ trong nhà Phật - Giải pháp cho các vụ bạo hành học đường.

Sao xã hội vẫn cứ phải đối mặt với không ít câu chuyện buồn xảy ra hàng ngày từ trong gia đình đến ngoài xã hội; nhẹ thì vì lời nói, cái nhìn, thái độ ganh ghét; nặng thì do tranh giành tài sản, lừa đảo, nợ tiền, cướp của, giết nhau?... Có những vụ đau lòng như ghen tuông mù quáng giết nhau, nghịch tử giết bố mẹ, chồng giết vợ con một cách tàn nhẫn hay ngược lại; rồi anh em, người thân sát hại nhau đôi khi chỉ vì những mâu thuẫn cỏn con trong cuộc sống...

Phải chăng những kẻ gây tội lỗi là người ích kỷ, chỉ biết mình, luôn cố chấp và không hiểu được giá trị của cuộc sống. Chưa nói đến ý nghĩa cao sâu trên tinh thần Từ - Bi - Hỷ - Xả và nhân quả báo ứng của đạo Phật mà đạo lý nhường nhịn, sống lương thiện, thương người như thể thương thân trong cuộc sống bình thường cũng không cho phép con người ta làm điều ác, sống trái với lương tâm. Nếu ai cũng thấm nhuần tư tưởng, tinh thần Từ - Bi - Hỷ - Xả của đạo Phật, chắc chắn sẽ bớt đi thái độ hung hăng, tránh được những việc làm tội lỗi, cùng nhau xây dựng cuộc sống nhân ái, chan hòa.
Theo giáo lý Phật giáo, thì pháp hành Từ - Bi - Hỷ - Xả là tài sản vô giá mà Đức Phật để lại cho nhân loại. Phật giáo lấy từ bi làm tôn chỉ và hoài bão của mình.

“Từ” là cho đi niềm vui. “Bi” là lòng thương xót trước nỗi đau khổ của chúng sinh. “Đồng thể đại bi” là thấy người khác chết đuối phải xem như chính mình bị chết đuối, thấy người khác đói như chính mình bị đói, thấy người khác khổ như chính mình gặp khốn khó.

Vì thế mà Đức Phật khuyên Phật tử hãy giúp chúng sinh thoát khỏi khổ ải, thấy người đau khổ phải cứu giúp, phải mang đến cho họ niềm vui sống. Thờ ơ trước nỗi đau của con người là đánh mất tinh thần cứu thế của đạo Phật. Có thể nói “Bi” là nhân và “Từ” là quả của “Bi”.
“Hỷ” là cái vui của người thực hiện được pháp hành từ bi. “Xả” là phát tâm cho chúng sinh sự vui vẻ, loại trừ cái khổ của chúng sinh và giúp họ trong hoàn cảnh khó khăn. Làm được như thế, mọi người sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, mừng vui. Muốn làm được điều đó, người theo đạo Phật phải bồi dưỡng Tứ Vô Lượng Tâm. Có Tứ Vô Lượng Tâm mới có thể giáo hóa chúng sinh, giúp chúng sinh thoát khổ tìm đến bờ vui. Tứ Vô Lượng Tâm chính là Từ - Bi - Hỷ - Xả. Vô lượng là không có hạn định, làm việc thiện, cứu giúp mọi người không bao giờ là đủ.

Các phật tử thăm chùa Tường Vân tại Huế. Ảnh: Đức Anh

Điều quan trọng là phải dùng tâm từ bi để cảm hóa người khác. Phải biết rằng “Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng”; “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan” mà có cách giúp họ hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn sám hối. Phải biết nhẫn để biến đao thương thành gấm vóc; mưa sẽ tạnh, trời sẽ trong, sóng cũng yên, gió cũng lặng. Trái lại, nếu không biết nhẫn, không bình tĩnh tìm cách hóa giải chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có thì tất cả đều bị tổn thương, thậm chí nguy hại đến tính mạng.
“Nhân chi sơ - tính bổn thiện”, con người vốn sẵn có đầy đủ Phật tính. Ai bỏ đi Phật tính ắt sẽ trở thành người xấu. Nhận ra Phật tính trong mình là cách để mỗi người giữ lòng trong sạch, biết buông bỏ những ham muốn tầm thường, không ganh ghét thù hằn với người khác. Khi có lòng từ bi, mọi người sẽ chung sống trong cảnh hòa bình an lạc. Người ta ai cũng có thể đạt đến chí thiện nếu biết tu hành chân chính. Gỗ quý hay củi gỗ thông thường, miễn là khô sạch, đốt lên đều sáng rực như nhau.

Một em nhỏ hân hoan khi được nhận lễ vật từ các sư thầy trong lễ cầu quốc thái dân an tại Chùa Đức Hậu. Ảnh: Đức Anh
Làm việc thiện bằng lời nói, hay sự yên lặng thích hợp do lòng tốt là mệnh lệnh, là một trong những phận sự của người Phật tử. Giáo lý Phật giáo dạy rằng: Hãy dùng lòng nhân ái và nhẫn nại để vượt lên sân hận, hãy lấy thiện chế ác, lấy sự hào phóng thắng tính keo kiệt, lấy đức trung thực thắng sự gian dối, với lòng khoan dung thù hận sẽ tiêu tan.
Phật giáo đã đưa Từ - Bi - Hỷ - Xả thành nguyên lý và luôn truyền giảng việc diệt trừ sân hận, tinh thần hòa hợp, tính khiêm nhường và khuyên con người chú tâm làm việc thiện, cứu giúp mọi người: “Chừng nào còn có sinh linh đau khổ thì không thể có niềm vui nào cho những ai mang trái tim nhân ái”.

Phật tử trong dự lễ Phật Thành Đạo, tưởng nhớ ngày thành đạo của Đức Phật với tất cả tấm lòng tôn kính. Ảnh tư liệu

Không chỉ giáo lý nhà Phật, mà Lão - Trang cũng luôn khuyên con người sống thiện, lấy an hòa để hóa giải cái xấu, cái ác. Trong đời mình, Lão Tử luôn đề cao chữ Từ, tức là yêu thương tất cả mọi người, có lòng độ lượng, thứ tha. Theo Lão Tử, “lấy oán báo oán là lẽ thường tình của người tầm thường; lấy luật báo oán thì cao hơn một bậc; lấy đức báo oán là thượng sách, là siêu phàm vì nó làm cho oán tiêu tan đi”. Còn Trang Tử thì dạy: Người tốt với ta, ta cũng tốt lại. Người ác với ta, ta cũng tốt lại. Ta đã không ác, người ác với ta được sao (Ư ngã thiện giả, ngã diệc thiện chi. Ư ngã ác giả, ngã diệc thiện chi. Ngã ký vô ác, nhân năng ư ngã hữu ác tai).

Phật tử đã làm lễ chánh niệm kỷ niệm Đức Phật thành đạo tại chùa Đức Hậu. Ảnh: Đức Anh
Quy luật có tự ngàn xưa chỉ ra rằng: Chỉ tự mình mới có thể cứu vớt được chính mình bằng những thay đổi tích cực trong nhận thức và lối sống. Hãy tu nhân tích đức, tránh xa lỗi lầm. Chớ cho rằng ác nhỏ mà làm, đừng vì lành nhỏ mà bỏ qua; trọn đời làm lành, e còn chưa đủ. Một buổi làm dữ, dữ đã có dư. Hãy thực hành hạnh Từ Bi và những lời dạy của các bậc hiền triết, sống thiện lương, nhân từ để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người.

Mới nhất

x
Ngộ về hạnh Từ Bi trong giáo lý nhà Phật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO