Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Âu: Giành ảnh hưởng từ Nga - Trung có dễ?

Phương Hoa 12/02/2019 21:07

(Baonghean) -Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến công du 3 nước Trung Âu gồm Hungary, Slovakia và Ba Lan.

Trong bối cảnh khu vực này dường như đã bị Mỹ “bỏ quên” trong khoảng chục năm qua, tạo điều kiện cho Nga và Trung Quốc gây dựng vị thế và ảnh hưởng, chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Pompeo được đánh giá là lời cam kết “quay trở lại” của Mỹ. Thế nhưng theo giới quan sát, chuyến công du là một nhiệm vụ không hề dễ dàng với ông Pompeo.

Tìm lại địa bàn “bị bỏ quên”

“Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Âu tái khẳng định vai trò tại khu vực”, “Ngoại trưởng Pompeo thăm châu Âu trong nỗi lo ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc”hay “Ông Pompeo cảnh báo rủi ro trong hợp tác với Huawei”… là những dòng tít nổi bật trên báo chí quốc tế những ngày qua.

Đáng chú ý, đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Mỹ đến Hungary kể từ sau chuyến thăm năm 2011 của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, và là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Mỹ đến Slovakia trong vòng 20 năm qua. Không khó để thấy được mục tiêu trọng tâm của chuyến công du Trung Âu lần này của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto tại Budapest, Hungary (Nguồn: AP)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto tại Budapest, Hungary. Ảnh: AP)

Trong cuộc họp báo trước chuyến thăm, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết, việc “bỏ quên” các nước Trung Âu, thiếu các cam kết mạnh mẽ tại khu vực này trong suốt 1 thập kỷ qua đã tạo ra khoảng trống cho Trung Quốc và Nga dễ dàng lấp đầy bằng nhiều cách.

Nhìn lại những năm qua, khi chính quyền Mỹ không mặn mà với Trung Âu, Nga và Trung Quốc đã kịp “in dấu” dấu ấn đậm nét tại khu vực này. Hiện nay, phần lớn nguồn khí đốt của Hungary là nhập từ Nga; trong khi nguồn điện chính của nước này cũng là từ nhà máy điện do tập đoàn Rosatom của Nga đầu tư lên tới khoảng 14 tỷ USD. Còn với Trung Quốc, Hungary cũng là một trong trong những quốc gia hưởng lợi nhiều từ Bắc Kinh.

Trước thực tế này, tại các điểm đến, ông Pompeo đã chỉ ra các vấn đề và nguy cơ liên quan đến sự phụ thuộc của Trung Âu vào năng lượng Nga cũng như sự hiện diện của Công ty công nghệ cao Trung Quốc Huawei, đặc biệt là tại Hungary.

Theo đó, sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga sẽ khiến các nước Trung Âu bị động và có thể đối diện các nguy cơ khủng hoảng năng lượng bất cứ lúc nào. Ông Pompeo cũng kêu gọi Hungary không hỗ trợ đương ống TurkStream - tuyến vận chuyển khí đốt chính của Nga đến châu Âu mà không qua Ukraine.

Trong khi đó theo Ngoại trưởng Mỹ, sự có mặt của tập đoàn Huawei bị đánh giá là tạo ra mối nguy cho an ninh trong khu vực, khi thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp.

Không những thế, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ đánh vào mối quan hệ khá chặt chẽ giữa Thủ tướng Hungary Victor Orban và Tổng thống Nga Putin, thậm chí “đánh tiếng” với các phe đối lập tại Hungary rằng, Budapest đang “làm ngơ” trước các hoạt động tình báo của Nga trên đất Hungary…

Đồng thời, Ngoại trưởng Pompeo cũng tập trung thảo luận các mối quan hệ quốc phòng, thúc đẩy các nước đa dạng hóa nguồn năng lượng khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Tại các điểm dừng chân khác, Ngoại trưởng Pompeo cũng hy vọng sẽ đảo chiều quan hệ, khiến cái bắt tay Mỹ - Trung Âu chặt chẽ và nồng ấm hơn.

Có thể nói, đây là thông điệp thiện chí mà Mỹ muốn gửi đến các đồng minh Trung Âu sau thời gian tập trung vào Trung Đông hay khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chuyến đi bão táp

Mục tiêu là vậy nhưng theo giới quan sát, chuyến công du của ông Pompeo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, do các nước Trung Âu hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào các nguồn năng lượng của Nga hay các dự án phát triển của Trung Quốc.

Biểu hiện là trong phát biểu đáp lại Ngoại trưởng Mỹ, Người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh, bất kỳ lời chỉ trích nào của Washington về quan hệ ngoại giao giữa Hungary với Nga đều sai lầm, bởi các nước châu Âu khác hiện cũng đang có các mối hợp tác năng lượng với Nga.

Ông Peter Szijjarto cũng khẳng định, Hungary vốn vẫn đang thực hiện nghĩa vụ với các quốc gia phương Tây với tư cách là thành viên của liên minh quân sự NATO.

Mặc dù vậy cũng có một số lợi thế như tại Hungary, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo có thể tìm thấy điểm chung với Thủ tướng Victor Orban, đó là người có quan điểm cứng rắn với người nhập cư giống như Tổng thống Donald Trump.

Cũng cần nhắc tới một mục tiêu khác mà Ngoại trưởng Pompeo đặt ra trong chuyến công du lần này, đó là hội nghị về “Tương lai hòa bình và an ninh ở Trung Đông” tổ chức tại Ba Lan.

Mục đích của Mỹ có thể nói là tạo một liên minh có thể chống lại Iran, bởi đây vốn là vấn đề đang gây chia rẽ và mâu thuẫn trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Có một thực tế là bản thân các quốc gia đầu tàu EU như Đức hay Pháp hiện có quan điểm về vấn đề Iran rất khác biệt với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cảnh báo các đồng minh Trung Âu cần cắt đứt quan hệ với tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Ảnh: Strait Times
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cảnh báo các đồng minh Trung Âu cần cắt đứt quan hệ với tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Ảnh: Strait Times

Trong lúc các nước đầu tàu và các nước bị cho là “hạng hai” của Liên minh châu Âu đang có nhiều khoảng cách và mâu thuẫn, chính quyền Mỹ thông qua chuyến thăm của ông Pompeo rõ ràng đang muốn nhân cơ hội lôi kéo các nước này về phía mình.

Dù ít ỏi, nhưng một thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Hungary, tạo điều kiện cho Budapest có thể mua các thiết bị quân sự của Washington trong chuyến thăm lần này, đã cho thấy những tiến triển nhất định trong quan hệ Mỹ - Hungary.

Cùng với đó là các sáng kiến mới của Mỹ cho khu vực, bao gồm cả việc chống tham nhũng hay củng cố sự phối hợp giữa cơ quan hành pháp hai nước... Không chỉ chìa “củ cà rốt” cho các nước Trung Âu, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng không quên kín đáo thò “cây gậy”.

Theo đó tại Hungary, ông Pompeo trong một phát biểu vừa kêu gọi “tẩy chay” Huawei, vừa ngầm cảnh báo các công ty nào nếu tiếp tục hợp tác với công ty của Trung Quốc có thể sẽ bị hạn chế trong việc tiếp cận các thiết bị của Mỹ.

Có thể nói, hâm nóng quan hệ với Trung Âu đang là một trong những mũi tên của chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

Tất nhiên, trước một đồng minh Mỹ với cả lợi ích và sức ép, còn một bên là Nga và Trung Quốc với rất nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, các nước Trung Âu như Hungary, Slovakia và Ba Lan sẽ không thể ngay lập tức đưa quyết định ngả về bên nào.

Vì thế có thể nói, dù chưa kết thúc nhưng chuyến công du Trung Âu lần này của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng mới chỉ là những bước dạo đầu mà thôi!

Mới nhất

x
Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Âu: Giành ảnh hưởng từ Nga - Trung có dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO