Ngoại trưởng Nga Lavrov: Mỹ đã 'chôn sống’ Hiệp ước ABM và toàn bộ hiệp ước quốc tế
(Baonghean.vn) - “Hãy nhìn xem, họ đã "chôn sống" Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002 và làm điều tương tự với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong năm nay - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trên kênh truyền hình Rossiya-24.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS |
Theo TASS, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 1/11 nói với kênh truyền hình Rossiya-24 rằng, nước Mỹ dường như đang tìm cách phá hoại toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược này.
“Những hành động gần đây của người Mỹ cho thấy họ sẽ rất vui khi phá hoại toàn bộ hệ thống hiệp ước quốc tế, ít nhất là trong lĩnh vực ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí”, Lavrov nói. “Hãy nhìn xem, họ "đã chôn sống" Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002 và làm điều tương tự với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong năm nay. Có nhiều thông tin rằng họ sắp sửa chính thức công bố rút khỏi Hiệp ước về bầu trời mở”, ông lưu ý.
Ông cũng chỉ ra thực tế rằng Washington đã quyết định không phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) và không đưa ra các đề xuất mang tính xây dựng về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
“Tôi nghĩ cộng đồng quốc tế cuối cùng sẽ lên tiếng ủng hộ cứu hệ thống bảo đảm ổn định chiến lược, bình đẳng và các thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí”, Lavrov nhấn mạnh. “Ít nhất, tại phiên họp đang diễn ra của Đại hội đồng Liên hợp quốc, chúng tôi đã đệ trình dự thảo nghị quyết kêu gọi các nước tìm kiếm sự nhất trí về các đường hướng tiếp cận mới nhằm khiến tất cả có thể cảm thấy an toàn hơn hiện nay”.
Đối thoại về vũ khí mới
Nhà ngoại giao cấp cao Nga cho biết thêm, Moskva không bác bỏ đối thoại với Washington về các vũ khí mới mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ hồi năm 2018.
“Nhìn chung, chúng tôi không bác bỏ các cuộc trao đổi về các vũ khí mới, các công nghệ tên lửa mới, bao gồm những cái mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố trong bài phát biểu thông điệp quốc gia năm 2018”, Lavrov nói. “Chúng tôi bị cáo buộc giấu diếm điều gì đó. Chúng tôi không che đậy điều gì, nhưng chúng tôi đang đề xuất thảo luận vấn đề này cùng các vấn đề khác trong khuôn khổ một cuộc trao đổi mở rộng chung về toàn bộ khía cạnh của sự ổn định chiến lược. Đây là lập trường rất rõ ràng, và người Mỹ đã được thông báo về nó”, ông lưu ý và nói thêm rằng “đến nay vẫn chưa có phản ứng thích hợp nào”.
Lavrov cho biết, Mỹ kiên quyết có sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc tham vấn này. “Nếu Trung Quốc đồng ý, chúng tôi sẽ vui vẻ mở rộng hình thức các cuộc tham vấn và đàm phán của mình. Tuy nhiên, nếu thế vấn đề nảy sinh, còn Anh và Pháp thì sao? Và đây mới chỉ là những cường quốc hạt nhân chính thức”, ông chỉ ra.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, Moskva sẽ không thuyết phục Bắc Kinh tham gia cuộc đối thoại này. Ông nói: “Các đối tác Trung Quốc đã nói với chúng tôi rằng cấu trúc các lực lượng hạt nhân chiến lược của họ về cơ bản khác của chúng tôi và của Mỹ. Điều này đúng. Họ sẽ không tham gia các cuộc đàm phán trong giai đoạn hiện nay. Thế thôi. Chúng tôi tôn trọng quan điểm này”.
Chiến lược an ninh châu Âu
Theo Lavrov, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác đang bắt đầu hiểu rằng Mỹ đang tìm cách lợi dụng họ để làm lợi cho lĩnh vực quốc phòng của mình chứ không phải muốn bảo vệ họ.
“Cho đến nay, tôi không thấy tín hiệu nào rằng các nước châu Âu có thể lên tiếng phản đối những âm mưu biến lãnh thổ của họ thành nơi diễn ra một cuộc xung đột vũ trang, có lẽ là trừ các sáng kiến mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy. Chúng tôi tin rằng đây là những sáng kiến hợp lý, đáng được lưu tâm và thảo luận bởi chúng liên quan đến việc xây dựng kiến trúc an ninh tại châu Âu cùng với Nga thay vì chống lại Nga”, bộ trưởng này giải thích.
“Đồng thời, Pháp cùng nhiều quốc gia châu Âu khác bắt đầu hiểu rằng, Mỹ đang tìm cách lợi dụng họ để làm lợi cho mình, mà trước hết là những lợi ích của lĩnh vực quốc phòng, và nước này không sẵn lòng bảo vệ châu Âu”, Lavrov nói, cho biết thêm rằng những nỗi lo sợ bắt nguồn từ “những tuyên bố cụ thể của ban lãnh đạo Mỹ”.