Ngôi làng có trăm hộ dân phải dùng nước mương

19/05/2017 09:50

(Baonghean.vn) - Chuyện thật như đùa khi hàng trăm hộ dân của một xóm đồng bằng phải sử dụng nước mương để uống, hằng ngày sống trong sợ hãi khi có hàng chục người đã chết vì bệnh nan y.

Cả xóm uống nước mương

Ông Trần Khắc Kiên, xóm trưởng xóm Ngọc Hạ (Công Thành, Yên Thành) tiếp chúng tôi bằng một tiếng thở dài: "Mương nước dẫn từ ba-ra Đô Lương chảy qua xóm vừa là nước tưới nông nghiệp lại vừa là nguồn nước ăn, uống, sinh hoạt của 117 hộ dân trong xóm. Nhiều khi, phía đầu nguồn trâu đi qua ngụp lặn, xác động vật trôi nổi nhưng phía cuối nguồn không biết vẫn múc nước về nhà đợi lắng để nấu ăn".

Một phần của hệ thống mương dẫn nước đi qua xóm Ngọc Hạ (Công Thành, Yên Thành). Ảnh: Thanh Quỳnh.
Một phần của hệ thống mương dẫn nước đi qua xóm Ngọc Hạ (Công Thành, Yên Thành). Ảnh: Thanh Quỳnh.

Nói đoạn, ông dẫn chúng tôi đến con mương của làng. Hiện tại vẫn chưa đến mùa hạn nhưng nước trong mương khá cạn, dòng nước yếu, đục và có mùi hơi tanh.

Qua quan sát thấy phần lớn diện tích của mương nằm sát hệ thống ruộng lúa của bà con mà không có phần ngăn cách. Trong khi đó, việc phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ...vẫn được tiến hành thường xuyên vào mỗi vụ lúa. Các dụng cụ phun thuốc cũng được xóc rửa tại đây.

Đầu con mương, cách ruộng lúa chừng 20 m, bà con trong xóm xây một bể xi măng nhỏ để lắng nước. Từ chiếc bể nhỏ này một đường ống được lắp đặt để dẫn nước mương về ao lắng. Từ ao, bà con tiếp tục lắp các đường ống nhỏ để dẫn nước về nhà mình.

dfjjyti
Đầu con mương, người dân lắp đặt hệ thống ống dẫn ngầm chảy về ao lắng. Ảnh: Thanh Quỳnh.

Tuy nhiên, khi mùa hạn đến, ba-ra Đô Lương dừng cấp nước thì mương cũng khô cạn.

Thiếu nước, bà con đã tiến hành khoan giếng. Khổ nỗi hàng chục chiếc giếng khoan ở đây đều không thể sử dụng vì nguồn nước bị nhiễm phèn, đóng váng, rất chua và mặn.

Biện pháp cuối cùng là xây bể nước. Tuy nhiên lượng nước mưa này cũng chỉ đủ để ăn, uống chứ không đủ để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt khác. "Có phải nhà ai cũng đủ tiền để xây bể to mô, bao nhiêu khoản chi tiêu chỉ dựa vô mấy sào ruộng. Cả xóm tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến 25%, cao gần nhất xã rồi", ông Kiên ngậm ngùi cho biết.

frhtyi
Từ ao lắng, nước được dẫn về bể chứa của các hộ dân. Ảnh: Thanh Quỳnh

Theo chia sẻ của người dân trong xóm, từ khi lập làng thì nguồn nước mương chảy qua xóm là nguồn nước chính để bà con sản xuất, sinh hoạt. Thời gian trước nguồn nước rất trong, mát và sạch. Chỉ hơn chục năm nay là nước mới dần cạn kiệt và dần mất vệ sinh.

Khi người dân sợ...bệnh viện

Ông Trần Khắc Ngạn, từng là Y sỹ trong quân đội, năm nay đã về hưu gần 6 năm nhưng hằng ngày vẫn phải làm bác sỹ "bất đắc dĩ" cho lũ trẻ trong xóm. Ông cho biết, tháng nào cũng có gần chục cháu đến khám vì mắc các bệnh về tiêu hóa, viêm đường hô hấp trên và các loại bệnh ngoài da.

Ông còn cho biết thêm: "Chỉ trong 5, 6 năm trở lại đây đã có hơn 10 người chết vì bệnh ung thư. Đa phần đều chết trẻ, trong đó có cháu Lương Thị Tâm cũng mới qua tuổi 21 được vài tháng…Trong xóm hiện vẫn có đến 4 thanh niên đang phải nằm viện để điều trị ung thư. Người dân cho rằng chính ô nhiễm nguồn nước là tác nhân chính gây nên căn bệnh này ".

ghku
Chị Đặng Thị Trường (sinh năm 1973) hiện đang điều trị bệnh ung thư tử cung. Nguồn nước của gia đình được dẫn từ ao chứa của làng và lắng qua bể cát nhỏ. Ảnh: Thanh Quỳnh

Theo chỉ dẫn của ông Ngạn, chúng tôi đến nhà của chị Đặng Thị Trường, hiện tại chị đang điều trị bệnh ung thư tử cung.

Chị cho biết, 4 năm trở lại đây sức khỏe suy giảm nhiều. Nếu như trước đó việc đồng áng một tay chị lo lắng thì giờ đến việc nhà chị cũng không làm nổi. Đầu năm nay chị quyết định đi khám thì phát hiện ung thư.

Chị kể, trong làng giờ nhiều người ốm đau nhưng không dám đi... bệnh viện khám, vì đi rồi lại sợ mình mắc bệnh ung thư. Vậy nên chấp nhận sống yên ổn được ngày nào thì sống...

Chính quyền địa phương nói gì?

Làm việc với xã Công Thành, ông Hồ Phi Hòe, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Công Thành là một trong những địa phương thiếu nguồn nước sạch trầm trọng nhất của huyện Yên Thành. Hiện toàn bộ 22 xóm của xã đều phải sử dụng những nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Hệ thống giếng khoan, giếng đào cũng rất khó sử dụng do nhiễm phèn. Đặc biệt tại các xóm như Ngọc Hạ, Đồng Hiền, Ngã Tư...thì tình hình càng gay gắt.

Trước thực trạng trên, xã đã xây dựng kế hoạch trình lên UBND huyện để xây dựng nhà máy nước để cung cấp nước sạch cho người dân trong xã và các vùng lân cận. Tuy nhiên, vấn đề chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai bởi nguồn kinh phí khá hạn hẹp.

Do vậy, trước mắt chính quyền địa phương đang tiến hành hướng dẫn bà con cách lọc, lóng nước đúng kỹ thuật. Nghiêm cấm việc xóc rửa các dụng cụ phun thuốc đầu nguồn nước và thường xuyên tiến hành khơi thông, vệ sinh dòng chảy tại các kênh, mương cấp nước. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời và chưa cải thiện được nhiều thực trạng hiện nay."

dhgrtu
Người dân chủ yếu tự lọc nước qua các vật liệu cát, sỏi mà trước khi sử dụng. Ảnh: Thanh Quỳnh.

Theo ông Phan Duy Thanh - Giám đốc Nhà máy nước Thị trấn (trực thuộc UBND huyện Yên Thành) thì chỉ lóng nguồn nước thô qua các vật liệu như cát, sỏi mà không có chất trợ lắng và khử trùng thì nước vẫn tồn tại nhiều tạp chất nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt, càng nguy hiểm hơn khi có ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc người dân xử lý các công đoạn phun hóa chất cho cây trồng chưa đúng quy trình khiến chúng hòa lẫn vào các mạch nước ngầm hoặc kênh, mương liền kề.

Mùa hè năm nay đã cận kề và được dự đoán sẽ nắng nóng gay gắt hơn những năm trước, bà con xóm Ngọc Hạ cũng như nhiều địa phương khác lại bắt đầu trăn trở cùng nỗi lo thiếu nước. Hy vọng, trong tương lai gần các cấp chính quyền sẽ sớm chung tay cùng người dân để nỗi lo ấy không còn hiện hữu.

Được biết, toàn huyện Yên Thành có trên 10 nhà máy nước lớn nhỏ trực thuộc UBND huyện, Trung tâm Nước sạch & VSMTNT hoặc trực thuộc các xã trong chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng hiện tại chỉ có 7 nhà máy đang vận hành hiệu quả, cung cấp nước cho khoảng 16 xã trong tổng số 39 xã và thị trấn của huyện.

Bên cạnh một số xã có đủ nguồn nước tự nhiên để sử dụng thì nổi bật lên một số địa phương như Công Thành, Mỹ Thành, Khánh Thành, Bảo Thành...tình trạng thiếu nước luôn xảy ra thường xuyên.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ngôi làng có trăm hộ dân phải dùng nước mương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO