“Ngôi sao” Việt trên cao nguyên Boloven
Bà Lê Thị Lượng nói với chúng tôi rằng: “chữ “Dao Heuang” trong cắt nghĩa của tiếng Lào là “ngôi sao sáng” và đó là cách mọi người đang gọi tôi hiện nay. Thực tình khi chọn cái tên này để bước ra thị trường tôi chỉ muốn nói lên một ước mơ nhỏ mà thôi!”... Với chúng tôi, thì những gì mà bà Lượng đã làm được thực sự đã tỏa sáng trên cao nguyên Boloven (Lào).
(Baonghean) - Bà Lê Thị Lượng nói với chúng tôi rằng: “chữ “Dao Heuang” trong cắt nghĩa của tiếng Lào là “ngôi sao sáng” và đó là cách mọi người đang gọi tôi hiện nay. Thực tình khi chọn cái tên này để bước ra thị trường tôi chỉ muốn nói lên một ước mơ nhỏ mà thôi!”... Với chúng tôi, thì những gì mà bà Lượng đã làm được thực sự đã tỏa sáng trên cao nguyên Boloven (Lào).
Tập đoàn kinh tế Dao Heuang (Đào Hương) được biết đến là doanh nghiệp lớn nhất đất nước Lào trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất và chế biến cà phê. Nhưng vị thế có được hôm nay của Dao Heuang đã phải trải qua muôn vàn sóng gió.
Đó là vào năm 1999, năm đầu tiên sau 9 năm tham gia hoạt động thương mại, bà Lê Thị Lượng cùng chồng là ông Đặng Đỗ Hảo (tên Lào là Hao Lit Dang), đều là Việt kiều, quyết định mở rộng đầu tư thêm trang trại cà phê. 150 ha cà phê của vụ đầu tiên đang chuẩn bị bước vào thu hoạch thì sau một đêm sương muối, toàn bộ héo úa thành củi; các lĩnh vực kinh doanh khác cũng đứng trước nguy cơ suy sụp do cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Nhưng hoàn cảnh đó cũng đã khẳng định bản lĩnh của người phụ nữ mang dòng máu Việt này.
Bà Lê Thị Lượng vẫn kiên định với mục tiêu đưa cây cà phê trở thành sản phẩm chủ lực của tập đoàn mình. Bà cho trồng lại 70 ha, rồi thêm 80 ha cà phê năm kế tiếp và cho đến nay trang trại của bà có 235 ha cà phê chè - Abica. Sau 12 năm đầu tư vào cây cà phê, bà đã mở rộng được vùng nguyên liệu với diện tích trên 20.000 ha từ dày công vận động, tuyên truyền, thuyết phục và hỗ trợ giống, phân bón để nhân dân địa phương tham gia đổi mới tư duy phát triển kinh tế. Vậy là trên một vùng cao nguyên Boloven rộng lớn của đất nước Triệu Voi, những nông trại, lâm trường cà phê đã phủ xanh đồi dốc, thay đổi cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân.
Thành công của vùng nguyên liệu đã tạo đà cho sự lớn mạnh của Tập đoàn kinh tế Dao Heuang, cho dù doanh nghiệp này còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, xuất nhập khẩu, thương mại. 100 triệu USD đầu tư vào trung tâm chế biến cà phê với 3 nhà máy quy mô gần 50 ha tại bản Paxieng, đủ gây lo lắng cho bất cứ doanh nghiệp nào, nhưng với bà Dao Heuang - Lê Thị Lượng thì đây mới chỉ là điểm khởi đầu, dù vào thời vụ mỗi ngày tập đoàn thu mua 200 tấn cà phê của nông dân từ vùng nguyên liệu để sản xuất cà phê nhân xuất sang thị trường Nhật Bản, mỗi tháng công suất chế biến đạt 108 tấn cà phê loại sấy phun và sấy lạnh – đây cũng đồng thời là 2 sản phẩm cà phê cao cấp đặc thù của tập đoàn.
Dây chuyền sản xuất cà phê của Tập đoàn kinh tế Dao Heuang.
Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Còn nữa, dây chuyền sản xuất đóng gói cà phê hòa tan “3 trong 1” mỗi ngày xuất xưởng 400 thùng cà phê với chất lượng được đánh giá là có thể so sánh với bất cứ thương hiệu nào ở khu vực. Thực tế thì đã có lúc những nghi ngại khiến sản phẩm cà phê của Dao Heuang đứng trước thử thách lớn.
Ông Đặng Đỗ Hảo cho biết, vào năm 2005, khi đưa sản phẩm của tập đoàn đi tham gia hội chợ ở nước ngoài, người ta đã không nghĩ có thể một thương hiệu cà phê xuất xứ từ đất nước Lào – nơi nền sản xuất chưa bao giờ được biết đến. Nhưng rồi khi được thử vị cà phê của vùng đất đỏ bazan trên cao nguyên Boloven, nhất là sau khi được tận mắt chứng kiến hoạt động của các nhà máy sản xuất, chế biến cà phê của Dao Heuang; nhiều chuyên gia quốc tế đã bị thuyết phục.
Với dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất của Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Dao Heuang đã khuất phục được những khách hàng khó tính nhất; và trên 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân của trung tâm chế biến cà phê hoàn toàn có quyền tự hào với đóng góp của mình. Không chỉ có vậy, ngay trên vùng nguyên liệu, cuối năm 2011, vợ chồng ông Đặng Đỗ Hảo và bà Lê Thị Lượng đã đầu tư 3 nhà xưởng chà vỏ cà phê tươi với công suất 2.100 tấn/giờ, qua đó đảm bảo khép kín quy trình sản xuất, chế biến cà phê từ khâu đầu tiên đến khâu thành phẩm cuối cùng. Với trên 80 chủng loại sản phẩm cà phê mang thương hiệu Dao Heuang trên cao nguyên có độ cao chênh lệch 1200m ở đất nước Lào của nữ doanh nhân Lê Thị Lượng, thực sự là một niềm tự hào của người Việt ở nước ngoài.
Đào Tuấn