Ngư dân dè dặt ứng dụng công nghệ vào bảo quản sản phẩm

04/01/2016 10:32

(Baonghean) - Những năm gần đây, cùng với đầu tư nâng cấp phương tiện đánh bắt khai thác xa bờ, việc ứng dụng công nghệ bảo quản để vừa đảm bảo chất lượng hải sản lại tiết kiệm chi phí đánh bắt đang là vấn đề ngư dân hết sức trăn trở.

"Cái khó bó cái khôn"

Công nghệ bảo quản mới xuất phát từ Nhật Bản, được ngư dân các nước có nghề khai thác, đánh bắt hải sản phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… áp dụng từ khá lâu. Khi chuyển giao về Việt Nam, ngư dân các tỉnh rất hào hứng, thậm chí Thanh Hóa có gần 100% tàu thuyền khi đóng mới đã lắp đặt hầm bảo quản công nghệ mới nhưng với ngư dân Nghệ An còn khá dè dặt.

Công nghệ bảo quản truyền thống được đa số ngư dân áp dụng
Công nghệ bảo quản truyền thống được đa số ngư dân áp dụng.

Hiện tại, Nghệ An có hàng ngàn tàu thuyền đánh bắt nhưng ngư dân đang bảo quản theo công nghệ truyền thống. Đó là hải sản đánh bắt được thì bỏ vào các khay nhựa hoặc thùng xốp, cứ mỗi lớp cá rải một lớp đá lạnh (được xay nhỏ) xếp vào hầm chung dưới thuyền; tương tự nếu là cá muối để làm mắm thì một lớp cá rải một lớp muối. Ưu điểm của phương pháp này là dễ làm và đầu tư ban đầu không lớn. Hạn chế là do thùng xốp không kín nên độ giữ lạnh không lâu nên nhiều tàu thuyền chỉ đánh bắt khoảng vài tuần là phải vào bờ dẫn đến chi phí tăng lên.

Ông Nguyễn Thanh Hải, thôn Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai cho biết: gia đình có tàu 600 CV, mỗi chuyến biển đi 2 tuần chi phí khoảng 100 triệu đồng thì chi phí xăng dầu chiếm đến 60%, nay giá dầu giảm hơn nhưng vẫn chiếm gần 1 nửa (còn lại là chi phí ăn uống và công cho các thuyền viên). Nếu điều kiện bảo quản tốt giá trị khai thác một chuyến đi biển sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi nhưng điều kiện bảo quản không đảm bảo nên thường phải rút ngắn vì nếu không về kịp, hải sản sẽ hỏng…

Cá được bảo quản theo công nghệ truyền thống được đưa lên bán tại bến cá Quỳnh Lập
Cá được bảo quản theo công nghệ truyền thống tại bến cá Quỳnh Lập.

Tuy nhiên để đầu tư hầm lạnh theo công nghệ mới chi phí ban đầu cũng không nhỏ. Nếu vỏ bọc Inox có giá lắp đặt khoảng 500 - 700 ngàn đồng/m2; nếu là vỏ gỗ thì đắt hơn khoảng 2 triệu đồng/m2; thuyền đóng hầm khoảng 10 - 12 m3 tương đương khoảng 12 tấn cá có giá khoảng 200 - 300 triệu đồng; nếu tàu to hơn thì chi phí cao hơn.

Trực tiếp dự một buổi tập huấn chuyển giao công nghệ bảo quản mới cho bà con ngư dân do Hiệp hội nghề cá phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức tại Nghệ An cách đây chưa lâu, đa số ngư dân đều nhận thấy công nghệ mới có nhiều ưu việt nhưng đang tỏ ra khá dè dặt. Đây là lý do những tàu thuyền đóng mới theo Nghị định 67/CP mới đóng hầm bảo quản theo công nghệ mới còn tàu ngư dân đầu tư thì việc lắp đặt hầm bảo quản theo công nghệ mới còn khá khiêm tốn.

Xu thế tất yếu

Theo ông Nguyễn Văn Lung – Trưởng Phòng khuyến ngư, Trung tâm khuyến ngư Quốc gia cũng là chuyên gia tư vấn chuyển giao lắp đặt công nghệ bảo quản mới cho biết: hiện nay, công nghệ đánh bắt hải sản đã thay đổi cơ bản và phương tiện đánh bắt ngày càng lớn nên ngư dân có thể khai thác xa bờ dài ngày hơn. Bên cạnh đó, ngư dân lâu nay chủ yếu đánh bằng máy dò đứng năng suất thấp, nay chuyển sang máy dò ngang và đi vây nên năng suất đánh bắt cao hơn. Vì thế cần hầm bảo quản lớn và tốt hơn. Hiện nay chúng ta đang khuyến khích ngư dân vươn khơi xa bờ để khai thác hải sản lớn, có giá trị cao xuất bán ra các thị trường nước ngoài. Để có thể tiếp cận được với thị trường lớn thì một trong những yêu cầu là khâu bảo quản phải đảm bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Sĩ Thiết, xóm 2, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc là 1 trong 10 chủ tàu đầu tiên đóng mới hầm bảo quản theo công nghệ mới Pu Foam cho hay: gia đình ông vừa đầu tư 6,58 tỷ đồng để đóng mới tàu có công suất 500 CV cách đây 7 tháng. Do được tư vấn nên ông quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng để đóng mới 2 hầm theo công nghệ mới, mỗi hầm 6 m3. Kể từ khi đầu tư hầm bảo quản cho tàu, sản phẩm bảo quản cả tháng không bao giờ hết đá. Thậm chí có lúc máy không chạy (đỡ tốn dầu hơn) nhưng đá vẫn không tan, thời gian đánh bắt dài hơn nên giá trị từng chuyến biển tăng bình quân từ 200 triệu đồng/chuyến lên 250 triệu đồng/chuyến.

Ngư dân Quỳnh Long mua đá lạnh
Ngư dân Quỳnh Long mua đá lạnh xay nhỏ đưa xuống hầm cấp đông bảo quản hải sản theo công nghệ truyền thống.

Nếu ướp sản phẩm theo công nghệ truyền thống, tỷ lệ bảo quản cứ 100 kg đá ướp được 60 kg cá thì theo công nghệ mới PU Poam, cứ 100 kg đá lạnh có thể bảo quản lên tới 95 kg cá nên giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Lung – Trung tâm khuyến nông Quốc gia, với sự hỗ trợ từ Hiệp hội nghề cá Việt Nam, Trung tâm khuyến nông quốc gia đã tổ chức được 2 lớp tập huấn chuyển giao quy trình công nghệ bảo quản mới cho trên 100 ngư dân trên địa bàn Nghệ An. Sau một thời gian tập huấn và chuyển giao, đến thời điểm này ngoài đối tượng tàu thuyền đóng theo Nghị định 67/CP phần lớn phải đóng hầm lạnh theo công nghệ mới, ông đã tư vấn và lắp đặt cho 13 thuyền của ngư dân các địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc đóng mới hầm lạnh theo công nghệ PU Poam. Tuy nhiên, việc lắp đặt hầm bảo quản theo công nghệ mới vẫn khá dè dặt.

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ngư dân dè dặt ứng dụng công nghệ vào bảo quản sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO