Ngư dân Nghệ An chuyển đổi số, cập nhật từng chuyến cá, lượt tàu trên phần mềm eCDT
Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực thoát khỏi cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu. Việc ứng dụng công nghệ số trong khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản trở thành giải pháp then chốt. Tại Nghệ An, quá trình chuyển đổi số trong nghề cá đang được ngư dân tích cực triển khai phần mềm eCDT - hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử.
Hình ảnh mới nơi cửa biển
Ngày 7/7, tại cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), không khí tấp nập khắp khu vực bốc dỡ hải sản. Trong khi các thuyền viên tất bật đưa cá lên bờ sau chuyến đi biển dài ngày, anh Tô Huy Hùng - chủ tàu NA 92888 TS lại chăm chú thực hiện thao tác truy xuất nguồn gốc trên điện thoại thông minh. Anh đang khai báo xuất nhập cảng, sản lượng khai thác và lộ trình tàu về bến thông qua phần mềm eCDT.
“Ban đầu, tôi lúng túng lắm, không biết vào app thế nào, các mục cần khai báo ra sao. Nhưng sau vài lần được cán bộ cảng hướng dẫn, giờ thì tôi quen rồi. Khai báo điện tử tiết kiệm được thời gian”, anh Hùng nói.
Không chỉ riêng anh Hùng, ngày càng nhiều ngư dân khác tại Nghệ An đang từng bước tiếp cận và sử dụng thành thạo phần mềm eCDT. Từ thói quen viết tay nhật ký hành trình, sản lượng đánh bắt và làm thủ tục tại cảng, họ chuyển dần sang thao tác số hóa trên điện thoại thông minh, dù phần lớn vẫn là những người không quen với công nghệ.

Dù hiệu quả bước đầu là rõ rệt, nhưng việc triển khai eCDT tại Nghệ An vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là yếu tố con người - phần lớn ngư dân chưa quen với công nghệ số, kỹ năng sử dụng thiết bị còn hạn chế. Hơn nữa, nhiều người sử dụng điện thoại thông minh đời cũ, không đủ cấu hình để cài đặt ứng dụng, hoặc thường xuyên hỏng hóc do điều kiện làm việc ẩm ướt, nước biển ăn mòn thiết bị.
Thêm vào đó, khi tàu hoạt động ở các vùng biển xa bờ, sóng internet yếu hoặc không có, dẫn đến việc cập nhật dữ liệu bị gián đoạn. Trong khi đó, phần mềm eCDT yêu cầu khai báo dữ liệu khá thường xuyên, nếu không thực hiện đúng tiến độ có thể ảnh hưởng đến việc xác nhận sản lượng sau chuyến biển.

“Tôi mới dùng điện thoại cảm ứng mấy năm nay, dùng app còn lóng ngóng. Đi biển nhiều ngày liền không có sóng internet nên không cập nhật được. Về cảng cá mới khai báo được”, một ngư dân lớn tuổi tại cảng cá Lạch Quèn chia sẻ.
Hướng tới nền nghề cá hiện đại
Một trong những mục tiêu trọng tâm của việc triển khai hệ thống eCDT là phục vụ cho quá trình gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU mà EC đã áp dụng đối với thủy sản Việt Nam từ nhiều năm trước. EC yêu cầu các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào châu Âu phải chứng minh nguồn gốc rõ ràng, không đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tại Nghệ An, việc ứng dụng phần mềm eCDT đã tạo ra chuỗi dữ liệu minh bạch phục vụ cho việc xác nhận sản lượng và cấp chứng nhận xuất xứ cho các doanh nghiệp thu mua. Nhờ vậy, thời gian làm thủ tục nhanh hơn, giảm áp lực cho cả cơ quan quản lý và người dân. Đây là điều kiện quan trọng giúp thủy sản khai thác tại Nghệ An có thể vươn ra thị trường quốc tế với mức giá cạnh tranh hơn.
Theo ông Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá Nghệ An, để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp về quy trình sử dụng phần mềm eCDT. Nội dung tập huấn bao gồm khai báo tàu cá ra vào cảng, cập nhật sản lượng, lập nhật ký khai thác, tạo hồ sơ xin xác nhận sản lượng, chứng nhận nguồn gốc thủy sản.

“Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã cấp được hơn 800 tài khoản phần mềm cho các tàu cá trên địa bàn. Tại các cảng cá chỉ định, phần lớn ngư dân đã áp dụng hình thức khai báo điện tử. Đây là bước tiến lớn, khẳng định quyết tâm chuyển đổi số ngành thủy sản của tỉnh”, ông Chương khẳng định.
Với phần mềm eCDT, ngư dân có thể chủ động khai báo hành trình và sản lượng đánh bắt một cách minh bạch, nhanh chóng. Các đơn vị quản lý như Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão có thể cập nhật dữ liệu theo thời gian thực, dễ dàng giám sát tàu cá và phát hiện các dấu hiệu bất thường trong hoạt động khai thác.
“Trước đây, mỗi lần xin xác nhận sản lượng phải mất nửa ngày viết tay và chờ cán bộ đối chiếu. Giờ đây, chỉ cần vài thao tác trên phần mềm, dữ liệu đã có sẵn. Việc chứng nhận cho doanh nghiệp cũng thuận tiện, nhanh chóng”, ông Chương cho biết thêm.

Thực tiễn triển khai tại Nghệ An cho thấy, phần mềm eCDT không chỉ là giải pháp tình thế nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU, mà còn là công cụ nền tảng hướng tới hiện đại hóa quản lý ngành thủy sản. Khi toàn bộ hoạt động khai thác - từ xuất bến, đánh bắt, cập cảng, đến tiêu thụ - được số hóa và lưu trữ có hệ thống, sẽ tạo ra một chuỗi giá trị minh bạch, nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm biển Việt Nam.
Nghệ An là tỉnh có đội tàu cá lớn, với hơn 3.400 chiếc, trong đó có trên 1.500 tàu chiều dài trên 12m. Do đó, số lượng tàu về cảng, bốc dỡ thủy sản sau khai thác khá lớn.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nếu ngư dân và cơ quan quản lý cùng đồng lòng, chúng ta sẽ xây dựng được nền nghề cá bền vững, hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Phan Tiến Chương - Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá Nghệ An