Ngư dân ứng phó xăng dầu tăng giá
Việc giá cả thị trường biến động thất thường cộng với xăng dầu liên tục bị đẩy lên cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những người ngày đêm bám biển mưu sinh. Tuy nhiên nhiều ngư dân ở vùng biển Cửa Lò cũng đã tìm ra những giải pháp để ứng phó với bão giá và hạn chế rủi ro trên biển...
Việc giá cả thị trường biến động thất thường cộng với xăng dầu liên tục bị đẩy lên cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những người ngày đêm bám biển mưu sinh. Tuy nhiên nhiều ngư dân ở vùng biển Cửa Lò cũng đã tìm ra những giải pháp để ứng phó với bão giá và hạn chế rủi ro trên biển...
Nặng nề những chuyến ra khơi
Giá xăng dầu lên kéo theo khoản chi phí không nhỏ cho mỗi chuyến ra khơi trong khi sản lượng đánh bắt giảm, hải sản không ổn định lại bị tư thương ép giá.... khiến ngư dân vùng biển lao đao.
Ông Mai Văn Hoà (phường Nghi Hải - TX Cửa Lò) - người đã có thâm niên 32 năm bám biển, chủ của hai chiếc thuyền công suất 150 CV trị giá gần một tỷ đồng với 10 nhân công, cho hay: "Mỗi chuyến đi khơi 3 ngày, thuyền của tôi cần khoảng 2000 lít dầu, nay không chỉ cõng thêm giá xăng dầu leo thang mà các khoản chi phí khác như (đá, muối, lương thực thực phẩm, ngư cụ...) cũng đội lên rất nhiều. Chỉ tính riêng đá lạnh cũng nhảy từ 70-80 nghìn lên 100-120 nghìn đồng/cây.
Trước đây bỏ ra khoảng 30 triệu cũng thu về 10-15 triệu, nay thì khó mà có lãi. Đó là chưa kể gặp phải hôm mưa gió, biển động thì coi như trở về trắng tay"...
Đối với những tàu công suất nhỏ, trung bình chi phí mỗi chuyến đi biển 1 ngày 1 đêm là 2-2,5 triệu đồng, nay tăng lên 3 triệu đồng, trong đó chỉ riêng tiền dầu cũng đã mất gần 1,5 triệu.
Một chuyến đi biển khan hiếm hàng không đủ để trang trải cho các khoản chi phí. |
Theo phần lớn bà con ngư dân thì cái mà họ lo ngại không chỉ là việc tăng giá xăng dầu mà còn là việc nguồn hải sản biển đang ngày một khan hiếm, trữ lượng ngày càng giảm mà ngư trường cũng xa hơn. Trong khi đó, giá bán sản phẩm hầu như giữ nguyên, hoặc có tăng cũng không đáng kể (giá mực dao dộng từ 150- 160 nghìn/ kg, tôm từ 150- 180 nghìn/ kg tuỳ loại, cá nục, cá ve tăng từ 20-30 nghìn đồng/kg lên 35 nghìn/kg...), tính ra không đủ để bù đắp chi phí và trang trải tiền thuê công nhân.
Hiện nay, nhiều chủ tàu đánh cá rơi vào tình trạng: "Khai thác thì dễ bị lỗ, nằm bờ thì cũng chẳng hơn gì, vì máy móc, tàu thuyền bị xuống cấp rất nhanh. Ai có vốn thì nằm nhà "chờ thủ", nếu đã mang nợ ngân hàng phải ra khơi, chấp nhận thua lỗ mà có đồng vốn để xoay xở...". Điển hình như ở Cảng cá Cửa Hội có khoảng 10 tàu lớn, gần 100 thuyền nhỏ công suất từ 30-45 CV nhưng những ngày này chỉ có 30% tàu ra khơi, còn 60 % thuyền vẫn nằm bờ.
Những giải pháp ứng phó
Bên cạnh tàu nằm bờ, nhiều ngư dân cũng đã nhanh chóng tìm ra giải pháp ứng phó để "tự cứu mình". Trước hết, bà con tiếp tục nhân rộng mô hình "tổ thuyền liên kết khai thác hải sản". Mỗi tổ từ 3 - 5 tàu thuyền. Khi xuất phát chỉ cần một thuyền nổ máy sẽ kéo theo các thuyền khác, ra đến ngư trường các thuyền toả đi khai thác. Phạm vi khai thác nếu không vượt quá 30 hải lý thì các thuyền liên lạc với nhau để gom sản phẩm lại, chỉ một thuyền chở vào bờ còn các thuyền khác vẫn tiếp tục ở lại khai thác.
Chi phí vận chuyển tăng do |
Hội tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn (110-420 CV) chuyển đánh bắt gần bờ, nhỏ lẻ sang đánh bắt xa bờ vừa tăng sản lượng vừa tạo việc làm cho người lao động, mặt khác giảm đáng kể số thuyền khai thác hải sản ven bờ dùng chất nổ, chất kích điện. Một ngư dân ở phường Nghi Thuỷ cho hay: Nhờ tham gia vào "tổ thuyền liên kết" cộng với nâng công suất tàu thuyền nên tiết kiệm chi phí khoảng 25% cho mỗi chuyến ra khơi.
Một giải pháp nữa được ngư dân lựa chọn là dùng thuyền nhỏ thăm dò nguồn cá hoặc kết hợp nhiều phương thức khai thác: giã, chụp, câu....thay vì chỉ sử dụng một phương thức như trước đây. Áp dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đối với khâu bảo quản sau thu hoạch cũng là một giải pháp giúp bà con ngư dân tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá bán và giảm bù lỗ khi giá xăng dầu tăng.
Bên cạnh đó, nhiều ngư dân tạm "gác" thuyền chuyển qua xuất khẩu lao động để tìm kiếm nguồn vốn làm ăn lâu dài, trả nợ ngân hàng. Đây cũng là một hướng đi mới của lao động trẻ ở vùng biển Cửa Lò hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Nam - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Hải thì đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, bởi hiện nay không chỉ nghề đánh bắt gặp khó mà cả lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản cũng đứng trước thách thức không nhỏ bởi chi phí vận chuyển, đánh bắt lên cao, năng suất, sản lượng giảm mà giá thành không đổi.
Được biết, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 289 ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân.
Theo đó, những tàu mua mới, đóng mới, thay máy tàu mới, kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên được Nhà nước hỗ trợ một phần, nhưng quyết định này cũng chỉ mới dừng lại đến năm 2010. Trước những biến động mạnh về giá dầu tăng cùng với những khó khăn của nghề biển, điều mong muốn của ngư dân là có sự hỗ trợ mạnh mẽ và mau chóng từ Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương để giảm bớt gánh nặng cho bà con ngư dân.
Bên cạnh đó, ngành Thủy sản cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực đánh bắt và có phương thức bảo quản sản phẩm an toàn cho ngư dân, nâng cao chất lượng trong các bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi hải sản nhằm giảm bớt thời gian di chuyển, hạn chế rủi ro trên biển...Các ngân hàng tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để cải hoán tàu, thuyền, hiện đại hóa trang thiết bị đánh bắt như máy tầm ngư, máy định vị... Có như vậy mới giúp bà con yên tâm bám biển, bám thuyền.
Khánh Ly- Mỹ Hà