'Ngủ thăm' ở nhà tầng Quang Trung

(Baonghean.vn) - Khi nghe tin người ta sắp dỡ bỏ khu tập thể, 'những đứa trẻ nhà tầng Quang Trung' ở Hà Nội chúng tôi hẹn nhau ngồi hồi ức về một thời đã sống. 'Ngủ thăm' là đề tài được nhắc đến nhiều nhất, con trai hầu như đứa nào cũng đôi lần trải nghiệm.

Tháng 4 năm 1976, những cư dân đầu tiên của khu nhà tầng Quang Trung lục tục dọn về nơi ở mới. Mất độ hai, ba năm làm quen, những đứa trẻ Quang Trung chúng tôi dần dần kết thân với nhau. Đi học, người ta gọi chung “bọn nhà tầng”, nghe mà phổng mũi. 

Quang Trung được xem là đô thị kiểu mẫu thời bấy giờ, vì trong “tiểu khu Quang Trung” (tên gọi hồi đó) có công viên, trường mẫu giáo, cửa hàng thực phẩm… sau này có cả trường cấp 1,2. Ngày ấy, cả thành phố Vinh có mỗi cái nhà máy điện chạy bằng than, nằm gần cầu Bến Thủy. Hôm nào có than thì thành phố có điện, hết than thì cả thành phố thắp đèn dầu. Mùa hè, gió Lào thổi cát bay tung mù mặt đường, mặt người khô khốc và phờ phạc vì nắng và đói. Những năm thập kỷ 70, 80 để chống hỏa hoạn, toàn thành phố cấm nấu ăn trưa.

Một góc khu nhà tầng Quang Trung. Ảnh: Hồng Nguyễn.
Một góc khu nhà tầng Quang Trung. Ảnh: Hồng Nguyễn.

Nhà tầng Quang Trung cát bao vây đến tận chân cầu thang. Nắng cả ngày hấp vào tường khiến cả khối nhà hệt một chiếc lô cốt. Nếu may mắn có điện thì nhà nào cũng lôi chiếc quạt con ve của Điện Cơ ra, sang hơn thì có chiếc quạt tai voi của Liên Xô (cũ) để chống nóng. Thường mỗi tuần chỉ có hai, ba đêm có điện, có khi tận nửa đêm mới có nên quạt mo cau là vật không thể thiếu của các bà, các mẹ. Các nhà thường trải chiếu ra hành lang thi nhau quạt phành phạch cả đêm, các ông bố bà mẹ quạt mãi mỏi tay rồi mệt ngủ lúc nào không hay. Lớn lên tí, độ trên mười tuổi, để cho mẹ bớt vất vả, chúng tôi rủ nhau đi “ngủ thăm”…

Thường sau mục “Đọc truyện đêm khuya” trên đài, hơi nóng bốc từ nền sân thượng đã bớt, cả bọn mới lục tục kéo nhau lên sân thượng. Dường như thành quy ước, đám con gái nằm riêng một khu, thường là cách biệt. Những đêm trăng sáng, ngồi trên sân thượng, chúng tôi ngắm nhìn thành phố với suy nghĩ, không biết bao giờ mình mới trở thành người lớn?

Vẻ đẹp giản dị của giàn hoa giấy nhà B6. Ảnh: Trương Mạnh Hà.
Vẻ đẹp giản dị của giàn hoa giấy nhà B6. Ảnh: Trương Mạnh Hà.

Trên sân thượng, chúng tôi kể với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, đợi đến khi những ngọn gió đầu tiên từ biển thổi đến, cả lũ mới chìm sâu vào giấc ngủ mùa hè. Có những hôm cao hứng, bọn thằng Sơn, thằng Nghĩa bạn tôi ôm đàn hát cả đêm, mấy đứa con gái ngồi xung quanh há miệng nghe như nuốt từng lời. Theo em anh thì về/Rế rế đố la đố la sòn la/Theo nhau ta thì về/Rế rế đố la đố la sòn la/Thăm lại miền quê nơi có một triền đê… 

Lớn hơn một chút, thỉnh thoảng chúng tôi hẹn nhau đi ngủ “xuyên lục địa” để giao lưu với bọn cùng lứa các nhà khác. Thường thì khu nhà tầng nào có các cô gái đẹp sẽ đông "khách" lui tới hơn. Tôi còn nhớ nhà B4 có Hằng “Ca”,  nhà B3 có Lam “Múa”…là những bông hoa đẹp một thời của nhà tầng Quang Trung. Các chàng trai khu nhà tầng láng giềng thường sang đó tranh thủ biểu diễn tài lẻ trước các người đẹp. 

“Những đứa trẻ Quang Trung” chúng tôi thời ấy giờ đã ngoài tứ tuần. Mỗi dịp Tết về thăm thành phố, ngồi với nhau vẫn say sưa kể về những đứa con gái nhà tầng ngày ấy và hồi tưởng lại những ngày tháng thơ ấu tuyệt đẹp ở khu nhà tầng kỷ niệm...                                                                            

Phan Hảo

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.