Người anh hùng diệt rồng và ngôi đền thiêng bản Cánh

19/08/2016 09:12

(Baonghean.vn) – Nằm cách thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) chừng 3 km có 1 ngôi đền quanh năm nghi ngút khói hương nằm bên dòng sông Nậm Mộ hùng vĩ. Ấy là đền thờ ông Đức Khánh (bản Cánh, xã Tà Cạ), một người anh hùng có công gây dựng nên bản làng.

Chúng tôi tìm gặp cụ Vi Văn Vân (bản Cánh) năm nay đã gần 85 tuổi. Tuy đã già nhưng cụ Vân còn minh mẫn và rành rọt kể cho chúng tôi nghe câu chuyện huyền thoại về ông Đức Khánh. Theo lời cụ Vân, người có trên 20 năm bảo vệ ngôi đền này thì ông Đức Khánh là 1 vị anh hùng có công gây dựng bản làng và đánh dẹp nhiều thế lực xâm phạm, quấy nhiễu cuộc sống nhân dân.

Đền thờ ông Đức Khánh (bản Cánh, Tà Cạ, Kỳ Sơn).
Đền thờ ông Đức Khánh (bản Cánh, Tà Cạ, Kỳ Sơn).

Tương truyền, ông Đức Khánh lên đây sinh sống vào khoảng thế kỷ XVII. Lúc ấy nơi đây còn hoang sơ, rậm rạp, thú dữ nhiều vô kể. Ông kết hôn với nàng Phanh, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng không có con. Khi ấy, mảnh đất Tà Cạ là nơi trù phú, dân cư đông đúc nên bị nhiều thế lực bên ngoài dòm ngó, xâm lấn. Ông Đức Khánh đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại các thế lực ấy để giữ bản làng yên ổn.

Ngày ấy, Chầu Phà (Vua trời) có 1 người con gái xinh đẹp tuyệt trần, xa gần đều biết. Không những xinh đẹp mà nàng còn có tài dệt vải quay tơ. Tài năng và sự xinh đẹp của nàng lọt tới tai 2 con rồng xanh gian ác bên kia đất Thái. Chúng kéo sang bắt nàng về làm vợ. Khi bị bắt đi, nàng thả sợi vải đang dệt trong tay để mọi người lần theo cứu về.

Nghe tin con bị bắt, Chầu Phà huy động người đi theo dấu vết nàng để lại. Đến điểm cuối cùng, Chầu Phà cho đào sâu xuống thì thấy 2 con rồng đang quấn lấy nàng. Mọi người đưa dao chém con rồng đứt thành 2 mảnh. Nửa dài hơn biến thành 2 con rồng khác bay ra ngoài tiếp tục quấy nhiễu dân lành. Còn con gái Chầu Phà cũng không thể nào sống lại được.

Tại địa phận Tà Cạ bấy giờ cũng có 1 con rồng đỏ to lớn. Nhưng con rồng này chuyên làm việc tốt giúp đỡ dân làng nên được bà con yêu quý. Nó lấy được người vợ xinh đẹp là nàng Hung. Nàng Hung có 1 chiếc áo ngày cũng như đêm phát ra thứ ánh sáng huyền diệu. Khi treo lên cây cao thì trong vòng 10 dặm đều thấy được ánh sáng của áo. Hai con rồng xanh biết được bèn đến thách đấu với điều kiện: bên rồng xanh thua thì tùy mọi người xử lý, còn rồng đỏ thua thì phải mất vợ.

Dấu chân ông Đức Khánh còn in trên phiến đá lúc đánh nhau với rồng xanh.
Dấu chân ông Đức Khánh còn in trên phiến đá lúc đánh nhau với rồng xanh.

Lo lắng, rồng đỏ biến thành người xuống núi nhờ ông Đức Khánh hợp tác diệt rồng ác. Ông Đức Khánh sợ rồng tốt thua sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản làng nên đồng ý. Đến ngày giao đấu, rồng đỏ hóa thành cơn gió đưa ông Đức Khánh lên hang núi với tên nỏ sẵn sàng. Khi 3 con rồng lao vào quấn nhau, ông Đức Khánh tiến lên bê 1 khối núi lớn làm khiên che tên. Khi thấy cự ly đã gần, nhắm thấy 2 đầu rồng màu xanh nhô ra, ông giương nỏ bắn. Kết quả, 2 con rồng ác tan xác, linh hồn bay lên cao.

Từ đó, dân làng Tà Cạ được sống yên ổn. Ông Đức Khánh mất khi vừa trăm tuổi. Nhân dân lập bàn thờ ông ngay bên sông Nậm Mộ để tưởng nhớ đến vị anh hùng của làng bản. Tương truyền, khi ông mất, nàng Phanh thấy có cây đa mọc lên bên đền thờ nên đã chăm sóc chu đáo. Từ đó đến nay, cây đa này luôn tỏa bóng quanh đền và quấn lấy nhau chằng chịt tạo nên vẻ đẹp hiếm có.

Hệ thống cây đa bao quanh đền tạo nên vẻ đẹp độc đáo.
Hệ thống cây đa bao quanh đền tạo nên vẻ đẹp độc đáo.

Cụ Vi Văn Vân cho biết thêm, đền ông Đức Khánh rất thiêng. Những năm giặc Mỹ xâm lược và ném bom ra miền Bắc, khu vực bản Cánh này có rất nhiều bộ đội đóng quân và tích trữ lương thực. Tuy nhiên, bom Mỹ thả xuống chỉ trúng phía bên kia sông và khu vực lân cận chứ ở bản Cánh, nơi có đền thờ ông Đức Khánh thì không 1 mảnh đạn nào văng tới.

Ngày nay, đền ông Đức Khánh đã được trùng tu khang trang hơn. Tuy nhiên, con đường từ Mường Xén vào vẫn còn rất khó khăn. Đó cũng là hạn chế cho việc phát huy tiềm năng văn hóa của mảnh đất này.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Người anh hùng diệt rồng và ngôi đền thiêng bản Cánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO