Người bạn đồng hành tin cậy của nhà nông

Khánh Ly 25/01/2023 10:08

(Baonghean.vn) - Bám sát thực tiễn các địa phương và nhu cầu của người sản xuất, nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, quy trình canh tác, công nghệ tiên tiến đã được Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ tạo ra và chuyển giao cho nông dân.

Tích cực chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ

Đối với nhiều người dân ở xã Nam Anh (Nam Đàn), việc được tham gia mô hình “Khai thác và phát triển nguồn gen hồng bản địa Nam Đàn theo hướng sản xuất hàng hóa” do Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, không chỉ mở ra cơ hội mới trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con, mà còn góp phần nâng cao giá trị, tiến tới đưa sản phẩm “Hồng Nam Đàn” thành một sản phẩm chủ lực về cây ăn quả của huyện.

Đoàn công tác viện KHKT Bắc Trung Bộ kiểm tra mô hình thâm canh trên vườn cũ giống hồng bản địa Nam Đàn. Ảnh: CSCC

Đề tài nghiên cứu phát triển nguồn gen hồng bản địa Nam Đàn được thực hiện từ năm 2019 đến 2022 với quy mô 3ha, 20 hộ dân thuộc xã Nam Anh tham gia. Hiện nay đã hoàn thành hồ sơ chứng nhận 5 cây đầu dòng giống hồng bản địa Nam Đàn có năng suất, chất lượng cao mang đặc trưng của giống bản địa, đủ tiêu chuẩn làm cây mẹ cung cấp mắt ghép cho nhân giống và xây dựng 1 vườn cây mẹ phục vụ cho việc nhân giống với quy mô 140 cây.

Hồng Nam Anh ( Nam Đàn). Ảnh: Thanh Phúc

Bên cạnh đó, còn xây dựng 1 mô hình trồng mới hồng Nam Đàn với quy mô 3ha; 1 mô hình thâm canh tổng hợp trên vườn cây cũ với quy mô 1ha trong 2 năm cho năng suất đạt 24,85 đến 26,79 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 45,32%.

Đề tài nghiên cứu phát triển nguồn gen hồng bản địa Nam Đàn được thực hiện từ năm 2019 đến 2022 với quy mô 3ha, 20 hộ dân thuộc xã Nam Anh tham gia. Ảnh: CSCC

Có rất nhiều giống cây trồng, tiến bộ kỹ thuật do Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ tạo ra đã cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện sinh thái xã hội của vùng và được người nông dân các địa phương đánh giá cao.

Điển hình như Dự án Sản xuất thử giống cam Xã Đoài tại Nghệ An đã hoàn thiện được quy trình nhân giống sạch bệnh trong nhà lưới và quy trình trồng mới chống tái nhiễm cho cây cam, đã tạo được 10 cây S0 và 100 cây S1 được lưu giữ trong nhà lưới 3 cấp, đây là nguồn mắt ghép sạch bệnh giống cam Xã Đoài nhằm phát triển cây cam trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức xây dựng mô hình 20ha thâm canh tổng hợp tại xã Nam Thành (Yên Thành) và xã Nghi Lâm (Nghi Lộc); xây dựng mô hình 10ha ứng dụng công nghệ cao bằng quản lý độ ẩm tưới nhỏ giọt, bón phân tự động trên cam Xã Đoài. Hiện tại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Dự án Sản xuất thử giống cam Xã Đoài tại Nghệ An đã hoàn thiện được quy trình nhân giống sạch bệnh trong nhà lưới và quy trình trồng mới chống tái nhiễm cho cây cam. Ảnh tư liệu: TC

Đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất khoai lang bền vững theo chuỗi giá trị tại vùng Bắc Trung Bộ” đã xây dựng mô hình sản xuất khoai lang thương phẩm tại Nghệ An và Hà Tĩnh, quy mô 30ha, năng suất đạt từ 23 - 25 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với trồng đại trà…

Cũng trong năm 2022, mặc dù đối diện với một số khó khăn do thời tiết không thuận lợi, một số cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương nội đồng, khu thực nghiệm nghiên cứu của Viện xuống cấp, đất đai không bằng phẳng; Kinh phí đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân và ươm cây giống... nhưng Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã vượt khó để gặt hái nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp bộ với nhiều đề tài, dự án quan trọng.

Mô hình sản xuất khoai lang theo chuỗi giá trị tại Hà Tĩnh và Nghệ An. Ảnh: CSCC

Có thể kể đến như Đề tài “Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thường xuyên khô hạn tại vùng Bắc Trung Bộ”. Hiện đã thử nghiệm và đề xuất các cơ cấu cây trồng thích hợp, đạt hiệu quả cao trên đất lúa thường xuyên khô hạn và có nguy cơ thiếu nước tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Đồng thời tiến hành xây dựng các mô hình trình diễn về các cơ cấu cây trồng chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả, có nguy cơ thiếu nước và thường xuyên khô hạn, bao gồm các mô hình về lúa, ngô, lạc đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế tăng từ 15 - 20% so với cây trồng trước.

Mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc tại Đô Lương- Nghệ An. Ảnh:CSCC

Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ chịu hạn phù hợp cho các tỉnh miền Trung”, trong năm 2022 đã tiến hành thu thập đánh giá được 58 dòng/giống đậu xanh, 20 dòng/giống đậu đen, 20 dòng/giống đậu đỏ. Kết quả có 22 dòng/giống đậu xanh có năng suất thực thu cao, đạt trên 15 tạ/ha; có 25 dòng/giống đậu đen đạt năng suất thực thu trên 12,0 tạ/ha; có 15 dòng/giống đậu đỏ đạt năng suất thực thu trên 12,0 tạ/ha..

Một số đề tài khác cũng cho kết quả tốt như đề tài “Nghiên cứu tạo giống lạc năng suất và chịu hạn triển vọng”, “Nghiên cứu tạo dòng lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt và kháng bệnh bạc lá, đạo ôn cho các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ”, “Nghiên cứu tạo dòng vừng chịu hạn, chống chịu bệnh héo rũ vàng, năng suất, chất lượng cao”…

Ông Phạm Văn Linh - Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ cho biết: “Với phương châm đồng hành cùng với sự đi lên của bà con nông dân, các nhiệm vụ nghiên cứu luôn được Viện thực hiện với ý thức trách nhiệm cao nhất. Tất cả không ngoài mục đích góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Hàng năm, Viện đã cung cấp hàng trăm tấn giống các loại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới và tập huấn nâng cao trình độ sản xuất cho hàng ngàn người dân ở khu vực Bắc Trung Bộ”.

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bên cạnh công tác nghiên cứu, công tác nâng cao năng lực và trình độ cho cán bộ, viên chức cũng được Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ hết sức quan tâm. Qua đó, xây dựng đội ngũ nòng cốt đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây trồng, hệ thống nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ phù hợp với xu thế hội nhập và kỷ nguyên 4.0.

Hiện tại đơn vị có tổng số viên chức và người lao động là 105 người. Trong đó có 2 tiến sĩ, 47 thạc sĩ, 43 người trình độ đại học; có 3 bộ môn nghiên cứu, 3 trung tâm trực thuộc có tư cách pháp nhân riêng, 1 phòng thí nghiệm tổng hợp, 2 phòng chức năng.

Cán bộ Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung Bộ khảo nghiệm giống rau, hoa. Ảnh: KL

Lãnh đạo Viện luôn quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, viên chức thường xuyên học tập, nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ, nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong năm 2022 có 3 viên chức của Viện tiếp tục được đào tạo tiến sĩ trong nước; 4 lượt viên chức tập huấn theo chương trình của VAAS và của Bộ; 2 viên chức được cử đi tập huấn tại Hàn Quốc; 3 viên chức học trung cấp chính trị - hành chính.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng đã được Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ tạo ra và chuyển giao cho nông dân. Ảnh: KL

Nhờ đội ngũ nòng cốt là cán bộ khoa học được đào tạo chuyên sâu, nhiệt huyết với nghề, năm 2022, Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Trong năm, Viện được giao chủ trì 4 nhiệm vụ KHCN Quốc gia, 7 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, 4 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, 2 nhiệm vụ phối hợp với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước là 20.867,400 triệu đồng.

Viện cũng đã hình thành mạng lưới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cây trồng đối với vùng Bắc Trung Bộ, phù hợp với thực tế và đòi hỏi khách quan của sản xuất, nên đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Phòng Thí nghiệm Trung tâm thuộc Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đang sử dụng và vận hành nhiều máy móc hiện đại. Ảnh: KL

Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, quy trình canh tác, công nghệ tiên tiến được tạo ra và chuyển giao cho nông dân, góp phần tăng năng suất, sản lượng và từng bước cải thiện chất lượng của các loại cây trồng. Với hiệu quả hoạt động như trên, Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã và đang trở thành người bạn đồng hành tin cậy của nhà nông.

Mới nhất

x
Người bạn đồng hành tin cậy của nhà nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO