Người chăm những mầm xanh

27/12/2011 19:08

(Baonghean.vn) Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, nhưng lòng yêu nghề, mến trẻ của cô giáo Đặng Thị Hoa (Giáo viên Trường mầm non Hoa Sen TP. Vinh) không hề vơi cạn. Với cô, mọi đứa trẻ đều là con, là cháu, cô chăm sóc chúng với tất cả tình yêu thương của mình.

(Baonghean.vn) Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, nhưng lòng yêu nghề, mến trẻ của cô giáo Đặng Thị Hoa (Giáo viên Trường mầm non Hoa Sen TP. Vinh) không hề vơi cạn. Với cô, mọi đứa trẻ đều là con, là cháu, cô chăm sóc chúng với tất cả tình yêu thương của mình.


Sinh năm 1957 tại Thị trấn Nam Đàn, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Đặng Thị Hoa thi vào Trường sơ cấp nuôi dạy trẻ. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại xuất sắc, cô được giữ lại làm giáo viên nuôi dạy trẻ của Trường mầm non thực hành.


"Ngày đó, lương giáo viên mầm non ba cọc ba đồng, không đủ nuôi sống bản thân nói gì đến chăm lo cho gia đình. Bạn bè cùng trang lứa đều chọn ngành lương thực, thực phẩm, hoặc ít ra cũng làm mậu dịch viên của các cửa hàng để có đồng ra, đồng vào, nếu không có lòng yêu nghề, chắc tôi khó lòng gắn bó với nghề đến lúc này..." - Chị tâm sự. Chị lập gia đình, hai đứa con lần lượt ra đời, ngày đi trường, tối chị nhận đan khăn len, mũ len, may vá thuê... Vất vả, khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ chị sao nhãng công việc của một người cô, người mẹ.


Năm 1989, chị được điều về làm Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hưng Bình, nhưng vốn quen với công việc chuyên môn, gắn bó với trẻ, nên chị từ chối và xin vào dạy tại Trường mầm non Hoa Sen. Công việc của một cô nuôi dạy trẻ là có mặt ở trường từ sớm tinh mơ để lau chùi, quét dọn, vệ sinh phòng học chuẩn bị đón các cháu vào lớp. Và từ đó cho đến hết giờ học, thậm chí có hôm đến 5 - 6 giờ chiều, chị bận tối mắt tối mũi với hàng núi công việc, mà công việc nào cũng đòi hỏi phải thật cẩn thận, thật chu đáo.

Ngay việc đơn giản nhất là đón trả các bé cho phụ huynh, chị cũng cố gắng rèn luyện để có được sự nhanh nhạy, tinh tế trong việc quan sát thể trạng, sức khỏe, tâm lý của các bé để trao đổi kịp thời với cha mẹ chúng. Gặp trường hợp nhiều bé bị bệnh nhưng cha mẹ do bận công việc nên vẫn mang con đến gửi nhà trẻ, chị không cảm thấy đó là gánh nặng mà ngược lại yêu thương chăm sóc các bé ấy tốt hơn, chu đáo hơn.

Đảm nhận chăm sóc trẻ nhóm 1 (từ 1-2 tuổi) các cháu còn quá nhỏ, lần đầu rời xa vòng tay ôm ấp của mẹ, của bà để đến trường, mỗi cháu một thói quen ăn uống, một chế độ sinh hoạt riêng, hay quấy khóc, ốm đau nên chị khá vất vả. Lúc này, chị phải thay thế vai trò của người mẹ để chăm bΩm các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị gom những vật dụng cũ làm ra những món đồ chơi xinh xắn, những đồ dùng dạy học sáng tạo... Trong hội thi đồ dùng dạy học do trường tổ chức vừa qua, chị đạt giải Nhất toàn trường.


Hiện nay, khi tình trạng trẻ tự kỷ gia tăng, ngoài nhiệm vụ chuyên môn của mình, chị thường xuyên đọc sách báo, nghiên cứu thông tin, quan sát biểu hiện của các cháu để nhận biết, kịp thời báo cho phụ huynh biết để có sự can thiệp. "Mỗi ngày, các cháu ở với cô gần 10 tiếng đồng hồ, các cháu ăn, ngủ, chơi đều do cô đảm nhận, do đó, có thể nói cô nắm chắc mọi biểu hiện thể trạng cũng như tâm, sinh lý của trẻ rõ hơn cha mẹ..." - Chị cho biết.


Với những đóng góp của mình, năm 2000 chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Người chăm những mầm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO