Người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi được nhận hỗ trợ

Phú Hương 21/11/2023 11:57

(Baonghean.vn) - Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn Nghệ An xuất hiện 2 bệnh mới dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện hồ sơ để các hộ chăn nuôi được nhận hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh.

Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn; 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò

Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục, ngày 3/11/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 9496/UBND-NN chỉ đạo triển khai vấn đề này.

Theo đó, sẽ tổ chức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc phải tiêu huỷ bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu huỷ. Mức giá hỗ trợ theo đúng quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh Nghệ An Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các văn bản hướng dẫn liên quan. Cụ thể 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn; 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu bò.

bna_ Phát triển chăn nuôi bò hàng hoá.jpg
Nông dân Thanh Chương phát triển chăn nuôi bò hàng hoá. Ảnh: Phú Hương

Thời gian áp dụng mức hỗ trợ: Lợn bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi từ ngày 01/01/2021 đến nay, trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục từ ngày 27/9/2021 đến nay; riêng đối với trâu, bò bị tiêu hủy do dịch bệnh viêm da nổi cục trước ngày 26/9/2021 (ngày Thông tư số 09/2021/TT-BNN&PTNT có hiệu lực thi hành), UBND tỉnh sẽ gửi văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chính sách hỗ trợ đặc thù.

Tập trung hoàn thành các thủ tục, hồ sơ

Trong hai năm 2021 và 2022, Nghệ An có 31.000 con lợn và 2.400 con trâu bò bị tiêu hủy vì bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra một số ổ dịch. Theo ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, hiện tại, các địa phương đang tập trung hoàn thành các thủ tục, hồ sơ hỗ trợ động vật bị tiêu hủy do dịch bệnh.

bna_ chuồng ông Đồng. Ảnh- Phú Hương.jpg
Chuồng nuôi lợn của nông dân xã Diễn Thái (Diễn Châu) trống không sau dịch bệnh. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Tại huyện Yên Thành, từ năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2.105 hộ chăn nuôi lợn, tiêu huỷ 7.194 con lợn nái, lợn đực giống và lợn con với tổng trọng lượng 367.822 kg; Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra tại 245 hộ chăn nuôi, tiêu huỷ 51 con bò và 94 con bê, tổng trọng lượng 20.407 kg.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Khi dịch bệnh xảy ra, phương án hỗ trợ đã được phê duyệt, huyện thường trích nguồn ngân sách dự phòng để cho ứng trước, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, nguồn ngân sách thường không đủ nên những năm qua việc khôi phục sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai sẽ là động lực để người dân tiếp tục tái đàn, phát triển chăn nuôi trên địa bàn”.

bna_ YT. Ảnh- Phú Hương.jpg
Nông dân huyện Yên Thành tái đàn sau thiệt hại do dịch bệnh. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Năm 2021 cũng là năm các loại dịch bệnh trên xảy ra và gây thiệt hại nhiều tại huyện Thanh Chương.

Theo ông Đào Quang Biên - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Chương: Trong năm 2021, trên địa bàn huyện có 467 con trâu, bò phải tiêu huỷ do bệnh viêm da nổi cục, lợn bị tiêu huỷ với tổng trọng lượng 497 tấn. Trong 2 năm 2022 và 2023 tình hình dịch bệnh xảy ra không đáng kể. Hiện huyện đang chỉ đạo các xã tập trung hoàn thiện các thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và trục lợi chính sách, báo cáo UBND huyện tổng hợp trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thực hiện tốt công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy do dịch bệnh đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Mới nhất

x
Người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi được nhận hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO